Tàu nhanh SE8 mới chạy được vài trăm cây số thì phải quay đầu, trong khi hành trình đến Nga vẫn còn hơn 10.000 km. Phải làm sao?
Tôi vừa nhét xong va li vào gầm bàn ở buồng số 3 của toa giường nằm số 6 thì một bà cụ xuất hiện trước cửa. Bà cụ miền Bắc trông vội vã và có phần hoảng hốt. Bà nhờ ai đó bê lên rất nhiều thùng các tông để ở lối đi cạnh cửa lên xuống. “Trời ạ, bà bỏ chỗ khác đi, bỏ đây không được đâu, chắn ngang lối đi thế này” – cô nhân viên giọng bắc quát. Bà chạy tới chỗ tôi: “Khiếp. Cái giọng cứ sang sảng sang sảng. Cho người ta thở chút đã chứ”, đoạn quay sang tôi. “Cháu làm ơn lại bê giúp bà với”. Tôi chạy theo bà, liền bị dội lại bởi tiếng quát của cô nhân viên. “Đem gì mà nhiều thế này không biết! Chất cả đống ở đây”. Bà chạy theo năn nỉ: “Cháu cho cô bỏ đây, bên trong chật quá”. Rồi bà giúi vào tay cô 20.000 đồng, cô nhân viên rụt lại: “Con không lấy đâu, bà bê vào ngay đi. Ai cũng bỏ như bà thì còn đâu lối đi”. Tôi chạy ra cửa tàu bê giúp bà, đếm được cả thảy sáu thùng.
Bà cụ Khoát (68 tuổi) quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Bà có bảy người con, nhưng một đứa mất, còn sáu đứa, làm ăn tứ xứ. Đứa Hải Phòng, đứa Bà Rịa, có hai đứa ở TP.HCM. “Đứa thứ năm ở nhà với bác, còn đứa rốt ở trong đây”. Cụ kể vừa vô TP thăm hai đứa, tranh thủ đi lễ chùa mười ngày, giờ lại về quê. “Đời giờ nó khác đời xưa lắm cháu ạ. Đời giờ ăn no mặc đẹp nhưng không có đạo đức, toàn sống vì tiền”, bà cụ khái quát.
Bà nói hết chuyện này đến chuyện nọ, từ ruộng đồng cho tới quốc gia. “Hôm rồi bác xem ti vi, thấy có ông đại biểu Quốc hội ở Nghệ An phát biểu. Con người như rứa mới thật là đi sâu đi sát. Tới buổi tối bác bắt đứa con mở lại cho cả nhà xem, bác bảo mấy đứa bay phải nghe ông này nói. Mấy đứa con la bác, mẹ thì có học hành được bao nhiêu mà nói chuyện trên trời…”, bà kể. Tôi hỏi, vậy nếu bác đi họp Quốc hội thì bác nói gì?
“Bác nói làm sao cho người nông dân đỡ khổ ra”, bà bảo. Bà kể là ở quê, một mẫu nếu chăm tốt thì được ba tấn lúa, lúa bán được 60.000 đồng một yến, rồi “trừ tiền sản (thuế), tiền phân bón, tiền đóng góp thì không còn đồng nào”. “Tiền sản không bao nhiêu nhưng tiền đóng góp nhiều lắm. Đủ thứ đóng góp. Nhà bác được một mẫu tám, mỗi vụ đóng góp hơn hai triệu. Hai năm nay lợn cũng bán mớ. Nhiều nhà sập vì lợn lắm cháu ạ”.
Tàu lăn bánh ra khỏi ga, nghe trên loa có lời xin lỗi bằng tiếng Việt về chuyện trễ tàu, nhưng khi tàu chạy quá Gò Vấp, tôi lại nghe phát thông báo Việt – Anh rằng tàu SE8 hôm nay chạy đúng giờ, tàu sẽ lần lượt qua ga này, ga nọ. Có vẻ như đấy là một đoạn thông báo ghi âm sẵn để phát mà chưa cập nhật thời gian trễ hơn một tiếng vào sáng nay.
Chạy xuống tới Dĩ An tàu dừng một lát, rồi tới Biên Hòa lại dừng đón khách. Từ bên ngoài, lại nghe cô phục vụ ban nãy lớn tiếng. “Anh làm gì đi tới đi lui hoài vậy? Giường của anh có trên vé mà. Đây, anh ở buồng này chứ không phải chỗ kia”. Tôi ló đầu ra, đúng lúc anh chàng gầy gò mặc áo màu cam quạt lại: “Gì mà hét ghê vậy. Chị không nói nhỏ chút được à?”. Cô kia không vừa: “Tôi bảo anh vào bên trong đi để người khác người ta vào. Đứng choán hết cả đường”. “Chị nói gì thì nói nhỏ một chút, hét lên với khách là sao”. “Ơ anh này, tôi nói cho anh biết nhé, tôi thông cảm cho anh đem chim lên tàu là may lắm rồi. Anh còn cãi thì tôi vứt chim ra ngoài đấy”. Cãi nhau một hồi, có vẻ như anh chàng nói giọng miền Nam đã mệt bèn chửi thẳng: “Có cc tôi đây!”.
Một chốc sau khi cuộc đụng độ với anh áo cam lắng xuống, có vẻ như cô phục vụ cảm thấy áy náy trong lòng, bèn kêu bà Khoát đem đồ ra khoảng giữa hai toa mà để. Tôi lại vác ra cho bà cụ. Xong đâu đấy, tôi leo tót lên giường áp mái để ngủ.
|
Lịch trình phá sản
Vào đầu buổi chiều, tàu đến ga Tháp Chàm. Nơi đây từng là điểm bắt đầu của một nhánh quan trọng trong mạng lưới đường sắt Đông Dương do Pháp xây dựng. Từ Phan Rang, người Pháp mở một đường sắt lên cao nguyên Lâm Viên qua ngả đèo Ngoạn Mục (Bellevue), đèo Dran rồi vào Đà Lạt. Ở nhiều đoạn có độ dốc cao, người ta làm thêm một thanh răng cưa ở giữa hai thanh ray thông thường để giúp tàu leo núi dễ dàng. Nhưng con đường tàu độc đáo này, cũng như toàn bộ hệ thống đường sắt vốn được xây dựng bởi tiền, trí tuệ và ý chí của người Pháp cùng với mồ hôi và máu của cha ông tôi, đã nhanh chóng bị băm vụn bởi chiến tranh. Hiện nay thì con đường đó chỉ còn trong chuyện kể.
Tàu đến Nha Trang, không biết từ đâu xuất hiện một nhóm cô gái trẻ cùng vài phụ nữ trung niên. Họ rất ồn ào, phương ngữ Nha Trang “ăn gì cũng đẽ qué” trộn với tiếng Quảng Bình, Quảng Trị. Có một cô xách “con gà khỏa thân” đã luộc chín trong bịch ni lông. Một chốc sau, khi tàu đã chạy, họ bày gà ra ăn và khui bia nhậu, rồi đánh bài và nói cười ầm ĩ cả một toa tàu. Tôi thấy bức bối quá bèn tìm đến căn tin phía đầu kia của tàu. Tôi đi xuyên qua các toa ghế mềm và ghế cứng. Dù là tàu đường dài xuyên Việt, đi mất 40 tiếng, nhưng đến nay người ta vẫn giữ các toa ghế cứng, ở đấy người ngồi, người trải chiếu xuống sàn nằm la liệt.
|
Tôi chỉ trụ lại ở căn tin chừng 20 phút đã phải rời đi do không chịu nổi khói thuốc.
Tới hơn 21 giờ 30, tàu thông báo tới ga Quảng Ngãi, một chốc lâu sau, trong cái ngủ chập chờn, tôi nghe người phụ nữ của gia đình ngủ ở tầng dưới bảo là có tàu tông nhau, khách tàu SE8 có thể phải chuyển xuống đi xe đò để ra ga Tam Kỳ rồi mới lên tàu đi tiếp. Tôi lạnh cả người. Vậy là lịch trình của tôi – chạy tàu từ Sài Gòn đến Hà Nội vào buổi chiều hôm sau, rồi ban tối bắt tàu liên vận Gia Lâm đi Nam Ninh – cơ bản đã phá sản.
Đến tầm 11 giờ khuya, hành khách được thông báo xuống tàu để đi xe ra ga Tam Kỳ. Từ đó, khách sẽ lên một chuyến tàu khác đi tiếp ra bắc. Còn tàu SE8 thì quay đầu trở vào nam, chở hành khách của chiếc tàu đang kẹt lại ga Tam Kỳ.
Mấy chục chiếc xe chở khách của các công ty tại Quảng Nam và Đà Nẵng đã được huy động. Công cuộc di tản kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ và thách thức lớn nhất của tôi là làm sao để chuyển hết số thùng giấy của bà cụ Khoát sang xe trung chuyển rồi sau đó từ xe trung chuyển đưa lên tàu mới.
Phải đến gần 2 giờ sáng thì chúng tôi mới ổn định trên tàu mới và tàu lại lăn bánh hướng về phía bắc. Đó là một chiếc tàu chạy tuyến Huế – Nha Trang thì bị kẹt lại, phải làm nhiệm vụ bất đắc dĩ là chở chúng tôi ra Hà Nội.
Tôi ngủ thiếp đi và chỉ thức dậy khi nghe tiếng ồn ào trên sân ga Đà Nẵng. Trước đó, sau khi chuyển các thùng giấy cho bà Khoát ra chỗ tập kết và trong thời gian đợi xe trung chuyển, tôi đã kịp book cho mình một vé của Hãng Jetstar để sáng sớm hôm sau bay ra Hà Nội cho kịp chuyến tàu đêm sang Nam Ninh.
Tôi đã tiếc đứt ruột khi không đi tàu qua Hải Vân và đặc biệt là qua quê hương tôi, qua con sông Bến Hải, sông Sa Lung gắn liền với một quãng đời tuổi thơ của tôi. Lẽ ra tôi đã có thể đứng trên tàu ngắm nhìn lại một thuở tuổi thơ áo rách hồn nhiên vô tư lự.
Nhưng biết làm sao bây giờ!
(còn tiếp)
Tin liên quan
- Moscow ở phía trước mũi tàu: Khởi đầu trắc trở
- Người Sài Gòn sống cạnh sân bay, nhà ga – Kỳ 3: Xóm đò con nước năm xưa
- Người Sài Gòn sống cạnh sân bay, nhà ga – Kỳ 2: Cống Bà Xếp ‘lừng danh’
Nguồn: Thanhnien.vn