Khách quốc tế phải đóng một phần Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

0
12
khach-quoc-te-phai-dong-mot-phan-quy-ho-tro-phat-trien-du-lich

Một phần phí tham quan, phí cấp thị thực của khách quốc tế sẽ được trích vào Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ đầu năm 2018.

Chiều 19/6 với 438 đại biểu tán thành (tương đương 89,21%), Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng cho biết, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ về nguồn thu quỹ này để không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và khách du lịch.

Sau khi tham vấn ý kiến các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nguồn thu từ “trích một phần phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài” vào nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Thủ tục cấp bổ sung thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

Về nguồn thu từ doanh nghiệp và khách du lịch, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu quy định khoản đóng góp bắt buộc từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú hiện nay vào quỹ thì không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mặt khác, khi đi du lịch, khách đã phải trả các phí dịch vụ cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này và các lĩnh vực có liên quan. Sau đó, các doanh nghiệp lữ hành đã thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thông qua việc nộp thuế.

khach-quoc-te-phai-dong-mot-phan-quy-ho-tro-phat-trien-du-lich

Về kinh doanh lữ hành, có ý kiến đề nghị cần xem xét lại điều kiện người kinh doanh phải ký quỹ, bởi trên thực tế quy định này chưa phát huy hiệu quả, gây khó khăn về vốn, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội kinh doanh dịch vụ lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do loại hình này tiềm ẩn rủi ro về tính mạng, sức khỏe, tinh thần của khách.

Mặt khác, phần lớn các nước trên thế giới quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải ký quỹ để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho khách du lịch trong trường hợp bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tinh thần hoặc trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản. 

Ngoài ra, trước ý kiến cho rằng quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản là lạc hậu, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định hợp đồng lữ hành được giao kết bằng văn bản là hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Dân sự, pháp luật hiện hành và phù hợp thực tiễn. 

Xoay quanh tranh cãi nên hay không quy định hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải có thẻ đại học chuyên ngành du lịch, dự luật quy định hướng dẫn viên du lịch quốc tế chỉ cần thẻ cao đẳng chuyên ngành du lịch, theo ông Bình, hiện hệ thống các trường cao đẳng về du lịch có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

Hơn nữa, việc quy định điều kiện về trình độ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế như dự thảo luật phù hợp với chiến lược phân luồng đào tạo của nước ta hiện nay, đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng hướng dẫn viên trong thời gian tới.

Liên quan tới ý kiến đề nghị bỏ quy định ảnh chân dung màu 3cm x 4cm chụp trong thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ “vì quá chi tiết và không có căn cứ xác minh thời gian chụp ảnh”, sau khi nghiên cứu xem xét, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý, chỉ quy định về kích cỡ ảnh (3x4cm), mà không quy định thời hạn ảnh chụp vào dự thảo luật.

Nguồn: Vnexpress.net