Với hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh cùng những điểm đến hấp dẫn, nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long trở thành những địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước.
Thế nhưng, nhiều du khách đã thất vọng sau khi đặt chân đến do cách làm du lịch không giống ai.
Đi trên quốc lộ 63 nối liền hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, xe chúng tôi chạy liền tù tì mà không còn cảnh phải lụy phà Tắc Cậu như trước đây.
Rồi đường ra Năm Căn cũng được mở rộng, trải nhựa phẳng phiu. Từ Năm Căn ra Đất Mũi dù vẫn phải dùng vỏ lãi hoặc tàu cao tốc để đi lại, nhưng du khách dễ nhận thấy hàng loạt chiếc cầu đã được khánh thành không lâu.
Trong đó cầu Năm Căn còn mới tinh khôi vắt ngang sông Cửa Lớn nối đôi bờ hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển hứa hẹn cuối năm 2015 con đường huyết mạch thuộc đoạn cuối cùng của quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau sẽ thông suốt, chính thức xóa mọi cách trở vì sông sâu, sóng cả như bao lâu nay.
San hô bị khai thác tràn lan ở quần đảo Nam Du. Ảnh: Mẫn Huy. |
Công viên văn hóa biến thành nơi phơi đồ
Với sân bay và hệ thống giao thông đường bộ hoàn chỉnh, Cà Mau có nhiều cơ hội thu hút du khách trong và ngoài nước nếu các điểm du lịch tại Cà Mau được nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng cường những sản phẩm mới.
4 nỗi sợ về du lịch Việt trong mắt thầy giáo Tây
“Sau 5 năm sống ở Việt Nam, tôi hình thành lối suy nghĩ khá tiêu cực khi gặp người nào bán giá đúng cho người nước ngoài”, Jesse Peterson, giáo viên tiếng Anh người Canada chia sẻ.
Thế nhưng ngược lại, cảnh quan công viên Văn hóa du lịch mũi Cà Mau vẫn cũ kỹ, thậm chí trông nhếch nhác hơn so với cách đây hai năm khi chúng tôi đặt chân tới.
Vẫn là những dãy hàng bán hải sản choán cả lối đi của khách mỗi khi lên xuống bến thuyền, vẫn là hình ảnh rác rến vứt mọi nơi, cả những điểm được xem là điểm nhấn như công trình mốc tọa độ, biểu tượng con tàu xây bằng xi măng, đài quan sát.
Thậm chí ngay mặt tiền văn phòng công viên văn hóa người ta vô tư phơi phóng quần áo cùng xô chậu, thùng rác trông rất phản cảm.
Tương tự, khu du lịch rừng quốc gia U Minh Hạ nổi tiếng cũng chỉ đầu tư một đài quan sát để khách có chỗ ngắm rừng, một nhà hàng theo kiểu nhà sàn dưới tán cây ẩm thấp và cách đó không xa là nhà vệ sinh xập xệ nằm bên con rạch đầy rác rến nổi lềnh bềnh.
“Em thấy thật ngại. Đi ròng rã hơn 100 km vừa đường bộ vừa đường sông ra đây, khách chỉ được ngắm biểu tượng của Đất Mũi hoặc chụp vài kiểu ảnh, sau đó chẳng biết làm gì khác ngoài việc mau chóng lên canô trở về Cà Mau” – một hướng dẫn viên theo đoàn bộc bạch
Nhìn cách làm du lịch ở hai điểm đến kể trên, chúng tôi không thể không suy ngẫm: họ đi buôn mà chẳng lo phải bỏ vốn bởi sở hữu khai thác những tài nguyên du lịch độc đáo có một không hai, lại nắm bắt tâm lý “hầu hết dân Việt đều có tình cảm quê hương và ước ao được một lần đặt chân tới vùng đất tận cùng cực Nam nên sản phẩm dù có đơn điệu, nghèo nàn, khiếm khuyết vẫn buộc phải ghé thăm”.
Đặt lợi nhuận trên hết đúng là mục đích của kinh doanh nhưng trong trường hợp này quả thật không bền.
Dịch vụ trung chuyển khách lên hòn Mấu, quần đảo Nam Du. Ảnh: Mẫn Huy. |
Dịch vụ “cắt cổ”, san hô bị tàn phá
Trong những năm gần đây, quần đảo Nam Du với cảnh sắc biển xanh cát trắng, những làng chài nằm êm đềm dưới hàng dừa nghiêng nghiêng tỏa bóng mát đã tạo nên cơn sốt thu hút khách đến từ mọi miền đất nước.
Và không ở nơi đâu người dân lại tham gia làm dịch vụ đông đảo như Nam Du. Người có vốn thì xây nhà nghỉ, cửa hàng tạp hóa, kẻ ít tiền sắm xe môtô cho khách thuê hằng ngày dạo chơi hoặc mở hàng ăn, buôn bán, dân làm nghề biển cũng sắm tàu du lịch hoặc tận dụng thuyền chài cải tiến thành thuyền vận chuyển khách du ngoạn các đảo xung quanh…
Tuy nhiên, phía sau cách làm mang tính tự phát của dân đảo do ngành du lịch địa phương vẫn đang thả nổi, đã gây nhiều khó chịu cho du khách và chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ quả.
Đầu tiên phải nói đến là giá cả thuê thuyền và cung cách kinh doanh của giới chủ thuyền chuyên đưa khách đi các đảo. Một chuyến hải trình gói gọn trong 4 – 5 giờ nhưng chi phí thuê 3 triệu – 4 triệu đồng một thuyền tùy tải trọng, đắt gấp hai lần so với hợp đồng thuê tàu ở Phú Quốc và gấp ba lần tại Nha Trang hay vịnh Hạ Long tính cùng thời gian và cự ly.
Chưa kể lúc khách đông “cháy” thuyền, không ít tài công và chủ thuyền nhồi nhét thêm khách vãng lai giống xe “dù” để tận thu, bất kể tàu chở quá tải và phớt lờ khách hợp đồng hoang mang, lo sợ.
Ngoài mê biển, du khách còn có tấm lòng mới không ngại đường sá xa xôi cách trở lặn lội ra đây, nhưng gặp phải tình huống thuê thuyền với giá cắt cổ, lại chuốc thêm sự nguy hiểm thì phong cảnh có đẹp đến mấy cũng khó níu khách quay lại lần thứ hai.
Trong chuyến đi lặn biển đầu tiên ở đảo Bờ Đập, hòn Mấu, hòn Nồm Giữa vào năm ngoái, hình ảnh những chùm hoa đá (san hô) nằm rải rác, lấp lánh dưới làn nước trong xanh với đủ màu sắc trắng, vàng, đỏ tươi cùng các loại giun biển nhiều tơ đã khiến tôi như ngây ngất.
Đó cũng là thời kỳ hoa đá đang hồi sinh sau thời gian dài người dân nơi đây đục đẽo san hô bán cho thương lái vì mưu sinh. Thế nhưng trở lại lần này, chúng tôi phát hiện một số hoa đá đã biến mất, chỉ còn sót lại ít ỏi loại san hô nhỏ, có thể do hình thù chưa đẹp nên người ta không màng lấy đi.
Làm du lịch hoàn toàn không hề dễ, nhưng sẽ không quá khó nếu người ta bắt đầu bằng sự tận tâm, chịu thương chịu khó và đừng vì lợi ích trước mắt mà quên đi hậu quả lâu dài.
Nguồn: News.zing.vn