Nhật Bản Nhiều du khách không dám nhìn thẳng vào mắt những con vật khi thưởng thức ikizukuri tươi sống vì chúng vẫn cử động và mang còn phập phồng.
Ikizukuri hay “phi lê sống” là món ăn tươi có nguồn gốc từ Nhật Bản. Mặc dù đắt tiền và được yêu thích, Ikizukuri gây ra nhiều tranh cãi vì cách chế biến bị xem là tàn nhẫn và bị cấm ở Australia, Đức.
Hải sản tươi sống
Các nguyên liệu để chế biến Ikizukuri thường lá cá, mực, bạch tuộc, tôm hùm và lươn. Khách thưởng thức kèm gừng ngâm, wasabi, nước chanh, nước tương và rượu sake.
Để làm Ikizukuri đúng cách, các đầu bếp phải được đào tạo trong nhiều năm. Họ phải liên tục cạnh tranh, để sáng tạo và làm ra món ăn chất lượng nhất có thể. Tay nghề bậc thầy được thể hiện qua cách phi lê, trang trí ngay trên hải sản còn sống.
![]() |
Ikizukuri làm từ cá sống. Ảnh: Live Japan. |
Trước khi bắt đầu bữa ăn, thực khách sẽ tự chọn hải sản còn đang bơi trong bể. Sau đó, đầu bếp nhanh tay bắt chúng, cẩn thận dùng dao sắc cắt vào bụng, phi lê thịt thành từng miếng vuông mỏng để phục vụ sashimi và sushi.
Nếu đầu bếp thực hiện các vết cắt chuẩn xác, cơ quan nội tạng của con vật vẫn còn nguyên vẹn, chỉ riêng phần thịt được để riêng. Khi bê ra bàn ăn, đầu, mắt và đuôi cá vẫn phải chuyển động, nếu không món ăn bị coi là thất bại.
Danielle Demetriou, phóng viên của Telegraph mô tả, Ikizukuri được đặt trên một khay đá bào. Trước mặt anh là một con cá còn động đậy, với trái tim thoi thóp đập. Một phần thịt được cắt thành sashimi mỏng, đặt ngay bên cạnh cơ thể của nó. “Con cá dường như nhìn thẳng vào mắt bạn với cái miệng đóng mở, phần thân động đậy và cái đuôi khẽ co giật”, anh viết. Tuy nhiên sau khi thưởng thức, Danielle nhận định Ikizukuri là món sashimi tươi ngon, tinh tế.

Món hải sản còn động đậy khi lên đĩa ở Nhật Bản
Miệng cá vẫn cử động và mang còn phập phồng khi mang ra đĩa. Video: Amazing Japan.
Món ăn gây tranh cãi
Đối với nhiều đầu bếp Nhật Bản, Ikizukuri là một phần trong văn hóa ẩm thực của quốc gia này. Tuy nhiên, món ăn lại gặp phải sự chỉ trích của những người yêu động vật trên khắp thế giới, bao gồm cả PETA (Tổ chức bảo vệ quyền động vật của Mỹ). Ikizukuri bị cấm ở Australia và Đức.
Năm 2014, Cheryl Guerriero, cư dân ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ đã gửi một bức thư tới Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, để phản đối Ikizukuri ở nước này, thông qua một diễn đàn. Bài đăng nhận được hơn 61.000 chữ ký ủng hộ. Cheryl viết: “Cần phải chấm dứt cách chế biến món ăn này vì quá tàn nhẫn và không thực sự cần thiết”.
Lan Hương (Theo Telegraph, US Represented)
Nguồn: Vnexpress.net