Du khách tại không gian biển đầy màu sắc mới lạ trên bãi biển Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng – Ảnh: TẤN LỰC
Dịp cuối tuần qua, từ Huế, Đà Nẵng, Hội An đến Nha Trang, Đà Lạt rồi Vũng Tàu, đâu đâu cũng ghi nhận sự khởi sắc của ngành du lịch.
Dịch COVID-19 tạm yên ắng tại Việt Nam. Kỳ nghỉ hè ngắn hơn mọi năm khiến du khách ùn ùn đổ về các địa phương kể trên. Đông, vui, khởi sắc, nhưng cũng là lúc xuất hiện ngay những điều chưa trọn vẹn về kỳ nghỉ này. Từ đó việc giữ chất lượng du lịch được đặt ra để nhà nhà có một mùa du lịch trọn vẹn.
Ở đâu cũng đông kinh khủng!
Hơn một tuần qua, du khách ùn ùn kéo đến check-in tại một địa điểm rất hot trên bãi biển Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Họ thoải mái ngồi, nằm trên những chiếc ghế sặc sỡ ngắm hoàng hôn và dòng người tắm biển đông đúc buổi chiều.
Anh Hứa Thanh Toàn – quản lý điểm du lịch – cho biết mô hình này được học hỏi từ Bali, Indonesia, kết hợp với sự phát triển thêm của doanh nghiệp.
Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, thống kê vào ngày thường có trên 10.000 lượt khách tắm biển, vào dịp cuối tuần lượng khách đổ ra các bãi biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn còn tăng cao gấp bội.
Chiều xuống, suốt một vệt biển dài mấy cây số chạy dọc hai quận luôn đông nghẹt khách tắm biển, chơi thể thao và các hoạt động sôi nổi.
Ông Cao Trí Dũng – chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng – cho biết thời điểm hiện tại lượng khách du lịch nội địa đổ về Đà Nẵng đã tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019. Hiện mỗi ngày Đà Nẵng đón 80 chuyến bay nội địa (so với 70 chuyến năm 2019). Ngoài ra, năm nay Đà Nẵng cũng ghi nhận hình thức đi du lịch bằng ôtô của các nhóm cá nhân, gia đình nở rộ, chủ yếu là khách các tỉnh khu vực miền Trung và phía Bắc.
Tại Đà Lạt, để nói chuyện nơi đây đông như thế nào, người dân địa phương so sánh: “Đà Lạt hè mà đông như tết”. Tại một số tuyến đường chính ra vào cửa ngõ TP Đà Lạt và các tuyến đường dẫn tới những khu, điểm du lịch xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn ứ kéo dài.
Theo ghi nhận từ UBND TP Đà Lạt, so với cùng thời điểm năm ngoái, lượng khách đến Đà Lạt trong những ngày qua tăng mạnh, ước đạt 100.000 lượt khách/ngày, chỉ thấp hơn dịp tết khoảng 20%.
Nhận định về tình hình du lịch ở Khánh Hòa, ông Từ Quý Thành – giám đốc Công ty Liên Bang Travel – cho biết du lịch cả nước nói chung và đặc biệt là Nha Trang – Khánh Hòa đang thực sự “ấm” dần lên. Mới nhất, lượng khách tính trong 2 tuần đầu tháng 7 đã tăng gấp 4-5 lần so với tháng 6.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cho biết các hãng hàng không trong nước thời gian này đã khôi phục đầy đủ các đường bay. Mỗi ngày có khoảng 90 – 100 chuyến bay đến cảng. Lượng hành khách nội địa đã đạt tới 8.000 khách/ngày, bằng 80% so với trước dịch COVID-19.
Ghi nhận tại khu di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng, nhà thờ đá Nha Trang… số lượng khách hiện đã tăng 30-40% so với tháng 5.
Tình hình đông đúc khách du lịch những ngày qua cũng được ghi nhận tại Vũng Tàu, Phú Quốc. Ông Phạm Khắc Tộ – giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu – cho biết trong tuần qua từ ngày 13 đến 19-7, đã có khoảng 300.000 lượt khách đến Vũng Tàu, trong đó hai ngày cuối tuần chiếm hơn một nửa. Tuần trước đó, con số này cũng đạt hơn 250.000 lượt.
Tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp khác trên đảo Phú Quốc, như Vinpearl Land, khu phức hợp Bãi Trường, khu vực Nam đảo với cáp treo nối An Thới – Hòn Thơm… cũng đông nghịt du khách trong nước.
Đông nghẹt du khách tắm biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa – Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Còn nhiều điều chưa trọn vẹn
Khách đông, dồn dập đến các địa phương có thế mạnh về du lịch cũng là lúc nhiều điều chưa hay từ các đơn vị phục vụ, và từ chính du khách, khiến với nhiều người, các chuyến nghỉ dưỡng chưa thật sự trọn vẹn và mong ước có sự thay đổi.
Chị Trần Hồng Ngọc (du khách TP.HCM) đến Đà Lạt cho biết nhiều nơi tại TP hoa có “dịch vụ ăn uống quá tải như những ngày tết”. Chị Ngọc kể chị đi với gia đình nên kiếm chỗ ăn rất khó khăn, vì chỗ nào cũng đông người. Cần đi đâu gọi taxi cũng khó khăn, điểm du lịch nổi tiếng chỗ nào cũng đông đúc tới mức không muốn đi tham quan.
Theo chị, tuy không có chuyện chặt chém nâng giá vô tội vạ, do quá đông du khách đến TP Đà Lạt trong cùng một thời điểm, chất lượng phục vụ giảm sút nhiều so với những lần chị đi trước đó.
Trong khi đó, ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết việc quan trọng nhất của du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu trong những ngày qua là du khách an toàn, môi trường vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, do lưu lượng xe cộ đến Vũng Tàu quá đông nên xảy ra tình trạng kẹt xe, thiếu bãi đậu xe.
Ông Trần Bá Việt – trưởng Phòng văn hóa và thông tin TP Vũng Tàu – cho biết trong những ngày qua, ông đã nhận được phản ánh về tình trạng phòng ở không như quảng cáo trên mạng do đó xảy ra tranh chấp giữa du khách với phía khách sạn, nhà nghỉ.
Theo ông Việt, những trường hợp này thường xảy ra khi khách sạn bán hàng qua mạng xã hội cá nhân, không phải qua những trang bán hàng có uy tín. Ngoài ra, ông cho rằng, có tình trạng khách sạn, nhà nghỉ đã đồng ý bán phòng cho khách, đã nhận tiền nhưng vì thấy khách đông nên có ý đòi thêm tiền.
Từ Nha Trang, ông Nguyễn Đình Toản – giám đốc kinh doanh khách sạn Queen An – cho biết thời gian qua hầu hết du khách đều đánh giá rất tốt về chất lượng dịch vụ du lịch tại Nha Trang – Khánh Hòa. Tuy nhiên một điểm mà ông Toản chỉ ra cho ngành du lịch Khánh Hòa là việc vẫn còn tình trạng chặt chém, dụ dỗ du khách đến các nhà hàng ăn uống hải sản.
Ông Toản cho rằng đây là sự chụp giật trong cách làm ăn của một số hàng quán trên địa bàn. Các điểm cửa hàng này thường có tâm lý làm giá một lần, vì biết lần sau khách sẽ không quay lại.
Du khách trở lại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang – Ảnh: TIẾN TRÌNH
Ở khách sạn 5 sao mà như thời bao cấp
Vừa trở về sau gần một tuần du lịch Phú Quốc, ông Nguyễn Văn Công (Vũng Liêm, Vĩnh Long) chia sẻ ông khá bất ngờ vì Phú Quốc trở nên mới mẻ, từ môi trường trong lành hơn đến nhiều dịch vụ mới đưa vào phục vụ. Tuy vậy, cũng có ý kiến than phiền bởi lượng khách quá đông, nhiều nơi vượt quá khả năng phục vụ.
“Tôi ghé một nhà hàng hải sản chen đặc khách. Gọi món rồi đợi khá lâu, vào nhắc thì bếp mới xin lỗi vì… phục vụ không xuể” – bà Quan Thị Hai, du khách từ Vĩnh Long đi du lịch Phú Quốc, chia sẻ. Anh Nam Sơn – du khách từ TP.HCM – than phiền chuyện giao thông chật cứng xe vào giờ cao điểm ở trung tâm Phú Quốc.
“Mình ở khách sạn 5 sao mà chen chúc quá cũng bất tiện. Thêm nữa, khách đẳng cấp, họ muốn tận hưởng dịch vụ đẳng cấp, nhưng có khi phiền phức không phải do khách sạn hay nhà tổ chức mà là đến… từ khách. Do khách đông, nhiều người lần đầu tiên ở khách sạn 5 sao, họ ồn ào, khi ăn thì chen lấn, ở 5 sao mà họ phơi đồ trên bancông như ở chung cư thời bao cấp…” – anh cho biết.
Ngành du lịch nói gì?
Du khách vui chơi bên trong Vườn hoa thành phố Đà Lạt – Ảnh: ĐỨC THỌ
Trước lo ngại của du khách về việc bùng nổ du lịch hè có thể kéo chất lượng dịch vụ đi xuống, ngành du lịch nói gì?
* Ông Nguyễn Văn Phúc (phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế): Đơn vị thường xuyên phối hợp đội quản lý thị trường, Thanh tra sở kiểm tra việc niêm yết giá cả, xử lý nghiêm các cơ sở ăn uống nâng giá, không niêm yết giá.
* Ông Nguyễn Đình Toản (giám đốc kinh doanh khách sạn Queen An – Nha Trang): Cái tốt mình làm nhiều nhưng chỉ cần một lần xấu du khách sẽ nhớ mãi. Điều này rất nguy hiểm. Ngành du lịch cần phải giải quyết ngay tình trạng này để môi trường du lịch thực sự sạch.
* Ông Phan Xuân Thanh (chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam): Khách tăng ở thời điểm này là quy luật hằng năm, quan trọng là sau cao điểm thì chúng ta sẽ làm gì để giữ bầu không khí du lịch chung. Chỉ có cách duy nhất là làm cho khách cảm động với dịch vụ của điểm đến, khách thấy điểm đến có nhiều sản phẩm có giá trị từ sự chân thật của người làm dịch vụ, người dân địa phương thì mới căn cơ, lâu dài.
* Ông Võ Văn Thành (giám đốc khách sạn 5 sao SeaShells – Phú Quốc): 100% nhân viên tại SeaShells đã được gọi đi làm trở lại. Giảm giá là một chuyện, nhưng chất lượng phải đảm bảo.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn