Du khách đến phố cổ sẽ hòa mình vào bầu không khí nhộn nhịp của 100 lễ hội tổ chức thường xuyên với quy mô lớn.
Nổi bật trong cung đường du lịch miền Trung, thành phố Hội An như một bức tranh mộc mạc, giản dị và nên thơ dù ngày hay đêm. Nếu có dịp đến đây vào ngày 14 Âm lịch hàng tháng, bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào bầu không khí nhộn nhịp đêm phố cổ.
Hội An khi đó được tắt đèn và ngập tràn những chiếc đèn lồng đỏ rực giăng khắp phố. Bạn không chỉ đi dạo dưới ánh đèn lồng, thưởng thức các món ăn độc đáo, chơi nhiều trò dân gian, mà còn có thể thắp và cầu nguyện cùng với những chiếc đèn giấy thả trôi trên sông…
Bình minh tại bãi biển An Bàng – điểm đến cho khách du lịch. |
Gần đây, lễ hội đèn lồng ở Hội An được Tạp chí du lịch nổi tiếng Wanderlust (Anh) bình chọn là lễ hội ấn tượng ở Việt Nam, kế đến là lễ hội Chử Đồng Tử (Hưng Yên), chùa Thầy (Hà Nội), Festival Huế, Vu lan, Tết Trung thu…
Wanderlust cũng xếp Hội An vào top 10 thành phố du lịch yêu thích nhất thế giới trong năm 2015. Năm ngoái, kết quả cuộc khảo sát thường niên của Conde Nast Traveler (tạp chí du lịch Mỹ) cho thấy, Hội An là thành phố hấp dẫn ở châu Á, chỉ sau Kyoto (Nhật Bản).
Thống kê trong Hội nghị tổng kết du lịch Hội An năm 2015, địa phương này ghi nhận đến 34 danh hiệu do khách du lịch bình chọn. Số liệu của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, lượng khách đến Hội An đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 22,43% so với cùng kỳ.
Phối cảnh giai đoạn một dự án New Hội An City. |
Ngoài những lợi thế về thiên nhiên, địa lý ưu đãi, địa phương này đã được công nhận “Vua lễ hội” không chỉ nhờ hiệu ứng ngày Rằm. Hiện nay, phổ biến nhất vẫn là ngày lễ trăng Rằm hàng tháng, ai đến Hội An vào dịp này cũng có thể chứng kiến một phố cổ đông đúc du khách. Tuy nhiên, nơi đây còn nhiều lễ hội thú vị khác diễn ra quanh năm, bắt đầu từ thời điểm Tết Nguyên đán, do đặc thù của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Hội An còn chủ trương tổ chức thêm các lễ hội mang sắc màu hiện đại hơn, như: Đón giao thừa thiên niên kỷ, Văn hóa – Thể thao miền biển, Giao lưu Văn hóa Việt Nam – Nhật Bản, Hành trình di sản Quảng Nam, Đêm phố cổ… Gần đây nhất là sự kiện Festival ẩm thực quốc tế tổ chức lần thứ nhất hồi tháng 1 và Văn hóa tơ lụa Việt Nam – châu Á vào tháng 3.
Hàng năm, trên địa bàn Hội An có hơn 100 lễ hội gồm 80 lễ hội cổ truyền và 20 lễ hội đương đại. Các lễ hội ngày này tổ chức thường xuyên với quy mô lớn, trải đều và thời gian kéo dài cả tuần, có khi cả tháng. Năm nay, Hội An dự kiến có đến 32 sự kiện được triển khai nhằm kích cầu du lịch. Cụ thể, từ nay đến hết tháng 7, nơi đây tổ chức chương trình “Biển xanh quyến rũ – Hội An 2016” nằm trong chuỗi “Ấn tượng Hội An 2016”, với các hoạt động thể dục – thể thao trên biển sôi động ở bãi biển An Bàng và đảo Cù Lao Chàm.
Với những hoạt động này, Hội An đang tái định vị thương hiệu du lịch, không chỉ có phố cổ mà còn có biển xanh. Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng mới được triển khai gần đây đều gần nằm ở ven biển, chẳng hạn như dự án tỷ USD New Hội An City ở bãi biển An Bàng, nơi mệnh danh là viên ngọc thô thuần khiết mới khám phá trong vài năm trở lại đây.
Một góc khu trung tâm thương mại dự án New Hội An City. |
Ngoài ra, việc phát triển hệ thống lưu trú cũng là điểm nhấn mới ở Hội An với tỷ lệ 41% du khách chọn nghỉ đêm tại đây. Tuy nhiên, ước tính địa phương này vẫn còn đang thiếu 4.000 phòng mỗi năm.
Để đáp ứng nhu cầu du khách, Hội An có nhiều dịch vụ homestay (mô hình ở cùng nhà người bản địa), cung cấp nhiều chỗ ở với giá rẻ và gần gũi. Song, thời gian tới, nơi đây sẽ phát triển các khu khách sạn, resort cao cấp với những dịch vụ hiện đại và đa tiện ích khi nhu cầu du lịch và thu nhập của người dân tăng lên.
Mai Thương
Nguồn: Vnexpress.net