Hành trình 14.000 km của khách sạn nổi Sài Gòn

0
7
Khách sạn nổi được xây dựng tại Singapore với chi phí khoảng 40 triệu USD. Công trình này là ý tưởng của đại gia xây dựng Doug Tarca. Ông qua đời vào giữa thập niên 90 song con trai Peter tiếp quản. Ảnh: Barrier Reef Holdings.

Barrier Reef Floating Resort đổi tên thành Saigon Floating Hotel, neo đậu tại TP HCM vào thập niên 90 và đang ở Triều Tiên.

Cuối những năm 1980, cái tên Barrier Reef Floating Resort xuất hiện trên khắp mặt báo quốc tế, với danh hiệu khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới. Khách sạn 5 sao này nặng 12.000 tấn, cao 7 tầng với khoảng 200 phòng.

Thả neo cách thành phố Townsville, Queensland, Australia khoảng 70 km, Barrier Reef Floating Resort bắt đầu đón khách vào năm 1988 với những tiện nghi sang chảnh bậc nhất thời bấy giờ. Từ sân tennis, hộp đêm, bể bơi, quầy bar và nhà hàng, đến bãi đáp trực thăng… tất cả tạo nên trải nghiệm nghỉ dưỡng mới cho giới thượng lưu vào thập niên 80, đưa tên tuổi của Townsville lên bản đồ du lịch thế giới.

Khách sạn nổi được xây dựng tại Singapore với chi phí khoảng 40 triệu USD. Công trình này là ý tưởng của đại gia xây dựng Doug Tarca. Ông qua đời vào giữa thập niên 90 song con trai Peter tiếp quản. Ảnh: Barrier Reef Holdings.

Khách sạn nổi được xây dựng tại Singapore với chi phí khoảng 40 triệu USD. Công trình này là ý tưởng của đại gia xây dựng Doug Tarca. Ông qua đời vào giữa thập niên 90 và con trai Peter tiếp quản. Ảnh: Barrier Reef Holdings.

Robert De Jong, đại diện Bảo tàng Hàng hải Townsville, nhận định khách sạn nổi đem đến một trải nghiệm độc đáo trên rạn san hô khổng lồ Great Barrier Reef và thực sự hút khách. “Đó là nỗ lực đầu tiên trên thế giới để người ta có thể nghỉ dưỡng trên rạn san hô trong một khách sạn nổi. Nhìn từ xa, trông nó không khác gì một con tàu. Nhưng khi tới gần hơn, rõ ràng bạn sẽ thấy nó có một lối kiến trúc khác”, De Jong nói.

Dù gây tiếng vang lớn từ khi mở cửa, khách sạn 5 sao này lại chỉ hoạt động khoảng một năm. Nó có một khởi đầu không mấy thuận lợi khi phải chống chọi với một cơn lốc xoáy ngay cả khi chưa khai trương. Dù vậy kết cấu lõi của nó không bị tàn phá. Nhưng thời tiết khắc nghiệt của miền bắc Queensland không cho phép công trình này vào bờ thường xuyên và lượng khách ngày một sụt giảm. Tập đoàn chủ quản nhận thấy chi phí duy trì hoạt động kinh doanh quá tốn kém, nên quyết định bán nó cho Tập đoàn EIC Development Company (Nhật Bản) vào năm 1989.

Sau đó, khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới vượt 5.000 km đến Việt Nam, nơi nó trở thành Saigon Floating Hotel và neo ngay trên sông Sài Gòn. Vào thời ấy, TP HCM chưa có nhiều nơi lưu trú cao cấp dành cho khách nhà giàu, nên công trình này nhanh chóng trở thành tâm điểm hút khách. Một đêm nghỉ tại đây có giá lên đến 355 USD, nhưng nơi này vẫn thường xuyên kín phòng. Người dân quen gọi nó là “khách sạn nổi” hay “nhà hàng nổi 5 sao”.

  

Thời hoàng kim không kéo dài quá một thập niên. Đến năm 1997, hoạt động kinh doanh của khách sạn nổi Sài Gòn bắt đầu xuống dốc. Thời điểm này, hàng loạt khách sạn hạng sang của thành phố bắt đầu được nâng cấp hoặc xây mới. Chủ đầu tư bán lại công trình này cho Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) với giá 18 triệu USD. 

Tháng 4/1997, khách sạn nhổ neo rời TP HCM sang Singapore, nơi nó được trùng tu và đổi tên thành Hotel Haegumgang. Bến đỗ mới của nó là cảng Changjon gần khu nghỉ mát núi Kumgang (Triều Tiên), chủ yếu phục vụ khách Hàn Quốc.

Nhưng số phận khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới một lần nữa xoay vần khi biến cố lớn xảy ra vào năm 2008: lính Triều Tiên bắn chết một du khách Hàn Quốc tại khu nghỉ mát núi Kumgang vì người này đi vào khu vực quân sự. Mọi hoạt động tham quan du lịch của khách Hàn Quốc tới núi Kumgang bị đình chỉ, chương trình hợp tác hiếm hoi giữa hai miền Triều Tiên kết thúc.

Từ đó, khu nghỉ mát và khách sạn nổi bị đóng cửa. Nó vẫn neo đậu ở bến cảng và hầu như không được sử dụng. Gần nhất vào tháng 8/2018, các gia đình bị ngăn cách bởi Chiến tranh Triều Tiên đã có buổi đoàn tụ tại khách sạn này.

Câu chuyện kỳ lạ về khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới dần tới hồi kết sau hành trình di chuyển ít nhất 14.000 km trong hơn 30 năm qua. Cuối tháng 10, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh tháo dỡ toàn bộ những công trình lạc “lạc hậu” và “tồi tàn” khỏi khu nghỉ mát núi Kumgang, nơi Hotel Haegumgang neo đậu.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không hài lòng với hiện trạng của khu nghỉ mát, ví nó như lều dựng tạm ở khu vực bị thiên tai. Phía sau ông Kim là khách sạn nổi Haegumgang. Ảnh: KCNA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không hài lòng với hiện trạng của khu nghỉ mát, ví nó như “lều dựng tạm ở khu vực bị thiên tai”. Phía sau ông Kim là khách sạn nổi Haegumgang. Ảnh: KCNA.

Khi nghe tin tức từ Triều Tiên, ông Robert De Jong cho biết mình rất buồn và không mong đợi điều đó xảy ra. “Rõ ràng nó không còn tác dụng gì tại Triều Tiên. Tôi không chắc ai đó sẽ sẵn sàng hay hứng thú lấy lại, và neo đậu nó ở nơi nào khác”. 

Những tin tức cập nhật về khách sạn từ năm ngoái đã thu hút sự chú ý của người dân Australia. Không ít người liên hệ với bảo tàng để kể câu chuyện của họ gắn với công trình biểu tượng này, dù nó chỉ lưu lại Queensland trong thời gian ngắn.

Ông De Jong chia sẻ, một người gửi email tới cho biết ông ta từng làm nhà thầu cho khách sạn nổi này tại Hàn Quốc. Người này và vợ từng được mời đến khu nghỉ mát của Triều Tiên một lần, điều đầu tiên khiến họ chú ý chính là những ổ cắm điện kiểu Australia bên trong.

Bảo Ngọc (Theo ABC)

Nguồn: Vnexpress.net