Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó

0
14
Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó

Tôi bắt đầu chuyến trekking đầu tiên trong đời với niềm tin “người ta làm được mình cũng sẽ làm được”. Nhờ đó, tôi vững tâm trở lại.

 

Thầy giáo Lê Văn Hiến (35 tuổi), Thạc sĩ chuyên ngành Hóa học, đang giảng dạy tại Trường THPT Trần Văn Giàu, Q Bình Thạnh, TP.HCM. Gần đây, anh hoàn thành xong chuyến trekking cung đường đẹp nhất Việt Nam, Tà Năng (Lâm Đồng) – Phan Dũng (Bình Thuận). Anh gửi tới VietNamNet bài viết về trải nghiệm đáng nhớ này của mình.

“Tôi biết về cô gái trẻ Lê Ngọc Hân (23 tuổi, quê ở Trà Vinh) vì cô đã thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt từ Lũng Cú (Hà Giang) đến mũi Cà Mau trong 51 ngày.

Tôi ngưỡng mộ và thán phục Hân vì một cô gái trẻ có công việc ổn định nhưng dám bỏ tất cả để thực hiện ước mơ đời mình. Nhưng điều tôi trân quý hơn cả là thông điệp mà cô gái ấy đã truyền đến mọi người: “Có hay không giới hạn của con người”.

Tháng 7 năm ngoái, tôi nhận được lời mời của một cựu học sinh trường mình nhiều năm trước: “Thầy ơi, thầy có thể tham gia vào chuyến đi trekking Tà Năng – Phan Dũng với tụi em không?”. Tôi đã đồng ý ngay lập tức vì bản thân rất thích những tấm hình mà cậu ấy chụp trong các chuyến trekking của mình. Tuy nhiên, đây là loại hình du lịch mà tôi chưa bao giờ thực hiện.

Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó
Thầy giáo Lê Văn Hiến vừa hoàn thành chuyến trekking Tà Năng – Phan Dũng  

Chuyến đi được dự tính sẽ diễn ra hai tuần sau đó. Trong thời gian chuẩn bị cho chuyến đi, tôi đã lên mạng nghiên cứu về hành trình sắp tới của mình. Càng nghiên cứu về hành trình trekking cũng như nghe những chia sẻ của mọi người trong hội trekking, tôi càng lo sợ.

Tôi sợ mình không thể hoàn thành việc phải đi bộ gần 40km trong rừng, sợ mình không thể ngủ trong lều giữa núi, rồi sợ những tiện nghi mà chuyến du lịch trekking không có so với đi tour khác. Và tôi còn sợ hơn nữa, chính là những con vật hung tợn trong rừng có thể vồ lấy mình bất cứ lúc nào có thể…

Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó

Cứ thế, nỗi sợ của tôi mỗi lúc mỗi lớn dần lên. Tôi bắt đầu suy nghĩ, hay là mình báo với học trò – sẽ không tham gia chuyến đi nữa với một vài lý do hợp lý nào đó. Nhưng tôi lại sợ… cậu ấy cười vào mặt mình, vì tôi là một giáo viên, là thầy của các bạn nhưng lại có quá nhiều rào cản. “Vậy những triết lý sống vượt khó, dũng cảm, mạnh mẽ trên con đường mình đi, vững chãi lựa chọn điều mình yêu thích… mà tôi nói với các em chỉ là những lời nói suông, không thực tế”, tôi nghĩ.

Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó

Sau vài hôm lo lắng thì trời có giông bão – tôi mừng thầm trong bụng là chuyến đi sẽ được hủy mà không cần mình lên tiếng. Cơn bão kéo dài hai ngày, một số thành viên trong nhóm bắt đầu lên tiếng về việc hủy bỏ chuyến đi vì sự nguy hiểm. Các cuộc tranh luận nhiều hơn về phương án thay thế cho chuyến trekking rừng Tà Năng – Phan Dũng bằng việc nghỉ dưỡng ở Đà Lạt.

Tuy nhiên, trước khởi hành hai ngày thì bão cũng đã tan và cậu học trò tôi (người hướng dẫn cho chuyến đi) quyết định vẫn thực hiện hành trình như kế hoạch đã định sẵn.

Tôi lại một lần nữa phải cân nhắc là đi hay không đi. Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định đi. Tôi nghĩ mình phải thử một lần trong đời xem nó như thế nào. Tôi không thể cứ mãi nhìn trên Facebook, YouTube những cảnh đẹp, thiên nhiên hùng vĩ với sự thèm khát mà chưa bao giờ được đắm chìm trong đó.

Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó

Tôi bắt đầu chuyến trekking đầu tiên trong đời với niềm tin “người ta làm được mình cũng sẽ làm được”. Nhờ đó, tôi vững tâm trở lại. Tôi và mọi người trong nhóm đã trải qua 6 tiếng đi bộ từ sáng sớm để đến đồi số 8 – nơi chúng tôi cắm trại.

Chúng tôi đã băng qua những đoạn đường sình lầy do những trận mưa hôm trước gây ra, những ngọn đồi cao và những con dốc dường như thẳng đứng.

Khá cực nhọc, nhưng cái mà chúng tôi nhận được là sự thân thiện, hòa đồng của mỗi thành viên trong nhóm dù trước đó chúng tôi chưa từng quen nhau. Thêm nữa, những tấm hình tuyệt đẹp với nhau khi đến một nơi có cảnh đẹp, những trận cười sảng khoái do sự hài hước của một số thành viên đã xua tan cái mệt của việc di chuyển quá xa.

Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó

Đặc biệt, chúng tôi được hòa mình vào thiên nhiên. Đứng trên ngọn đồi để nhìn thấy vẻ đẹp của rừng Tà Năng – Phan Dũng, tôi nhận ra thiên nhiên đẹp hơn, sống động hơn gấp nhiều lần khi nhìn trên hình ảnh. Vẻ đẹp của thiên nhiên không thể diễn tả bằng lời, bằng hình ảnh mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Từ đó tôi thấy mình yêu thiên nhiên hơn, muốn được bảo vệ và gìn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên…

Chuyến đi đó cũng là một bước ngoặt để tôi tiếp tục tham gia những chuyến trekking khác như: Cực đông, núi Đại Bình, núi Yên tử, núi Chứa Chan…

Sau mỗi chuyến đi thì nỗi sợ hãi của bản thân ngày càng giảm dần. Tôi yêu thiên nhiên và động vật hơn trước. Những điều này được tôi mạnh dạn truyền tải cho bạn bè, nhất là học trò của mình để các em cũng sẽ mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ trong những chướng ngại khác trong đời, trong những kỳ thi… Những điều mình trải nghiệm thì khi nói ra sẽ có giá trị hơn, dễ được người khác tin tưởng. Tôi cảm nhận được sức mạnh của sự thực chứng.

Thầy giáo trẻ vượt qua nỗi sợ, trekking những cung đường khó

Sợ hãi là cảm giác mà con người tự đặt ra để giới hạn khả năng của bản thân mình. Khi chúng ta bỏ qua giới hạn đó cũng là lúc chúng ta bỏ qua rào cản tâm lý của bản thân để thực hiện những điều mà trước đó ta luôn nghĩ mình không thể làm được.

Cũng như việc tôi ngồi xuống để viết bài này cũng là minh chứng cho việc tôi đã vượt qua giới hạn của bản thân mình. Nếu bài này được đăng báo, tôi nghĩ sẽ là điều bất ngờ lớn cho khá nhiều bạn bè của tôi – vì tôi từng là một người rất dở văn.

Bây giờ, tôi có thể mạnh miệng để nói về lý thuyết: “Đừng tự đặt ra giới hạn cho bản thân bạn mà điều quan trọng là bạn chuẩn bị như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ mà mình muốn đạt được”.

Trước đó, tôi vẫn thường nói với học sinh mình: “Những điều mà người khác làm được thì chắc chắn các em cũng sẽ làm được, quan trọng là em có muốn làm và chuẩn bị như thế nào để làm điều đó”. Sau này tôi sẽ vẫn còn nói nữa nhưng với một tâm thế tự tin hơn sau những lần vượt qua thử thách mang tên “nỗi sợ”.

Về chuyến trekking Tà Năng – Phan Dũng

Tà Năng – Phan Dũng là cung đường dài hơn 55 km đi qua cả ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tà Năng thuộc huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), Phan Dũng lại toạ lạc ở huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận). Tuy thuộc hai tỉnh khác nhau nhưng Tà Năng – Phan Dũng lại thuộc cùng khu bảo tồn thiên nhiên Kalon sông Mao.

Lộ Trình Tà Năng – Phan Dũng:

Nhóm có mặt tại chợ Đà Loan lúc 6 giờ sáng, sau khi ăn sáng và vệ sinh cá nhân, xe trung chuyển đưa cả nhóm đến điểm bắt đầu trekking.

Khoảng 8 giờ sáng, cả nhóm bắt đầu đi bộ qua những đồi thông và ruộng lúa (địa hình chủ yếu là đường bằng). Vì chỉ có một đường nên cứ đi theo đường chính xuyên qua làng, vườn cà phê, ruộng lúa… và gặp nhà hoa giấy.

Sau đó, mọi người bắt đầu leo dốc, những con dốc dường như thẳng đứng. Từ đây sẽ thấy được quả đồi thấp đầu tiên, những quả đồi liên tiếp nhau, không có nhiều cây lớn mà chỉ là cỏ thấp.

Khoảng 12 giờ trưa, cả nhóm nghỉ ngơi, ăn trưa trên đỉnh dốc, xung quanh được bao phủ rừng thông xanh ngát.

Khoảng 13 giờ cả nhóm tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đồi trọc, trên đỉnh đồi nhìn thấy toàn cảnh núi rừng. Sau đó, chúng tôi di chuyển đến cột mốc 3 tỉnh (Ninh Thuận – Bình Thuận – Lâm Đồng). Xung quanh là những ngọn đồi trùng trùng, điệp điệp. Và cuối cùng là chinh phục đồi số 8, nơi nhóm cắm trại, chuẩn bị đồ nướng cho buổi tối.

Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, cả nhóm ngắm bình minh trên đồi số 8, sau đó thu dọn lều trại và di chuyển về lại Sài Gòn.

Ths. Lê Văn Hiến

Nguồn: Vietnamnet.vn