Moscow ở phía trước mũi tàu: Từ sa mạc Gobi lên thảo nguyên xanh

0
36
Sa mạc Gobi khô cằn ở bên ngoài Zamin Uud nhìn qua cửa sổ con tàu /// Ảnh: Đỗ Hùng

Chiếc tàu không có máy điều hòa nóng như một lò hơi chở chúng tôi từ trái tim sa mạc Gobi lên vùng thảo nguyên để đến với Ulan Bator, thủ đô lạnh giá nhất thế giới.

Sa mạc Gobi khô cằn ở bên ngoài Zamin Uud nhìn qua cửa sổ con tàu /// Ảnh: Đỗ HùngSa mạc Gobi khô cằn ở bên ngoài Zamin Uud nhìn qua cửa sổ con tàu – Ảnh: Đỗ Hùng

Từ Zamin Uud, tôi ngắm nhìn đất nước Mông Cổ qua cửa sổ. Đất nước này rộng lớn mênh mông, theo tài liệu chính thức thì diện tích của Mông Cổ là 1.566.000 km2, tức hơn 4 lần VN, nhưng dân số chưa đầy

3,5 triệu người. Đây chính là vùng đất từng được gọi là Ngoại Mông trong thời nhà Thanh cai trị, để phân biệt với Nội Mông mà hiện nay là một khu tự trị của Trung Quốc.

VIDEO: Vượt sa mạc Gobi lên thảo nguyên Mông Cổ

Tàu rời ga Zamin Uud vào cuối buổi chiều, lúc 18 giờ 5. Nói là cuối buổi chiều nhưng ở mạn này, ánh dương còn chói chang thêm vài tiếng đồng hồ nữa trước khi chìm xuống phía sau những đụn cát ở cuối đường chân trời.
Tôi ngồi trong phòng có 4 giường, trông khá sang trọng nhưng nóng như một lò hơi. Tàu chạy một đoạn thì cô phục vụ đem bọc nệm, gối tới kèm vài gói suutei tsai, loại trà sữa đặc sản của Mông Cổ. Tôi thử pha uống với nước nóng thì thấy vị chát của trà hòa cùng vị ngọt và thơm của sữa, nhưng hình như còn có nhiều muối khiến hơi khó uống.
Thực ra món đóng gói này là phiên bản tinh giản tiện dụng của một món trà cầu kỳ công phu mà người Mông Cổ thường dùng tiếp khách mỗi khi có ai ghé tới lều của họ. Trong các phim lịch sử Trung Quốc có bối cảnh là vùng đại mạc, thảo nguyên của người Mông Cổ xưa, thi thoảng cũng có cảnh uống trà suutei tsai.

Uống trà suutei tsai chính là chạm vào một trong những chất liệu cơ bản nhất của ẩm thực Mông Cổ, đó là sữa. Rồi đây, khi lên Ulan Bator và Sukhbaatar, tôi còn có rất nhiều dịp uống sữa, ăn sữa. No nhờ sữa và say cũng vì sữa. Sữa ngựa, sữa dê hiện diện trong nhiều món ăn, đồ uống, từ cháo yến mạch rắc nho khô ăn buổi sáng cho đến sữa ngựa lên men uống vào buổi chiều.
Nhưng đấy là lúc tôi đã ở giữa Ulan Bator, còn lúc này đây, món sữa ngựa lại cứ như làm cho không khí trong phòng càng nóng thêm, đến mức tôi phải ra ngoài hành lang ngắm cảnh. Xung quanh tôi là những gã Mông Cổ to con, cởi trần. Người to con mặc áo quần là một chuyện, nhưng nếu người đó cởi trần thì thật là khủng khiếp. Đằng này quanh tôi có tới cả chục anh chàng, bệ vệ như những con gấu. Một vài gã có vẻ như là đô vật chuyên nghiệp, họ có những cái vành tai giống như bị cán dẹt rất đặc trưng của đô vật. Ngoài kỹ năng vừa cưỡi ngựa vừa bắn tên bách phát bách trúng và cưỡi ngựa không cần cầm cương mà chúng ta thường đọc trong các tài liệu vốn đã được thi vị hóa, người Mông Cổ còn có môn vật trứ danh thiên hạ.

Moscow ở phía trước mũi tàu: Từ sa mạc Gobi lên thảo nguyên xanh - ảnh 2

Tôi bắt chuyện với một vài người, nhưng chỉ có thể tương tác bằng ngôn ngữ ậm ờ và cử chỉ. Không nói chuyện được nhưng những anh chàng này rất vui tính, chụp hình chung với tôi và đưa những cánh tay lực lưỡng cơ bắp ra dọa tôi. Tôi cũng giơ nắm đấm dọa lại, họ cười bảo “kung fu, kung fu”, tôi nói “không phải, tôi đến từ VN”.

Dùng tay chỉ trỏ một hồi, cuối cùng bọn họ cũng tìm được một người nói tiếng Anh. Anh chàng này để tóc dài như nghệ sĩ.
“Tôi là người Mông Cổ nhưng ở Trung Quốc. Tôi ở Nội Mông”. Anh chàng bảo thế và cho biết thi thoảng lên Mông Cổ chơi thăm bạn bè, người quen. Hóa ra sau khi vị Đại hãn khét tiếng của họ chinh phục cả một dải Á – Âu, đất nước Mông Cổ hôm nay không phải là nơi có đông con cháu của ông nhất. Trên thực tế, dân số Mông Cổ chỉ bằng khoảng một nửa số người Mông Cổ sống ở Trung Quốc, chủ yếu là vùng Nội Mông.
Ngoài ra, tộc người Mông Cổ còn sống rải rác ở các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Nga và Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Kazakhstan, chưa kể phiêu dạt cả qua Âu, Mỹ.
“Tôi biết tiếng Trung, nhưng ngôn ngữ hằng ngày của tôi là tiếng Mông Cổ”, anh chàng mà đến giờ tôi đã hỏi ra tên là Enkhtuya nói. Tôi hỏi anh sử dụng chữ viết nào, chữ gạch ngang gạch dọc kiểu Hán, chữ sâu róm kiểu Mông Cổ hay chữ Mông Cổ viết theo ký tự Cyrillic (kiểu Nga). “Cả ba, nhưng chủ yếu là ký tự Mông Cổ truyền thống”. Enkhtuya cho biết con anh cũng học loại chữ viết này. “Tất nhiên cả tiếng Trung nữa”.
Đi mãi thành đường
Chúng tôi vừa trò chuyện vừa ngắm nắng chiều đại mạc. Đây là phần phía bắc của sa mạc Gobi, nam phần và trung phần thì tôi đã có dịp đi qua bằng xe đò ở miền Nội Mông vào hôm trước. Vẫn là cái mênh mông ngút ngàn, vô cùng vô tận của trời và đất. Vẫn là cái khắc nghiệt tận cùng, vẫn là sự vắng bóng sinh linh.

Địa hình ở đây tương đối bằng phẳng, không có núi cao, chỉ có đồi thấp và những bình nguyên rộng lớn. Cát vàng, đá và cỏ khô chung sống với nhau, như vốn dĩ đã từng qua bao nhiêu thiên niên kỷ. Chạy cả tiếng đồng hồ mới tới một ga xép hoặc một cụm lều chỉ vài ba nóc của dân du mục chăn thả gia súc.
Đấy là bóng dáng hiếm hoi của sự sống giữa mênh mông điêu tàn. Đi lên nữa thì bắt đầu xuất hiện những ngôi làng nhỏ bé, với nhà cửa tạm bợ hoặc lều trại du mục. Có vẻ như chúng mới mọc lên chưa lâu, theo khí hậu và bước chân của đàn gia súc.
Mặt trời lặn vào lúc gần 21 giờ, tôi còn ngắm cảnh ban đêm và nói chuyện, tương tác cùng những con người của sa mạc và thảo nguyên một chốc nữa rồi vào ngủ. Sáng dậy lúc 4 giờ 30, đã thấy bên ngoài chan hòa ánh sáng. Mặt trời lên và tàu đi giữa miền thảo nguyên, lúc này cỏ đã xanh hơn, những đàn gia súc xuất hiện nhiều hơn và trên đồi cao, thi thoảng có vài cụm thông xanh thẫm. Trong lúc tôi ngủ, sa mạc Gobi và cái nóng nung người miền đại mạc đã vụng trộm rời đi, chẳng biết bao giờ mới gặp lại.

Moscow ở phía trước mũi tàu: Từ sa mạc Gobi lên thảo nguyên xanh - ảnh 5

Đi tàu từ cực nam Mông Cổ ngược lên phương bắc để đến Ulan Bator, tôi nhận thấy sự biến đổi dần dần của cảnh vật. Sau tầm 5 – 6 tiếng chạy qua sa mạc khô cằn và vắng bóng sự sống, tàu bắt đầu tiến vào vùng thảo nguyên xanh. Làng mạc xuất hiện với tần suất mỗi lúc một dày hơn, tất nhiên khái niệm “dày” ở đây cần được xét theo tiêu chuẩn của Mông Cổ. Quan sát địa hình, tôi nhận thấy hóa ra giữa cái bao la trời đất và tận cùng khắc nghiệt này cũng có cái gì đấy gọi là thuận lợi. Nhờ địa hình bằng phẳng nên nhiều nơi, dân Mông Cổ không cần làm đường.
Xe cứ chạy, người cứ đi, ngựa cứ phi miết thế là thành đường, chả cần san ủi, rải thảm. Thuở xa xưa, những chiến binh Mông Cổ cũng đâu cần đường, họ cứ thế cưỡi ngựa tiến về phía trước và tự mở đường cho mình thôi. Ấy là tôi nói tới vùng phương nam sa mạc và thảo nguyên, còn ở phương bắc, với thảo nguyên và núi đồi đan xen, với rừng thông mỗi lúc một nhiều hơn thì địa hình của Mông Cổ bắt đầu trở nên phức tạp và đa dạng. Có núi, có rừng thông, có suối, và tất nhiên, vẫn có thảo nguyên ngút ngàn.

Tàu cứ thế lướt đi trong ánh sáng của ngày vừa tới, đến lúc nắng bắt đầu gay gắt hơn thì Ulan Bator hiện ra ngoài cửa sổ. Giữa miền thảo nguyên bao la này không ngờ lại mọc lên những tòa nhà cao vút, những con đường trên cao uốn lượn. Ấy là lúc tôi phóng tầm mắt nhìn về phía trung tâm thành phố. Còn ở rìa của nó, Ulan Bator vẫn có những căn lều du mục đan xen nhà kiên cố. Cuộc sống hiện đại với những tòa nhà tiện nghi vẫn không thể trói chân được bản tính phóng khoáng, yêu tự do của những con người miền thảo nguyên, nơi đường chân trời cũng không phải là giới hạn.
Ulan Bator, thành phố Đỏ, thủ đô lạnh nhất hành tinh, bây giờ đã ở đây, ngay trước mặt và xung quanh tôi.
(còn tiếp)

Nguồn: Thanhnien.vn