Ở miền bắc, số tiền mừng tuổi rất lớn, có thể gấp 10 lần số tiền trong bao lì xì ở miền nam Trung Quốc.
Tết Nguyên đán là dịp ăn mừng tại Trung Quốc, nhưng người dân từng nơi có những phong tục riêng, trong đó khác biệt giữa miền bắc và miền nam là đáng kể nhất. Dưới đây là những ví dụ thú vị nhất.
Tiểu niên: Lễ cúng ông Táo
Ngày ông Công ông Táo còn được gọi là “tiểu niên”, tức tính đến ngày này coi như đã hết năm. Ở miền bắc Trung Quốc, các gia đình đốt vàng mã tiễn Táo quân về trời vào 23/12 Âm lịch còn người miền nam cúng muộn hơn một ngày.
Đêm Giao thừa
Trong đêm Giao thừa, các gia đình Trung Quốc tụ tập bên nhau. Ở miền nam, mọi người có một bữa tiệc, trò chuyện với nhau quanh bàn ăn tối. Trong khi các gia đình miền bắc có truyền thống dành cả ngày gói sủi cảo, và xem truyền hình trực tiếp Gala Năm mới của đài CCTV – chương trình thu hút 700 triệu khán giả hàng năm.
Mâm cơm tất niên
Cá hấp là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn đêm Giao thừa của các gia đình phía nam Trung Quốc. Trong tiếng Trung, cá đồng âm với “dư dả” – điều tốt lành cho năm mới. Ngược lại, người miền bắc thích các món ăn chế biến từ heo hơn hải sản.
Vùng duyên hải phía nam Trung Quốc là nơi có nguồn hải sản phong phú, do đó người dân có thể ăn tôm cua, ngao sò… ngày tất niên. Ảnh: Clarissa Wei/Laweekly. |
Mùng 1 Tết
Người miền bắc Trung Quốc thưởng thức sủi cảo gói thành hình thỏi vàng để cầu mong tiền tài. Vài gia đình truyền thống có thể đặt đồng xu vào sủi cảo, người nào ăn đúng chiếc bánh có tiền sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Trong khi người miền Nam thích ăn bánh tổ (niên cao) từ bột nếp hoặc sủi dìn – bánh trôi tàu nhân đậu xanh hay mè đen.
Mùng 2 Tết
Theo truyền thống, phụ nữ Trung Quốc đã có gia đình sẽ dành ngày đầu năm mới ở nhà chồng và trở về nhà ngoại vào ngày mùng 2 Tết để ăn trưa. Ở miền bắc, người ta sẽ ăn mì để cầu một năm hanh thông trong mọi việc. Trong khi người miền nam tổ chức tiệc tân niên ở nhà hoặc với bạn bè, đồng nghiệp…
Mùng 5 Tết
Vào ngày mùng 5, những cửa hàng tại Trung Quốc mở bán trở lại. Ở phía bắc, người ta đốt pháo nổ để xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo trong năm cũ. Ở miền nam, các ông chủ thường phát lì xì cho nhân viên vào ngày làm việc đầu tiên trong năm mới.
Lì xì
Lì xì hay hồng bao là quà người lớn tuổi tặng cho trẻ nhỏ hoặc người chưa lập gia đình. Ở miền bắc Trung Quốc, lì xì có giá trị tương đối lớn, tối thiểu là 100 tệ (khoảng hơn 330.000 đồng) và từ 1.000 tệ (khoảng 3,3 triệu đồng) trở lên với con cháu trong nhà hoặc người thân. Người dân chỉ mừng tuổi cho họ hàng gần.
Trong khi bao lì xì tại miền nam thường khoảng 10 tệ. Người dân có thể tặng lì xì cho bất kỳ ai từ nhân viên gác cửa khách sạn, nhân viên dọn vệ sinh, bảo vệ hay thợ cắt tóc… không nhất thiết phải là người trong nhà.
Phong tục thờ cúng
Các gia đình miền nam có truyền thống đi chùa đầu năm mới để tưởng nhớ tới tổ tiên. Ngoài thắp nhang và khấn nguyện, họ có thể dâng lên tổ tiên mâm cơm cúng và đốt pháo. Ở miền bắc, phong tục này đơn giản hơn. Người dân thắp nhang và đốt giấy vàng mã cho tổ tiên trong nhà, đi tảo mộ.
Người Trung Quốc đi chùa đầu năm. Ảnh: Nexter. |
Trang trí nhà cửa
Người miền bắc Trung Quốc thường trang trí bằng những tờ giấy đỏ, được cắt tỉa kỳ công. Người miền Nam thì thích chưng cây quất cảnh hay cây cam nhỏ, cùng nhiều loài hoa khác như lan hay mẫu đơn.
Múa truyền thống
Trong suốt Tết Nguyên đán, du khách sẽ thường xuyên bắt gặp các tiết mục biểu diễn dân gian trên đường phố. Múa sư tử khá phổ biến ở miền nam quốc gia này. Ở các tỉnh phía bắc, người dân lại ưa thích các tiết mục múa yangge. Các vũ công mặc những bộ đồ sáng nhảy theo nhịp trống và tiếng phèng la, một số người có thể đi cà kheo.
Vân Phạm (Theo Culture Trip)
Nguồn: Vnexpress.net