Mới định cư Mỹ, có nhận con nuôi Việt Nam được không?

0
10

Nếu được, thủ tục các bước làm hồ sơ, giấy tờ như thế nào? Mong được Tuổi Trẻ Online tư vấn. Xin cảm ơn.

Ho Dang Khoa (hodangkhoa20…@… )

– Trả lời:

Chính phủ Việt Nam giải quyết cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi trên tinh thần nhân đạo, do vậy để hạn chế đến mức có thể hành vi lợi dụng chính sách nhân đạo nhằm xâm phạm quyền trẻ em, Nhà nước quy định về điều kiện, trình tự thủ tục rất chặt chẽ về giao nhận con nuôi nước ngoài.

Về nguyên tắc Nhà nước không cho phép nhận đích danh trẻ nào làm con nuôi, tuy nhiên nhằm phù hợp với đạo lý người Việt, tại Khoản 2 điều 28 Luật con nuôi cho phép nhận đích danh trẻ em làm con nuôi trong một vài trường hợp cụ thể.

Một trong số đó là nếu người nhận con nuôi là “cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi” thì được phép nhận đích danh trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

Điều kiện đối với người nhận con nuôi:

Theo Điều 29 Luật con nuôi, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của luật này”.

Điều 14 Luật con nuôi quy định về điều kiện nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam như sau:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên (không áp dụng cho trường hợp của ông)

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi (không áp dụng cho trường hợp của ông).

d) Có tư cách đạo đức tốt.

Cũng tại Điều 14 này đã quy định những người sau đây không được nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, cụ thể:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Thành phần hồ sơ (điều 31 Luật con nuôi):

Hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Đơn xin nhận con nuôi;

b) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;

e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

g) Phiếu lý lịch tư pháp;

h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

i) Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của luật này.

Các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm b, c, d, đ, e, g và h nêu trên do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận. 

Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 2 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú.

Ttrường hợp nhận con nuôi đích danh thì người nhận con nuôi có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp.

Hồ sơ đối với người được nhận nuôi:

– Giấy khai sinh

– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp

– Hai ảnh toàn thân nhìn thẳng, chụp không quá 6 tháng

– Bản tóm tắt đặc điểm, sở thích, thói quen của cháu, sở thích, thói quen hằng ngày đáng lưu ý của trẻ em.

– Văn bản thể hiện sự đồng ý cho con đi làm con nuôi của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi.

– Văn bản thể hiện sự đồng ý của trẻ em (cháu của vợ bạn đã 13 tuổi).

Chúc ông thành công.

Trân trọng.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn