Làm sao để du lịch Việt Nam đón thêm khách nhà giàu?

0
13
Du lịch Việt Nam cần tập trung vào những thị trường khách chi trả cao, lưu trú dài ngày. Ảnh: Khương Nha.

Miễn visa, nâng cao chất lượng dịch vụ là một số hiến kế được đưa ra để du lịch Việt Nam có thể thu hút khách nhà giàu.

Tại phiên hiến kế thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam ngày 2/5, ông Lê Quang Tùng – Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho rằng Việt Nam có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và di sản phong phú. Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn ít, mức chi tiêu thấp hơn các quốc gia trong khu vực.

Khách quốc tế ở lâu nhưng chi tiêu thấp

Ông Tùng chỉ ra những tồn tại trong cơ cấu khách quốc tế của du lịch Việt Nam. Tỷ trọng những thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày như Australia (1.700 USD/ngày), Bắc Mỹ (1.500 USD/ngày), Tây Âu (1.300 USD/ngày) còn khiêm tốn.

Đáng báo động là những thị trường chi tiêu cao lại có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây. Cụ thể khách từ Bắc Mỹ (mức tăng trưởng từ 7,6% giảm xuống còn 5,8%), Australia (từ 5,2% xuống còn 2,8%), châu Âu (từ 14,6% xuống còn 13,1%). Trong khi khách châu Á thì tăng mạnh.

Du lịch Việt Nam cần tập trung vào những thị trường khách chi trả cao, lưu trú dài ngày. Ảnh: Khương Nha.

Du lịch Việt Nam cần tập trung vào những thị trường khách chi trả cao, lưu trú dài ngày. Ảnh: Khương Nha.

So với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, khách quốc tế đến Việt Nam nghỉ dài ngày nhưng chi tiêu ít hơn. Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch dẫn chứng, khách đến Việt Nam lưu trú trung bình 9,5 ngày nhưng chỉ chi tiêu 96 USD mỗi ngày. Trong khi đến Singapore 3-4 ngày, họ chi tiêu 325 USD/ngày, Thái Lan là 9,6 ngày nhưng chi tiêu 132 USD/ngày…

Ông Lê Quang Tùng nhận định thị phần khách quốc tế đến Việt Nam chưa phù hợp, nếu không giải quyết sớm thì đây sẽ là trở ngại lớn của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Tập trung vào thị trường chi trả cao

Năm 2014, khách Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 thị phần khách đến Việt Nam, nhưng đến cuối 2018,  đã chiếm 1/3. Ông Trương Tấn Sơn, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng thị trường này có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng nguồn thu chưa cao.

“Chúng ta cần tập trung vào những thị trường có chi trả cao như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Âu, Nhật Bản, Ấn Độ…”, ông Sơn nhận định đây là những thị trường tiềm năng, có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây.

Lấy dẫn chứng về việc không cân bằng thị phần khách du lịch, ông Phạm Hà, đại diện công ty du lịch Sang Trọng cho rằng vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang bị quá tải vì không chọn lọc khách. “Phải hạn chế khách có mức chi trả thấp tại những khu du lịch cao cấp. Như vậy khách nhà giàu mới vào”, ông Hà nhấn mạnh.

Làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn ở Việt Nam?

Bên cạnh cân đối lại thị phần khách, những người làm du lịch lâu năm còn muốn tìm giải pháp để khách ở lại Việt Nam dài hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Ông Lê Thanh Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ ra vấn đề quan trọng cần quan tâm lúc này là đẩy mạnh những sản phẩm du lịch chuyên đề; tập trung vào trải nghiệm cá nhân.

Để làm được những điều này, ông Tùng cũng đưa ra 6 giải pháp cụ thể gồm: Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ; Tiếp thị mạnh hơn vào những thị trường có mức chi trả cao; Cải thiện chính sách visa theo hướng thuận lợi cho du khách; Tăng khả năng kết nối hàng không; Quản lý điểm đến hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách. Cuối cùng là yếu tố con người, từ du lịch giản đơn đến du lịch cao cấp đều phải được đào tạo bài bản, đặc biệt là vấn đề ngoại ngữ, giao tiếp.

Visa, thủ tục hải quan và hàng không Việt Nam thời gian qua có nhiều cải thiện tích cực. Ảnh: Khương Nha.

Visa, thủ tục hải quan và hàng không Việt Nam thời gian qua có nhiều cải thiện tích cực. Ảnh: Khương Nha.

Một trong những đề xuất được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia du lịch đưa ra là miễn visa cho càng nhiều nước càng tốt, đặc biệt là những thị trường chi trả cao. Ông Lương Hoài Nam – Phó TGĐ Công ty hàng không Ngôi Sao Việt, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) chia sẻ, khi ông tiếp xúc với những khách hàng giàu, họ luôn đặt câu hỏi: “Tại sao những nước xung quanh như Singapore, Thái Lan, Malaysia đều miễn visa cho họ, còn Việt Nam thì không?

Theo các chuyên gia du lịch, visa chính là nút thắt của du lịch Việt Nam, để thu hút thêm khách du lịch quốc tế, Việt Nam cần mở mở rộng danh sách miễn thị thực hoặc áp dụng chính sách visa linh hoạt cho những nhóm khách hàng tiềm năng hoặc thị trường có chi trả cao.

Ngoài ra, hạ tầng hàng không cũng được xem là mắt xích quan trọng để thu hút khách nhà giàu đến Việt Nam. Khách hiện phải di chuyển nhiều chặng khi không có đường bay thẳng đến nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Các nhà ga, sân bay luôn trong tình trạng quá tải. Thủ tục nhập cảnh cần cải thiện hơn. “Nhiều khi khách chỉ mất một phút để qua cổng hải quan, nhưng phải chờ cả tiếng để có thể lấy được hành lý rồi mới ra sân bay”, ông Đinh Việt Phương, đại diện hàng không Vietjet Air góp ý.

Việt Nam cần đạo đạo được nguồn nhân sự cấp cao nếu muốn đón du khách cao cấp. Ảnh: Khương Nha.

Việt Nam cần đạo tạo được nguồn nhân sự cấp cao nếu muốn đón du khách cao cấp. Ảnh: Khương Nha.

Tiếp đến là vấn đề nhân sự. “Chúng ta phải tập trung vào đào tạo nhân lực. Muốn đón khách hàng cao cấp, phải có nhân lực cao cấp”, ông Phạm Hà nói.

Bên cạnh việc quy hoạch lại các phân khúc, sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền, du lịch Việt cần xác định sản phẩm đặc trưng. “Đến Cuba, khách mua xì gà, đến Hàn Quốc thì mua nhân sâm. Còn đến Việt Nam khách mua gì?”, ông Trương Tấn Sơn đặt vấn đề.

Các chuyên gia cho rằng nếu chúng ta vẫn loay hoay định hướng Việt Nam là điểm đến khám phá, du khách chỉ đến một lần rồi thôi. Nhưng nếu các sản phẩm du lịch được làm mới, Việt Nam được định hướng là điểm đến nghỉ dưỡng, mua sắm… sẽ tạo luồng gió mới, thu hút thêm nhiều du khách quốc tế, đặc biệt là nhóm khách có khả năng chi trả cao.

Xem thêm: Tranh cãi về việc miễn visa để thu hút khách nhà giàu.

Nguồn: Vnexpress.net