Học viện Múa Việt Nam thừa nhận quên đăng ký hệ trung cấp cho học sinh

0
7

Chiều 1/4, TS Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về việc cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh.

Liên quan vụ việc hơn 300 học viên Học viện Múa Việt Nam kêu cứu vì không được cấp bằng, chiều 1/4, lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam đã gặp mặt phụ huynh và báo chí, trả lời một số vấn đề.

Lỗ hổng trong triển khai đào tạo

Tại cuộc họp, TS Trần Văn Hải khẳng định trong hơn 60 năm hình thành và phát triển, trường là cơ sở trọng điểm về đào tạo diễn viên múa, được Nhà nước (trong đó có Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ GD&ĐT) ban hành thỏa thuận về xây dựng khung chương trình chung về việc đào tạo cho học sinh múa cấp THCS và THPT. Trường đào tạo nghề múa song song việc học văn hóa.

Chương trình đào tạo của trường gồm đào tạo diễn viên múa dài hạn và ngắn hạn (diễn viên múa dân gian truyền thống). Hai loại hình có yêu cầu về độ tuổi, kỹ năng và trình độ khác nhau.

lo hong trong dao tao tai truong mua anh 1

TS Trần Văn Hải thừa nhận đã quên đăng ký hệ trung cấp cho học sinh. Ảnh: VTC News.

Thông thường, chương trình đào tạo ngắn hạn dành cho học sinh 15-16 tuổi, kéo dài khoảng 4,5 năm. Trong khi đó, chương trình đào tạo dài hạn tuyển sinh các đối tượng từ 12 tuổi, kéo dài khoảng 6,5 năm.

Do đặc thù ngành học, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1/10/2004 về Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thuộc nhóm ngành múa.

Cụ thể, bộ này quy định nhà trường không cấp bằng THCS đối với học sinh hệ đào tạo dài hạn. Một số học sinh trường nghệ thuật khác có nhu cầu chuyển đổi ngành học nên các trường đã xây dựng hệ thống đào tạo song song, hoặc liên kết các trung tâm giáo dục thường xuyên để học sinh được quyền học và thi lấy bằng.

Riêng tại Học viện Múa Việt Nam, từ trước tới nay, học sinh chưa có nhu cầu chuyển đổi ngành nên trường không áp dụng hệ thống đào tạo song song này.

Do những lỗ hổng trong xây dựng hệ thống đào tạo, nhà trường cam kết từ năm 2021 sẽ triển khai hệ thống đào tạo kết hợp trung tâm giáo dục thương xuyên để đảm bảo học sinh có đủ bằng văn hóa và năng khiếu.

Từ năm 2013 đến nay, Học viện Múa Việt Nam được phép mở hệ đào tạo cao đẳng diễn viên (liên thông từ trung cấp lên cao đẳng). Cụ thể, sau khi hoàn thành giai đoạn một (trung cấp), các em sẽ thi lên giai đoạn hai (cao đẳng).

Theo quy định, khi tổ chức đào tạo liên thông cho học sinh, trường phải đăng ký đầu vào trung cấp cho học sinh trúng tuyển, các em sẽ có bằng trung cấp thuộc giai đoạn một.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Hải thừa nhận đã quên đăng ký cho học sinh. Do lỗi của nhà trường, học sinh từ giai đoạn trung cấp đã “nhảy” thẳng lên cao đẳng mà không cần bằng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều học sinh hoàn thành chương trình liên thông chỉ có bằng cao đẳng, không có bằng trung cấp.

Theo thông tin nhà trường cung cấp, đến nay, 273 học sinh hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp tại trường nhưng chưa được cấp bằng.

Nếu có bằng trung cấp chuyên nghiệp, học sinh có quyền thi vào các trường khác thuộc quyền quản lý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nhưng do thiếu bằng, nhiều em không thể theo học tại các trường khác, dẫn đến tình trạng “kêu cứu” như hiện nay.

Ông Hải thông tin nhà trường đã có nhiều buổi làm việc với tập thể lãnh đạo để giải quyết tồn đọng và tìm quyền lợi cho học sinh. Từ tháng 6/2020, trường đã trình Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch những vấn đề trên.

Đến tháng 2/2021, Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã họp. Bộ và trường đang để tìm hướng giải quyết cho việc công nhận kết quả học tập THCS, cho phép trường cấp giấy chứng nhận học sinh đã hoàn thành chương trình THCS và THPT. Trên cở sở đó, các em sẽ sử dụng giấy chứng nhận này để học bổ sung và thi lấy bằng.

“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy tiến trình, sớm có tin vui báo với phụ huynh, học sinh để các em yên tâm tiếp tục học tại trường”, ông Hải nói.

lo hong trong dao tao tai truong mua anh 2

Nhiều lỗ hổng trong việc triển khai đào tạo tại Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: T.T.

Phụ huynh yêu cầu trường đưa ra câu trả lời rõ ràng

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, phụ huynh học sinh K4 hệ cao đẳng, Học viện Múa Việt Nam, cho rằng câu trả lời của nhà trường không thỏa đáng.

Bà Thủy cho biết khi tuyển sinh, trường yêu cầu học sinh chuyển toàn bộ học bạ gốc. Học sinh, phụ huynh cũng không được cung cấp thông tin về việc trường chỉ cấp bằng năng khiếu, không cấp bằng văn hóa. Điều này khiến phụ huynh, học sinh hiểu nhầm, đinh ninh nhà trường sẽ cấp đủ bằng về văn hóa lẫn năng khiếu.

Nữ phụ huynh này khẳng định giấy báo của con bà đề rõ là tuyển hệ cao đẳng chính quy ngành Diễn viên Kịch múa. Nhưng trong các cuộc họp trước với phụ huynh, trường lại nói các em được đào tạo cao đẳng liên thông. Điều này đồng nghĩa việc học sinh phải hoàn thành chương trình trung cấp mới được lên cao đẳng.

Cánh cửa cho các con đóng rồi vì không biết đến bao giờ trường mới có thể trả lời chính xác về vấn đề này.

Phụ huynh Phạm Thị Thanh Thủy

Riêng khóa K4 mà con bà Thủy theo học, nhà trường đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung cấp cho diễn viên múa. Trường hứa sẽ cung cấp bằng trung cấp cho học sinh và liên kết với trường đào tạo múa bên ngoài để các em được học tiếp cao đẳng và có bằng đầy đủ. Nhưng đến nay, khi học sinh trở lại học cao đẳng, trường lại khẳng định không được cấp bằng trung cấp nữa.

“Chúng tôi không tham vọng con mình sẽ học Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ mong con được thi vào các trường thuộc hệ thống của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nhưng cánh cửa cho các con đóng rồi vì không biết đến bao giờ trường mới có thể trả lời chính xác về vấn đề này”, bà Thủy bức xúc, nói.

Một phụ huynh khác có con học khóa K3 tại trường cho biết con của bà có đủ bảng điểm văn hóa, xếp loại và được tổ chức thi tốt nghiệp nhưng không được cấp bằng. Bà thắc mắc đến bao giờ học sinh K3 mới được cấp bằng, các em sẽ có những bằng gì, và liệu bằng do nhà trường cấp có đủ hiệu lực để các em ghi danh vào những trường năng khiếu khác hay không.

Ông Hoàng Mạnh Cường, phụ huynh có con học khóa K2, đã tốt nghiệp từ tháng 1/2020, bày tỏ nếu nhà trường tổ chức buổi gặp mặt sớm hơn, nhưng khúc mắc có thể sẽ được giải quyết triệt để.

Phụ huynh, học sinh chưa từng nghi ngờ về giáo trình dạy học của nhà trường, kể cả về văn hóa và chuyên môn. Ông Cường cũng khẳng định vì tin tưởng nhà trường nên mới cho con theo học. Nhưng đến khi phát hiện con tốt nghiệp với tấm bằng không có giá trị, ông rất bất ngờ, bối rối.

Thầy cô, nhà trường rất quan tâm, chăm sóc học sinh. Các em được tổ chức học quy củ, được thi cử đều đặn. Với học sinh học hệ dài hạn, các em sẽ phải học văn hóa song song năng khiếu. Học sinh bậc THCS sẽ thi chuyển cấp với 2 môn là Văn và Toán. Học sinh THPT được trường tổ chức thi tốt nghiệp riêng với 3 môn là Văn, Sử, Địa.

Tuy nhiên, vẫn theo nam phụ huynh, các em thiệt thòi vì những thiếu sót của nhà trường. Nếu Học viện Múa Việt Nam phối hợp chặt chẽ với bộ trong quá trình xây dựng hệ thống đào tạo, học sinh sẽ có mã định danh và có quyền thi tuyển vào các trường năng khiếu khác.

Nguồn: News.zing.vn