Chợ nổi tại tỉnh Tiền Giang là nơi ghe tàu đến trao đổi hàng hóa. Nơi đây vẫn giữ được nét sinh hoạt đặc trưng văn hóa của chợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là nơi tiếp giáp của ba tỉnh là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, một trong ba chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ, cùng chợ nổi Cái Răng, Ngã Bảy.
Xuất phát từ TP HCM, chạy theo tuyến quốc lộ 1A khoảng 80 km, khi qua địa phận Cái Bè (cầu Cái Bè), bạn hỏi người dân đường vào chợ.
Nếu đi đông, bạn có thể đến bến tàu Cái Bè, thuê chiếc thuyền lớn, giá khoảng từ 500.000-800.000 đồng cả lượt đi và về. Thuyền có khoảng từ 10 đến 15 chỗ, hoặc 15-20 chỗ. Nếu bạn đi ít người mà muốn tiết kiệm chi phí, có thể xuất phát từ bến phà cồn Tân Phong, thuê chiếc xuồng ba lá đậm chất miền Tây, với giá khoảng 150.000-200.000 đồng từ 3-5 người.
Vào các ngày lễ, hay cận tết, khách du lịch đến đây khá đông, bạn nên điện thoại đặt vé trước và hỏi giá cả cụ thể để tránh các trường hợp không có thuyền, hay giá cả quá cao. Vé trọn gói cho chuyến đi du thuyền bao gồm tham quan chợ nổi, các làng nghề truyền thống, vườn trái cây, và đàn ca tài tử.
Thuyền đỗ bến. Ảnh: Yến Nhi. |
Chợ nổi Cái Bè có điểm đặc biệt là họp và buôn bán suốt ngày đêm, là trạm trung chuyển trái cây và sản vật đi mọi miền. Hàng hóa ở đây rẻ bất ngờ. Nét độc đáo chung của các chợ nổi là “sào nào, rau củ – trái ấy”, tức là trên ghe thuyền bán loại trái cây, nông phẩm nào thì treo lên sào cho người mua dễ nhận biết, và không phải rao mời.
Hàng hóa ở đây rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là trái cây, bởi Cái Bè là nơi có lượng trái cây nhiều nhất Tiền Giang, và những miệt vườn gần cù lao Tân Phong đều đem ra đây để buôn bán. Các ghe, thuyền từ TP HCM, Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ đều đến đây để mua hàng.
Những món quà lưu niệm làm từ dừa. Ảnh: Yến Nhi. |
Bình minh và hoàng hôn được xem là hai buổi đông đúc và đẹp nhất ở chợ nổi. Nếu là người thích các hoạt động đông đúc, tấp nập xuồng ghe và xem các hình thức buôn bán dưới nước, bạn nên đi từ vào lúc sáng sớm, bình mình vừa hé rạng. Buổi sáng là lúc chợ nhộn nhịp, buôn bán nhiều nhất và tập trung nhiều loại nông phẩm. Chợ tan lúc 8h. Hoạt động thưa thớt dần.
Người thích khoảng lặng và yên bình nên tham quan chợ nổi vào buổi chiều, xem nét sinh hoạt của những con người lam lũ trên ghe thuyền, một trong những đặc trưng của Tây Nam Bộ. Buổi chiều, bạn nên đi khoảng từ 16h, khi trời bớt nắng. Bạn sẽ có những phút giây ngắm hoàng hôn trên sông nước. Hoàng hôn cũng là lúc “phố nổi” lên đèn, mang chút thơ mộng và trầm buồn. Đây được xem là lúc đẹp nhất, lung linh nhất của vùng chợ nổi này.
Hoàng hôn ở cù lao Tân Long. Ảnh: Yến Nhi. |
Ngày nay, do nhu cầu của người dân, chợ nổi không chỉ buôn bán trái cây hay các loại nông phẩm, mà còn cả các món ăn. Các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng cho người đi chợ: bánh ướt, hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, bún giò, cà phê, trà đà… Du khách đến đi sẽ có dịp trải nghiệm những phút giây thư thái giữa bốn bề sông nước, nhâm nhi tách cà phê.
Vào dịp tết Đoan Ngọ, chợ nổi Cái Bè càng đông vui và tấp nập hơn. Lễ hội tắm cồn, hay còn gọi là lễ hội tắm bùn đã làm nên nét riêng ở chợ nổi. Khoảng từ 13-16h, khi nước ròng, những bãi cù lao nổi lên, những người ở nhiều cù lao lân cận, đặc biệt là những người trong vùng, kéo đi tắm bùn. Hàng trăm ghe thuyền chạy ngược xuôi náo nhiệt cả khúc sông. Du khách đến đây có thể thưởng thức ngay món óc gạo khi vừa bắt lên, và món này trở thành một trong những món ăn độc đáo ở vùng này.
Miền Tây có những chợ nổi nào đáng tới?
Chào các bạn. Mình sắp đi du lịch miền Tây khoảng 5-7 ngày và muốn trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây.
Nguồn: News.zing.vn