(VTC News) – Nhiều doanh nghiệp tại Khánh Hòa cho rằng quy định nhằm chống chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách thiếu cơ sở áp dụng và có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp có quy mô lớn tại địa phương.
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hoà đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tại văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư kiểm tra, xây dựng quy định, quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các phòng, ban trong sở nhằm không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập để chuyển nhượng dự án.
Văn bản này cũng yêu cầu báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn liên quan đến các dự án chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định về đầu tư.
Theo các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, quy định như vậy sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp và thiếu cơ sở áp dụng.
“Trong bối cảnh tình hình thị trường bất động sản đang gặp khó thì việc tỉnh Khánh Hoà không để doanh nghiệp chuyển nhượng và thay đổi cổ đông chẳng khác nào “đẻ” thêm “giấy phép con”, dồn sức ép lên doanh nghiệp. Trong khi thủ tục hành chính cần được thông thoáng hơn để khuyến khích nhà đầu tư”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết quy định như trên là trái với tinh thần và quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS, chủ đầu tư các dự án hầu hết là pháp nhân doanh nghiệp không phải cá nhân. Luật Doanh nghiệp khuyến khích doanh nghiệp tăng vốn, cho phép thay đổi người đại diện, sang nhượng cổ phần… Vì vậy, chỉ nên quy định với đối tượng là các dự án có vi phạm quy định pháp luật.
Theo ông Nam, các dự án đang triển khai bình thường thì không có luật nào cấm chuyển nhượng, thay đổi cổ đông của doanh nghiệp chủ đầu tư.
Mặt khác, việc thay đổi cổ đông và các quyết định chuyển nhượng nhiều khi không thuộc thẩm quyền của tỉnh Khánh Hoà nếu như doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác.
Theo luật gia Nguyễn Thạc Hiếu, quyền được tự do chuyển nhượng, mua bán cổ phần của các cổ đông, vốn góp của các thành viên góp vốn kinh doanh trong doanh nghiệp là một trong những quyền cơ bản mà mỗi cổ đông, thành viên sở hữu vốn góp đã được pháp luật cho phép.
Do đó, việc UBND tỉnh Khánh Hoà xác định việc hành vi thay đổi, điều chỉnh đăng kí kinh doanh hoặc thay đổi cổ đông sáng lập, thanh viên góp vốn doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa chuyển nhượng dự án không đúng quy định là trái luật.
“UBND tỉnh Khánh Hoà cần đơn giản hoá các thủ tục pháp lý, cụ thể cần xem xét lại văn bản trên, không nên ngăn việc chuyển nhượng dự án thông qua việc chuyển nhượng, mua bán cổ phần của các cổ đông, thành viên góp vốn khi họ có nhu cầu”, ông Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu, trường hợp cần kiểm soát tiến độ thực hiện dự án, cơ quan nhà nước cần căn cứ theo quy định pháp luật về ký quỹ thực hiện dự án để có mức chế tài hợp lý khi nhà đầu tư không triển khai dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, luật gia Nguyễn Thạc Hiếu cho rằng, quy định trên nếu được áp dụng sẽ phát sinh hệ luỵ nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều dự án “đắp chiếu” khi các chủ sở hữu doanh nghiệp, chủ sở hữu dự án không đủ nguồn vốn để tiếp tục thực hiện.
>>> Đọc thêm: ‘Bom nước’ vỡ làm 4 người chết ở Nha Trang: Đại biểu truy trách nhiệm người đứng đầu Sở Xây dựng
TP.HCM xây nhà hát 1.500 tỷ đồng: Cần thiết nhưng sai thời điểm?
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyện vọng xây dựng một nhà hát có tầm cỡ cho thành phố là điều chính đáng, cần thiết, nhưng đây chưa phải là thời điểm để thực hiện dự án này.
Hơn 90 dự án của TP.HCM đang bị thanh tra
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ điều này trước các cử tri quận 1 trong buổi tiếp xúc cử tri diễn ra tối 17/12.
Nguồn: Vtc.vn