(VTC News) – Những con người giàu lên nhờ du lịch ở Đà Nẵng hiểu rằng cuộc đời họ đã thay đổi, cũng bởi vì Đà Nẵng có những cách làm hay, có nhiều nhà đầu tư lớn.
Huỳnh Trường Hiếu, 24 tuổi, tốt nghiệp ngành truyền thông từ Cuba, mong muốn tìm kiếm cơ hội làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Tây Ban Nha tại thành phố này.
Sau 22 giờ đi xe khách, Đà Nẵng đón anh bằng cái nắng nóng quen thuộc của vùng biển, một không khí yên bình đối lập hẳn với Sài Gòn. “Hồi đó chọn Đà Nẵng đơn giản vì thấy nó giống với Cuba nhất, hiền hòa, trong lành lắm, chứ thực sự chưa biết sẽ xoay sở thế nào”, Hiếu kể.
Hiếu xoay sở bằng cách thuê căn phòng sinh viên chục mét vuông sau Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, ở chung với hai người bạn hướng dẫn viên khác. Hằng ngày ăn những bữa cơm sinh viên 10 nghìn đồng, Hiếu đi đặt hồ sơ ở tất cả các công ty du lịch mình biết, hoặc mở đống tài liệu du lịch ra đọc. Thời gian trôi chậm.
Hai người em của Hiếu đều lập nghiệp trong Sài Gòn. Bố mẹ Hiếu ở Bình Thuận, đều muốn anh ở lại Sài Gòn cho “có anh có em”. Bốn tháng ra Đà Nẵng trúng vào mùa thấp điểm, không có việc làm cho những người mới vào nghề như Hiếu. Anh vẫn quyết ở lại.
“Đà Nẵng khi ấy hầu như không có khách sạn nhà cửa cao tầng, chưa có cái gì đâu”, Hiếu tả lại khung cảnh thành phố khi ấy. Đoàn khách đầu tiên anh đón vào tháng 3 năm 2011 là một gia đình Tây Ban Nha. Họ vào Hội An chơi 3 ngày rồi ngược ra Huế thăm quan 2 ngày.
“Biển đẹp quá, đây là đâu vậy?”, họ hỏi với Hiếu khi đi ngang qua Đà Nẵng. “Khách du lịch phương Tây thời ấy chỉ biết Việt Nam có Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn thôi, những địa điểm nằm trên con đường di sản”.
Thực tế biển Đà Nẵng lọt top 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh đã từ năm 2007. Nhưng đến thời điểm đó, vẫn chỉ là một hòn ngọc vô danh.
Chàng hướng dẫn viên không một ngày kinh nghiệm và ít hiểu biết sâu đã có lần bị chính những vị khách của mình chỉ tay vào guidebook bảo “cậu nói sai hết rồi”. Từ đó Hiếu hạ quyết tâm mỗi ngày đọc 5, 10 trang sách lịch sử, văn hóa, tìm tòi tài liệu hiếm, tham gia các lớp huấn luyện kỹ năng của sở Du lịch thành phố, những khóa học được Hiếu đánh giá rất cao. “Mỗi chữ mình nói ra với khách du lịch đều đại điện cho hình ảnh của cả một đất nước”, Hiếu tự nhủ và không còn những “tai nạn” như trước kia lặp lại.
Trong khi Hiếu nỗ lực hoàn thiện kỹ năng nghề, Đà Nẵng cũng không mất quá nhiều thời gian để cho thế giới nhận ra giá trị của mình. Khách du lịch từ khắp thế giới bắt đầu đổ về Đà Nẵng. Bây giờ, điều đầu tiên khi khách hỏi Hiếu khi đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng là “Cầu Vàng của Đà Nẵng ở đâu? Hiếu cho chúng tôi đi nhé”.
Trong những khu vui chơi lớn của thành phố đã thấy ngày càng nhiều khách du lịch phương Tây – vốn không mặn mà với những nơi không di sản. “Tôi đang ở Việt Nam thật ư? Còn tưởng là vẫn ở Châu Âu kia chứ”, thi thoảng họ vẫn hay thốt lên như vậy khi thăm Đà Nẵng.
Sau 6 năm làm hướng dẫn viên du lịch, Hiếu mua được đất và nhà ở Đà Nẵng, thực hiện được ước mơ định cư ở thành phố hiền hòa yêu thích của mình từ ngày trẻ. Từ một cậu thanh niên nghèo, ăn ké cơm của những tài xế xe khách Đà Nẵng – Sài Gòn ròng rã mỗi lần về thăm cha mẹ, bây giờ Hiếu có thể cho vợ con về thăm nhà trên những chuyến bay chất lượng nhất, và chỉ mất 1 tiếng đồng hồ. Bố mẹ anh từ chỗ ngăn cản, giờ đã chuyển ra Đà Nẵng ở hẳn với con trai.
Gặp gỡ gia đình anh một sáng Chủ nhật bên cầu tình yêu, Hiếu ôm cậu con trai cùng vợ và bố mẹ chụp ảnh bên sông Hàn. Từ thành phố đáng sống này, Hola, con trai anh sẽ lớn lên và thực hiện những ước mơ của mình, điều mà chính anh đã làm được khi lựa chọn gắn bó lâu dài với thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam – Đà Nẵng.
“Sáng đánh cá, chiều học đá”. Anh Huỳnh Cư 20 năm trước là thợ học làm đá mới ra nghề, chưa kiếm nổi ba chục nghìn tiền công mỗi ngày. Năm giờ sáng, Huỳnh Cư đã vác lưới, lọ mọ ra sông Cổ Cò kéo cá tôm để vợ bán đổi sữa cho con.
Cả xã Hòa Hải nằm dưới chân Non Nước đều là những ngôi nhà cấp bốn, mái tôn đều xăm xắp, không có nhà nào quá một tầng ngoi lên. Cứ sau mùa bão, vợ chồng lại đi nhặt nhạnh lại tấm fibro vỡ, lợp lại nóc nhà. “Được ở một mái nhà không bay, không dột mỗi mùa bão” là ước mơ duy nhất của vợ chồng Huỳnh Cư thời trẻ.
Những năm cuối thế kỷ 20, khách Tây lác đác ghé Ngũ Hành Sơn. Họ đi thành nhóm dăm ba người và thường chọn leo Thủy Sơn – ngọn cao nhất trong “ngũ hành” để ngắm được toàn cảnh thành phố. Xuống núi rồi, khách đi thẳng vào Hội An.
Thi thoảng, có khách nghe giới thiệu “làng đá mỹ nghệ hơn 400 năm nằm dưới chân núi” sẽ tìm đến tham quan. Một pho tượng Phật Di lặc tạc ba ngày rưỡi, báo giá 200.000 đồng, mà thi thoảng cũng không bán nổi.
Ông Huỳnh Cư hai mươi năm sau là chủ một xưởng đá mỹ nghệ tạc ra bao nhiêu bán hết sạch bấy nhiêu. Tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, con đường du lịch tỷ đô được mở ra đã thay đổi số phận của làng đá Ngũ Hành Sơn và cả Đà Nẵng. Những khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn… mọc lên, du lịch đã kéo mức sống của toàn bộ cư dân thành phố đi lên.
Bây giờ, ông lại loay hoay giữ nghề theo một cách khác: giới trẻ không ham làm cái nghề bụi bặm này nữa mà tìm thấy đủ mọi loại cơ hội từ ngành du lịch đang phát triển.
Ông Cư tiếc nghề làm đá. Nhưng ông cũng hiểu quy luật phát triển. Khi con lớn thi vào đại học, ông cũng khuyên con, như hàng nghìn bậc cha mẹ của thành phố biển này khi con đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời.
“Con thi vào trường du lịch đi”, ông nói.
Ông Huỳnh Cư, anh Trường Hiếu, và tất thảy những người dân Đà Nẵng từ ngày xưa ấy đều hiểu rằng, họ có ngày hôm nay, là nhờ du lịch phát triển, nhờ những con người, những Tập đoàn dám nghĩ dám làm, thay đổi hẳn bộ mặt của thành phố nghèo năm nào.
Nguồn: Vtc.vn