Lễ rước Kpan.

0
73

Kpan là một chiếc ghế bằng gỗ nguyên khối dài khoảng 15m, rộng chừng 70cmvới độ dày khoảng 10cm. Đối với người Ê Đê, Kpan và chiêng ché tượng trưng cho sự giàu có của gia đình. Để làm Kpan phải chọn loại cây gỗ tốt, thân cao, to, thẳng và đòi hỏi sự giúp đỡ của cả buôn trong thời gian nhiều ngày. Người chủ phải lo đủ cơm, thịt và rượu phục vụ cho bà con trong những ngày làm Kpan. Vì thế, làm được Kpan là sự kiện lớn của mỗi gia đình của người Ê Đê cùng với một lễ hội khá đặc sắc.

Người xưa vẫn xem chiếc Kpan có hồn, thiêng lắm. Bởi làm ra nó là cả một quá trình cầu kỳ, nhiều quy định và chế tài, lắm công phu và có không ít điều cấm kỵ. Chủ nhà bổ nhát rìu đầu tiên rồi đến mọi người. Khi hạ cây không được đổ ngang dòng suối mà phải cho cây đổ dọc mới được. Khi cây được dọn sạch cành lá, chủ nhà và thầy cúng đi lên thân cây 7 lần để đuổi tà ma.
 
Tiếp đó, những người thợ dùng rìu đẽo cây thành chiếc Kpan hai đầu hơi cong lên như con thuyền lướt sóng với những đường nét khoẻ khoắn. Sau khi thầy cúng cầm rìu bổ nhẹ vào Kpan theo tục lệ, mấy chục trai tráng trong buôn cùng khênh Kpan về buôn trong khi những thanh niên nam nữ khác vừa đi vừa múa hát, gõ chiêng đi theo. Đến đầu buôn,đám rước đặt Kpan xuống cho thầy cúng phủ vải đỏ lên rồi mới đưa về, đặt ở phía cửa sau nhà. Sáng hôm sau, chiếc Kpan tiếp tục được chạm khắc với những đường nét hoa văn tinh tê mang tính biểu tượng truyền thống.
 
Buổi trưa, khi chiếc Kpan chính thức hoàn thành, mọi người trong buôn tập trung lại đưa ra cửa trước, đặt ghếch một đầu lên sàn nhà. Người chủ ăn mặc đẹp,cầm lấy khiên, kiếm đã được bày sẵn trên chiếu, đi lại trên Kpan 7 lần để trừ tà. Chủ nhà đặt tên Kpan như một sự thông báo chính thức rằng, mình là chủ của Kpan . Thầy cúng bước ra và làm lễ khấn báo thần linh rằng, Kpan đã có chủ. Kpan được các thanh niên trong buôn khênh vào gian khách, đặt dọc vách phía Tây nhà. Lúc này, lễ cúng Yàng mới chính thức bắt đầu.
 
Lễ cúng gồm 1 con trâu, 7 ché rượu được buộc vào 7 chiếc cột. Ché to nhất buộc ở cột ngoài cùng, thân cột bôi huyết trâu thành 7 khúc. Thầy cúng ngồi ở đầu Kpan, cầm chiếc que dài nhúng vào bát đồng đựng tiết lợn pha rượu và bôi dọc theo Kpan để yểm giữ tài sản cho chủ nhà. Khi việc cúng Yàng kết thúc cũng là lúc bà con ăn mừng chủ Kpan.
 
Sau 2 ngày, chủ nhà mở một ché rượu ngon mời người thân tới uống mừng sự hoàn thành tốt đẹp ghế Kpan.

Nguồn: Dulich.vtv.vn