Theo ước tính, dự án phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu có thể tạo thêm 300.000 việc làm trong ngành du lịch vào năm 2025.
Ngày 27/3, UBND TP Cần Thơ cùng Tập đoàn Novaland, Tập đoàn tư vấn BCG (The Boston Consulting Group) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) ký kết hợp tác tư vấn chiến lược và triển khai dự án “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu” tại TP Cần Thơ. Tham dự lễ ký kết có Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và các Sở, ban, ngành thành phố tham dự. Dự án có mục tiêu hoạch định, triển khai chiến lược kết nối và phát triển du lịch cho 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó TP Cần Thơ đóng vai trò trung tâm.
Vùng ĐBSCL mang vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, trái cây, thủy hải sản hàng đầu của cả nước; góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước. Tuy nhiên, ĐBSCL hiện là một trong những khu vực đang chịu tác động lớn nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi khu vực phải có tầm nhìn mới, có các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để tạo sự khác biệt, phát triển bền vững.
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết này, là cơ sở để triển khai nhiều chương trình, hoạt động của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và các Sở, ban, ngành thành phố chứng kiến lễ ký kết. |
Với vai trò là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển của cả khu vực ĐBSCL, TP Cần Thơ đã sớm quy hoạch, phát triển theo quan điểm “đô thị thích ứng biến đổi khí hậu”. Trong quá trình hiện đại hóa đô thị, TP Cần Thơ kiên định với tầm nhìn phát triển là đô thị sông nước có chất lượng sống tốt, hài hòa giữa thành thị và nông thôn, vừa giữ bản sắc đồng bằng vừa thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Việc tham gia dự án phát triển ngành du lịch địa phương thích ứng biến đổi khí hậu lần này cũng nằm chung trong định hướng trên. TP Cần Thơ mong muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững, kết hợp được lợi thế của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, tận dụng hiệu quả đặc trưng cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái với vô số kênh rạch thủy lợi và các cù lao trên sông Hậu.
Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung là một thị trường du lịch tiềm năng do sở hữu nhiều cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên phong phú, hội tụ tinh hoa lịch sử và di sản văn hóa truyền thống đặc sắc, được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá…
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, chia sẻ: “Novaland vinh dự là một trong những đơn vị tiên phong góp phần phát triển bền vững du lịch ĐBSCL. Chúng tôi mong muốn các đối tác sẽ đưa ra nhiều mô hình thích hợp để khơi dậy tiềm năng du lịch sẵn có tại ĐBSCL theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa miền sông nước; giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và dịch vụ chuyên nghiệp; tư vấn chuyển đổi Bến phà Cần Thơ cũ thành Bến tàu du lịch trung tâm nối kết với các nước trong khu vực cũng như hỗ trợ việc khai thác Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ thật hiệu quả; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân miền Tây Nam Bộ”.
Ông Bùi Thành Nhơn phát biểu tại lễ ký kết. |
Ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc điều hành của Tập đoàn BCG tại Việt Nam nhận định: “Khi phát huy tốt nhất, ĐBSCL có thể là một viên đá quý của du lịch Việt Nam, sánh ngang với một số điểm du lịch đường sông tuyệt vời trên thế giới, như Đồng bằng sông Nile ở Ai Cập, nơi tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế và đem lại thu nhập để bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên cho nơi đây. Chúng tôi hy vọng khi dự án hoàn thành, ĐBSCL sẽ là điểm đến cho cả nước, khu vực và quốc tế; góp phần thay đổi cách nhìn về du lịch ĐBSCL”.
Theo ước tính ban đầu từ BCG, dự án có thể tạo thêm 300.000 việc làm trong ngành du lịch vào năm 2025, đem lại sự đa dạng hóa quan trọng cho nền kinh tế và sinh kế bền vững cho người dân ĐBSCL.
Việc ký kết hợp tác trên sẽ kết nối và quy tụ thêm các tổ chức quốc tế như World Bank, IFC, ADB, DEG… tài trợ cho việc thích ứng biến đổi khí hậu; kỳ vọng mang lại hàng tỷ USD đầu tư vào khu vực ĐBSCL.
Nguồn: Vnexpress.net