Lễ hội Ooc om boc

0
18

Lễ Oc om bóc: Còn gọi là Lễ Cúng Trăng hay lễ “Đút cốm dẹp” (Bon sâm peah preah khe) là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Theo truyền thuyết, từ xa xưa đồng bào Khmer Nam bộ có hai cái tết: Tết âm lịch và Tết dương lịch. Nếu theo Kinh Hôra, ngày 15 tháng 10 âm lịch là ngày kết thúc một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất. Đúng vào lúc 24 giờ của ngày này thì bóng trăng không xê dịch, cột trụ trồng trên sân đứng thẳng ngoài trời. Người xưa cho rằng đây là ngày bước sang năm mới âm lịch và mặt trăng bắt đầu chuyển sang một chu kỳ mới.

Người Khmer đồng bằng sông Cửu Long vốn sống bằng nghề trồng lúa nước theo hai mùa trong năm. Mùa mưa từ ngày 16/4 đến ngày 15/10, mùa khô từ 16/10 đến 15/4 năm sau, tính theo đường quay vòng trái đất của mặt trăng. Vì thế ngày 15/10 là ngày cuối mùa hạn và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu đủ loại, trong đó có lúa nếp là sớm nhất. Người Khmer xem Mặt Trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vì vậy họ lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cúng Mặt Trăng. Vào đêm 15/10 khi trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ. Trước tiên người ta cắm hai cây trúc và dùng lá dừa làm hình cái cổng vòm, trên cổng có giăng dây trầu gồm 12 lá tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng này đặt cái bàn bày các thức cúng như: dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, bánh in và cốm dẹp là thức cúng không thể thiếu.

Tối đến, mọi người ngồi chấp tay quay mặt về hướng Mặt Trăng để làm lễ. Khi Trăng lên cao tỏa sáng, mọi người bắt đầu đốt nhang, đèn rồi mời một người cao tuổi, có uy tín nhất trong phum, sóc (làng, xóm) hay trong nhà để làm lễ.

Hội đua ghe Ngo: Trong lễ hội Oc om bóc, một trong những họat động sôi nổi và náo nhiệt nhất, được mọi người mong đợi nhất là Hội đua ghe Ngo. Ghe Ngo có chiều dài khoảng 22 đến 24 mét, ngang 1,2 m có từ 50 – 60 tay bơi. Trước đây, ghe Ngo một loại thuyền độc mộc lớn, khoét từ thân gỗ tốt. Ngày nay, không còn thân gỗ lớn để làm nên ghe Ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Chiếc ghe Ngo có mũi và lái đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình. Dưới lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu (đonxanh tuôk) nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe vọt khi bơi.. Chiếc ghe Ngo được xem là tài sản quý giá và thiêng liêng của phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Ngày xưa, chiếc ghe ngo chỉ được hạ thủy một lần trong năm vào ngày lễ hội Oc om bóc, mỗi lần hạ thủy phải làm lễ long trọng.

Thả đèn nước: là một trong những hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Oc om bóc – Đua ghe Ngo. Chiếc đèn có cấu tạo như một ngôi đền, thường được làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa văn và gắn hệ thống đèn nhiều màu sặc sỡ . Đầu đèn có treo cờ phướn, chung quanh người ta cắm đèn cầy và nhang, bên trong có bày các thức cúng. Mở đầu buổi lễ thả đèn nước, sư sãi và đồng bào thắp nến và nhang xung quanh đèn rồi tụng kinh để tưởng nhớ đến Đức Phật và xin lỗi Đất và Nước vì đã làm dơ bẩn, ô uế nguồn nước và đào xới đất.

 

Theo truyền thuyết đèn nước tượng trưng cho dấu chân còn lưu lại của Đức Phật bên bờ hồ Namătea để độ chúng sinh hoặc còn để tưởng nhớ một cái răng của Phật được vua loài rắn Neaka Reach cất giữ,…

Theo dulichsoctrang

Nguồn: Dulich.vtv.vn