Hành trình khám phá ‘đất nước triệu voi’ trong 7 ngày

0
8
#Mytour: Hanh trinh kham pha 'dat nuoc trieu voi' trong 7 ngay hinh anh 1

Những ngày rong ruổi trên đất Lào, khám phá cảnh sắc, văn hóa, con người nơi đây với chi phí khoảng 3 triệu đồng chắc chắn là trải nghiệm đáng nhớ.

#Mytour: Hanh trinh kham pha 'dat nuoc trieu voi' trong 7 ngay hinh anh 1

Những ngày đầu trên đất Lào

Tháng 10, bầu trời cao hơn, nắng không còn gay gắt, làn gió dìu dịu thổi qua mang theo mùi thơm cây cỏ. Chúng tôi xách ba lô lên đường, hướng đến nước Lào hiền hòa và bình dị.

Trong chuyến đi này, nhóm tôi chọn cung đường Phongsaly – Luang Prabang – XiengKhuang – Phonsavon để có thể khám phá vùng núi và có dịp tìm hiểu các dân tộc phía Bắc Lào.

Trước khi đi, nhóm chuẩn bị kỹ càng về giấy tờ (hộ chiếu còn hạn, giấy tờ xe, bằng lái xe, giấy liên vận), lương thực khô năng lượng cao phòng khi không tìm được quán ăn và đổi sẵn tiền.

Ngày 17/10, 4 người chúng tôi bắt xe khách từ Hà Nội đến Mộc Châu rồi ngủ lại đây một đêm để sáng sớm lên cửa khẩu. Nhóm mang theo hai chiếc xe máy.

Ngày hôm sau, chúng tôi sang Lào qua cửa khẩu Lóng Sập. Thủ tục mang xe qua nước bạn rất đơn giản, chỉ cần giấy tờ xe và hộ chiếu.

Sau khi hoàn thành thủ tục xong cũng gần trưa, nhóm dừng lại ở một góc đường, trải khăn bày đồ ăn rồi cùng uống bia Lào, bắt đầu hưởng thụ chuyến đi.

Địa hình Bắc Lào đa phần là núi đồi với những bản làng hao hao Việt Nam nhưng thưa thớt và ít người đi lại hơn.

Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp trẻ con đứng chơi bên vệ đường, đôi mắt trong trẻo thấy thương thương.

Gặp người lạ, bà con ở đây cũng đôi chút ngại ngần và dò xét. Nhưng sau vài câu bắt chuyện vẩn vơ, dù chẳng hiểu tiếng, những con người xa lạ trở nên dễ cười và bớt đi sự rụt rè ban đầu.

Thậm chí, khi đi đường bắt gặp mọi người đang gặt vụ mùa, cả nhóm vừa chạy xe vừa “Sa bai dee” (xin chào) loạn xị, chắc họ thấy buồn cười lắm.

Do không xin được giấy phép từ cửa khẩu Tây Trang – Điện Biên để sang thẳng Phongsaly, kế hoạch có đôi chút thay đổi. Cung đường sẽ là đi từ Lóng Sập (Sơn La) tới thị trấn Xam Neua (một thị trấn của Lào), ngủ nghỉ 1 đêm rồi sau đó mới lên đường đi tới Luang Prabang.

Hành trình hướng tới cố đô

T

hị trấn Xam Neua thuộc tỉnh Huaphanh có khá nhiều người Việt làm ăn, sinh sống.

Chúng tôi đến đây khi trời đã tối nên không kịp khám phá gì. Không những thế, nhóm còn một phen hú vía khi cảnh sát giao thông gọi lại hỏi giấy tờ (do nạn buôn lậu xe cộ sang bên Lào khá phổ biến).

May sao, chủ khách sạn là người Việt giải thích, nói giúp nên mọi việc ổn thoả.

Đường từ Xam Neua sang Luang Prabang khá xa xôi và không nhiều hàng quán. Chúng tôi mải miết chạy xe cả ngày, đi qua bao nhiêu bản mà không tìm nổi chỗ ăn nghỉ.

Trời tối, nhóm đành quyết định dừng lại, xin ngủ nhờ nhà người dân song linh cảm không tốt nên lại quay ra đường đi tiếp.

Được một đoạn, chúng tôi gặp một dãy nhà kiểu tập thể, đánh liều vào xin ngủ nhờ. Hóa ra, đây là chỗ ở của các bạn trẻ công nhân.

Đêm đó, bầu trời nhiều sao, tôi lang thang một chút rồi mới vào ngủ. Sương rơi cũng khá lạnh, suy nghĩ vẩn vơ đôi chút, tôi chìm vào giấc ngủ không mộng mị.

Chúng tôi đón chào ngày thứ 4 của hành trình trong căn bếp với những chõ hấp xôi truyền thống của người Lao bốc hơi nghi ngút cùng mùi nếp thơm ấm cả góc bếp.

Các món ăn của Lào đa số là vị chua ngọt và cay, khá giống với gia vị kiểu Thái Lan. Bản thân tôi ấn tượng với món xôi ăn kèm cá nướng.

Sau khi thưởng thức bữa sáng, chúng tôi cảm ơn nhóm bạn trẻ rồi tiếp tục lên đường.

Chặng đường kế tiếp gập ghềnh, nhấp nhô. Nhiều đoạn, người thậm chí nảy lên. Nhưng mọi khó khăn đều đáng giá trước cung đường tuyệt đẹp này. Mùa dã quỳ, cảnh sắc hai bên phủ đầy những khóm dã quỳ nở rộ. Chỉ tiếc, lúc chúng tôi xuất phát, trời còn quá sớm, những bông hoa còn e ấp, chưa chịu khoe hết tươi sắc.

Tới gần Luang Prabang, đường sá đẹp hơn, uốn lượn quanh dòng sông. Tháng 10, thời tiết ở đây khá nắng và nóng. Ngoài ra, nhóm còn từ trên núi xuống nên cảm thấy nhiệt độ chênh lệch lớn.

Những ngày ở Luang Prabang

L

uang Prabang rất bình yên và chậm rãi, dường như không dành cho người ồn ào, náo nhiệt. 23h, những hàng quán mở cửa muộn nhất cũng kết thúc ngày làm việc.

Chúng tôi khó khăn lắm mới tìm được một quán bar để nhâm nhi chút tequila. Nhóm vướng vào vài rắc rối vì tiếng Lào bập bẹ, điện thoại hết pin và lòng vòng hơn một tiếng đồng hồ mới tìm ra chỗ nghỉ dù nó cách điểm dừng chân ban đầu chỉ khoảng 1 km.

Đến Luang Prabang, chúng tôi đương nhiên không thể bỏ lỡ cơ hội tham quan thác Kuang Si nổi tiếng. Thác còn có khu bảo tồn gấu.

Vì hoàn toàn vào hẳn mùa khô, nước thác không trong xanh lắm. Bù lại, du khách chắc chắn sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác, tầng tầng lớp lớp như những chiếc bồn tắm riêng biệt do thiên nhiên ưu ái nơi đây.

Chỉ cần ngâm mình một lúc, cơ thể sảng khoái hẳn. Giá vé vào cửa khá “bình dân” – 20.000 LAK (khoảng 55.000 đồng). Bạn nên đến thác trước 15h vì sau giờ này, nước rất lạnh.

Lang thang chợ đêm Luang Prabang cũng là trải nghiệm thú vị. Ở đây, người ta chủ yếu bày bán đồ thổ cẩm và mở dãy hàng ăn.

Lào có nền ẩm thực đặc trưng vị chua ngọt và cay. Các món đặc biệt là cá sông nướng được tẩm các loại gia vị thảo mộc là món khiến tôi ấn tượng nhất. Các món Tam Maak Hung, Lạp, Phở Lào cũng rất ngon.

#Mytour: Hanh trinh kham pha 'dat nuoc trieu voi' trong 7 ngay hinh anh 13
Đến Bảo tàng Quốc gia Lào tại Luang Prabang, du khách phải gửi đồ đạc ở ngoài và đi chân trần vào trong.

Khách du lịch cần lưu ý không để đồ ăn thừa khi ăn tại nhà hàng. Các đĩa đồ xào tương đối nhiều. Nếu ăn ít, bạn nên gọi một đĩa, cả nhóm ăn chung.

Ngoài ra, khách không được nói to nơi công cộng, không thúc giục người phục vụ hay xoa đầu trẻ em. Bạn nên thể thiện sự thân thiện bằng cách mỉm cười và nói “Sa pai di” hoặc “Khop chai” để cảm ơn.

Đất nước Phật giáo như Lào không thể thiếu những ngôi chùa ấn tượng và linh thiêng. Ngôi chùa lớn nhất ở Luang Prabang là Vat Xieng Thong với những hoạ tiết trang trí sắc sảo và nhiều tượng Phật.

Sáng sớm, cảnh các nhà sư đi khất thực dọc con phố Sisavangvong trở thành nét đẹp của cố đô. Đáng tiếc, tôi bỏ lỡ và tự hứa sẽ trở lại đây để có chuyến đi thực sự trọn vẹn.

Cánh đồng Chum và đường trở về

R

ời Luang Prabang trong tiếc nuối, chúng tôi lên đường đi tiếp về Phonsavon đến Xiengkhuang để trở về cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) vì gia đình có việc gấp.

Hành trình trở về trên đất nước triệu voi xinh đẹp vô cùng với biển mây trải dài tận cuối đường chân trời. Khoảng bồng bềnh trắng muốt được mặt trời chiếu rọi tạo thành cảnh tượng huyền ảo.

Ai đó đặt bộ bàn ghế gỗ bên đường. Chúng tôi không thể ngăn mình dừng lại, nhâm nhi ly cà phê, ăn sáng, nghe nhạc và ngắm biển mây trong khoảng hai tiếng rồi mới tiếp tục lên đường.

Chặng đường tiếp theo chủ yếu là cao nguyên, đồng bằng với rặng cây xanh mướt hai bên.

Nhóm đi qua cánh đồng Chum, nơi hàng nghìn chum đá nằm rải rác dọc theo cánh đồng thuộc Cao nguyên Xiengkhuang tại cuối phía bắc của dãy núi Trường Sơn.

Đây còn là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới. Những quả bom chưa nổ sót lại từ chiến tranh vẫn gây thương thích mỗi tuần.

Du khách chỉ được tham quan 3 vị trí và phải theo chỉ dẫn của các biển báo để đảm bảo an toàn.

Càng gần biên giới Việt Nam, lòng tôi càng nặng trĩu vì một tuần vẫn quá ngắn để khám phá mảnh đất bình yên này. Thêm vào đó, sương rơi dày đặc, lạnh buốt, vùng trời ngập nắng dần xa khỏi tầm mắt chúng tôi.

Tạm biệt nước Lào bình dị, xin phép giữ lại những nhung nhớ tươi đẹp về cảnh vật, con người nơi đây cùng lời hứa trở lại vào ngày không xa để tuổi trẻ của mình nhiều hoài niệm hơn.

#Mytour: Hanh trinh kham pha 'dat nuoc trieu voi' trong 7 ngay hinh anh 25

Nguồn: News.zing.vn