Lạng Sơn quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

0
13
Lạng Sơn quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với bề dày văn hóa, lịch sử, truyền thống, nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, Lạng Sơn đang tập trung mọi nguồn lực để kích cầu du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn nơi địa đầu Tổ quốc.

Mỏ vàng du lịch phía bắc

Là mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, Lạng Sơn có thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hoá đặc sắc, nguồn tài nguyên du lịch đồ sộ. Nơi đây có hơn 540 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh cùng với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình tâm linh nổi tiếng như Tam Thanh, Kỳ Lừa, ải Chi Lăng, Nàng Tô Thị, chùa Tiên, đền Mẫu Đồng Đăng, thung lũng Bắc Sơn, làng văn hóa Quỳnh Sơn, khu du lịch Mẫu Sơn…

Lạng Sơn cũng là nơi tụ hội của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Kinh… với các nét văn hóa đậm đà bản sắc, các lễ hội riêng có, tạo nên bức tranh văn hóa đa màu, cuốn hút.

Lạng Sơn quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Mẫu Sơn

Địa phương này còn được thiên nhiên ưu đãi khí hậu trong lành mát mẻ, sản vật phong phú và độc đáo như hoa Hồi, mác Mật, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn…, các món đặc sản địa phương nức tiếng gần xa, khiến du khách thử một lần là nhớ mãi như vịt quay, lợn quay, khau nhục, phở chua…

Các sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch biên giới, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được đông đảo du khách biết đến. Các sự kiện du lịch như Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, Lễ hội đền Bắc Nga, Đền Mẫu Đồng Đăng, chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc, Lễ hội hoa hồi Văn Quan, Lễ hội na Chi Lăng, Lễ hội Quýt quýt Bắc Sơn… đã trở thành điểm đến thường niên thu hút du khách gần xa.

Lạng Sơn quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đền Mẫu Đồng Đăng

Đây là lý do số lượng khách du lịch đến Lạng Sơn tăng hàng năm. Năm 2017 tỉnh đón 2,6 triệu lượt khách, năm 2018 đón 2,8 triệu lượt khách, đến năm 2019 ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn đã đón gần 3 triệu lượt khách.

Tăng trải nghiệm để níu chân du khách

Để phát huy tiềm năng, biến xứ Lạng thành điểm đến hấp dẫn, nhiều năm qua Lạng Sơn đã định hướng phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, bắt kịp với xu hướng phát triển du lịch của cả nước. Lạng Sơn đã có nhiều quyết sách về du lịch, tập trung nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, đặc biệt mời gọi doanh nghiệp lớn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cấp các khu, điểm du lịch.  

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Các cơ sở lưu trú chất lượng, đón du khách cao cấp ngày một nhiều như khách sạn Vinpearl, Mường Thanh… Tỉnh đã hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao như Khu tổ hợp thương mại và dịch vụ Mega Apec Center tại TP. Lạng Sơn; khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hồ Lẩu Xá thuộc xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc; dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí và trung tâm thể dục thể thao ở huyện Chi Lăng…

Đặc biệt, tại Khu du lịch Mẫu Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040, tỉnh đang tập trung phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Dự án nơi “Bồng Lai tiên cảnh” này được xem là đầu tàu kéo ngành du lịch của tỉnh phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngành du lịch xứ Lạng cũng đang từng bước đầu tư Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Bắc Sơn và các khu, điểm di tích lịch sử – văn hoá tại TP.Lạng Sơn, huyện Chi Lăng, huyện Bắc Sơn.

Là vùng đất của nhiều dân tộc vùng cao với các tập quán đặc sắc, phong tục chợ phiên, ẩm thực, trang phục độc đáo, Lạng Sơn còn có tiềm năng hình thành các chuỗi liên kết du lịch, kết hợp các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm để hình thành chuỗi giá trị, níu chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và sớm quay trở lại hơn.

Để khai thác các tiềm năng du lịch và phát triển các tuyến, điểm du lịch, Lạng Sơn đang đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa – danh lam thắng cảnh, nâng cấp một số lễ hội truyền thống, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Tỉnh tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh và con người Lạng Sơn, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển du lịch.

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó có lĩnh vực du lịch được triển khai tích cực. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách thu hút người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện; đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch.

Lạng Sơn cũng tăng cường hoạt động liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố phía Bắc cũng như trong cả nước thông qua các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ…để du khách biết nhiều hơn đến miền đất, con người, bản sắc văn hóa, sản phẩm du lịch nơi đây.

Với việc đưa vào vận hành hệ thống “Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động”, Lạng Sơn giúp việc tiếp cận các địa điểm du lịch, mua sắm, cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, các sự kiện của địa phương của du khách trở nên tiện ích, thông minh hơn. Tỉnh còn vận hành hiệu quả website du lịch Lạng Sơn với hơn 100.000 lượt truy cập/năm… mở ra những khám phá, trải nghiệm hấp dẫn, phù hợp với từng du khách.

Trong khi ngành du lịch cả nước đang phục hồi hậu Covid-19, Lạng Sơn tích cực hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, đẩy mạnh kích cầu, phát triển du lịch nội địa với việc tăng cường liên kết vùng, thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chất lượng, đảm bảo an toàn.

Với việc hình thành chuỗi liên kết du lịch, các sản phẩm du lịch khác biệt, cạnh tranh, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, du lịch xứ Lạng tin tưởng đón 2 triệu lượng khách trong những tháng cuối năm 2020, từng bước hiện thực hoá mục tiêu của năm 2030, toàn tỉnh thu hút được khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 381 triệu USD, đóng góp khoảng 10% GRDP của tỉnh.

Ngọc Minh

Nguồn: Vietnamnet.vn