Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được thành phố Hải Phòng tổ chức hằng năm nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Ngày 5/3, tại Quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, UBND Quận Lê Chân đã tổ chức khai hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2017.
Đây là một trong những lễ hội truyền thống được thành phố Hải Phòng tổ chức hằng năm nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy nét đẹp truyền thống, các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, còn là dịp tri ân công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân.
Cùng với đó là giáo dục cho các thế hệ trẻ về lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự tôn, tự hào dân tộc.
Tiết mục múa trống hội tái hiện không khí hào hùng và niềm tự hào của người dân Hải Phòng.
Tích xưa truyền rằng, Nữ tướng Lê Chân quê ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú.
Cha mẹ bà bị thái thú nhà Hán là Tô Định sát hại, bà Lê Chân phải bỏ quê đến vùng An Dương, cửa sông Cấm lập trại khai phá. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng.
Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà Lê Chân đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm Nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công.
Ông Phạm Tiến Du, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Chân cho biết, lễ hội nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào của người dân Hải Phòng và phát huy các nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống; đồng thời tôn vinh thân thế, sự nghiệp, tri ân công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân – người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa – thành phố Hải Phòng ngày nay.
Các chương trình văn nghệ hầu hết hướng về các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 3/2016. Năm nay phần hội ngoài khu vực chợ quê đã trở thành “thương hiệu” của quận Lê Chân, được nhân dân và du khách còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian như cờ người, đánh chắt, đánh chuyền, trò chơi ô ăn quan…
Đặc biệt, chương trình văn nghệ hầu hết hướng về các loại hình nghệ thuật truyền thống như: hát xẩm, hát văn, dân ca, chèo cổ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại đền Nghè và đình An Biên, khu vực tượng đài Nữ tướng Lê Chân…/.
Theo Tổng cục Du lịch
Nguồn: Dulich.vtv.vn