[kdn-video]
VTV.vn – Việt Nam hiện có khoảng hơn 200 phi công dù lượn, chỉ 5% trong số đó đạt điều kiện tối thiểu bay đôi thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế…
Ngày 24/5 vừa qua, tại xã Quang Tiến, thành phố Hoà Bình, một khách du lịch đã thiệt mạng khi tham gia trải nghiệm bay dù lượn. Nạn nhân là bạn Xuân Hoàng, 28 tuổi tại Hà Nội.
Nhiều phi công tự do bay dù lượn không phép
Theo ông Nguyễn Văn Nam, chủ tịch UBND xã Quang Tiến, do xã mới được thành lập từ hai xã cũ Phúc Tiến và xã Yên Quang của huyện Kỳ Sơn cũ, nay là thành phố Hoà Bình, người tiền nhiệm cũng chưa bàn giao bằng văn bản về việc quản lý hoạt động dù lượn trên địa bàn. Sau sự cố xảy ra, ông mới được cầm trên tay một số quyết định cấp phép bay dù lượn trên địa bàn của Hội dù lượn thành phố Hà Nội, câu lạc bộ Dù lượn Vietwings Yên Bái và câu lạc bộ Hàng không phía Bắc. Không có giấy cấp phép bay của câu lạc bộ dù lượn liên quan đến sự cố tai nạn.
Các CLB được cấp phép bay tại xã Quang Tiến, thành phố Hoà Bình
Theo ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch Hội dù lượn Thành phố Hà Nội: “Ngoài những thành viên của các câu lạc bộ đấy thì vẫn có các phi công hoạt động tự do. Người ta không hoạt động trong bất cứ đoàn thể nào cả. Đó là một hạn chế, tiềm ẩn rất là nhiều rủi ro”.
Cũng theo ông Thắng, trên cả nước hiện chỉ có khoảng 7 đơn vị dù lượn được cấp phép hoạt động một cách chính thức. Nhưng thực tế, nhiều phi công vừa bay trái phép vừa kinh doanh bay đôi có thu phí với khách du lịch.
Pháp luật không cho phép phi công dù lượn bay đôi dịch vụ?
Trước khi tham gia, khách du lịch sẽ được mua bảo hiểm tai nạn có ghi rõ: Tự nguyện tham gia và miễn trừ mọi trách nhiệm cho đơn vị tổ chức. Đánh vào tâm lý muốn bay lượn tự do ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên của những người thích cảm giác mạo hiểm, nhiều du khách dễ dàng đăng ký tham gia trải nghiệm mà không để ý tới sự an toàn của bản thân.
“Hiện nay chưa có bất cứ một quy định nào về luật cho phép phi công dù lượn bay đôi dịch vụ” – Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch Hội dù lượn thành phố Hà Nội chia sẻ.
“Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội dù lượn trên thế giới, có hai hình thức phi công bay đôi: huấn luyện và thương mại. Phi công thương mại phải đạt tiêu chuẩn IPPI 5, ngoài ra thì phải có ít nhất 250 giờ bay, và ít nhất 100 giờ bay đôi huấn luyện thì mới được phép xin đăng ký bay đôi thương mại. Hiện nay số phi công đạt tiêu chuẩn P5 – tiêu chuẩn đầu tiên cho phi công bay đôi, thì trên toàn Việt Nam ước chừng chưa đến 10 người”.
Việt Nam hiện có khoảng hơn 200 phi công dù lượn, chỉ 5% trong số đó đạt điều kiện tối thiểu bay đôi thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng, hàng năm trên cả nước, các lễ hội dù lượn vẫn thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước tham gia trải nghiệm bay. Đã đến lúc, nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý để cụ thể hoá những quy định an toàn bay đôi dù lượn, đặc biệt là tiêu chuẩn cho phi công.
Chồng chéo nhiều bên quản lý hoạt động bay dù lượn
Theo luật sư Trương Anh Tú, việc tản mạn nhiều điều luật đang gây khó cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động bay dù lượn.
“Từ Bộ Quốc phòng quản lý các vật thể bay, ngành du lịch quản lý các sản phẩm du lịch rồi địa phương quản lý những địa điểm bay. Nhiều người quản lý như vậy nhưng thông thường lĩnh vực mà quá nhiều người quản lý lại bị sơ hở, đây là một nghịch lý”.
Nhiều địa điểm du lịch trên thế giới mỗi năm có chục ngàn người đến để bay trải nghiệm dù lượn. Không thể phủ nhận sức hút của môn thể thao mạo hiểm này nhưng trước khi phát triển dù lượn trở thành hình thức quảng bá du lịch quốc gia, chúng ta cần biết khai thác một cách đúng cách và an toàn.
Nguồn: Vtv.vn