Nhiều người phản ánh tình trạng đông đúc, chặt chém, xô bồ và những câu chuyện bực mình, thất vọng khi đi du lịch trong dịp 30/4-1/5.
Tại Sa Pa (Lào Cai), tình trạng ùn tắc tại các tụ điểm tham quan thường xuyên xảy ra trong những ngày qua. Trên một số diễn đàn du lịch, nhiều du khách chia sẻ hình ảnh người với người chen chúc lên cáp treo Fansipan hay đến bản Cát Cát. Bên cạnh hình ảnh, một số người phản ánh những câu chuyện không hài lòng về du lịch Sa Pa như thuê phòng đắt nhưng không sạch sẽ hay giá dịch vụ cao. Ảnh: Quynh Nguyen, Nguyễn Dương.
Thành viên Oanh Đàm cho biết quãng đường từ trung tâm thị trấn đến bản Cát Cát chỉ khoảng 4 km nhưng giá taxi cô phải trả lên đến 300.000 đồng. Trong khi đó, tài khoản Kiều Việt Dũng bày tỏ thất vọng: “Người đông, đường xá bẩn, taxi đắt, dịch vụ ăn uống lôm côm, vào bản (Cát Cát) cũng không có gì, nói chung là phí tiền”. Ảnh: Nguyễn Dương, Hùng Xoăn.
Tuy so với các năm trước, lượng du khách đến Đồ Sơn (Hải Phòng), không quá tải nhưng những hình ảnh xấu xí vẫn lan truyền trên mạng xã hội. “Nước biển bẩn và trên bờ cũng không kém. Nhiều khách vô ý thức xả rác ngay tại chỗ”, Quách Thị Tình, Sơn La, nói. Ảnh: Bảo Như.
Ở Đà Lạt, tình trạng ùn tắc trong thành phố thường xuyên xảy ra trong dịp nghỉ lễ. Nhiều du khách cho biết họ cảm thấy ngạt thở vì Đà Lạt quá đông. “Tôi thuê phòng tại một khách sạn trên đường Yersin. Nơi đó cách vườn hoa Đà Lạt chỉ khoảng 2 km nhưng mất hơn 2 tiếng để di chuyển. Nếu biết tắc đường như vậy, chúng tôi đã để xe ở nhà và tự đi bộ ra”, chị Nguyễn Ngọc Ánh, Hải Phòng, nói. Ảnh: Danh Phạm.
Trong khi đó, tài khoản Cuong Thieu, thành viên trong nhóm Người Đà Lạt, thông tin: “Nhiều người đến đây xả rác bừa bãi tại khu du lịch, vui chơi, trung tâm thành phố nên chỉ sau một đêm thành phố xinh đẹp đáng sống này đã biến thành bãi rác khổng lồ. Cứ qua những ngày lễ lớn, những hình ảnh Đà Lạt ngập rác khiến người dân nơi đây rất đau lòng”. Ảnh: Koganei_kr, Hoàng Việt.
Đường đến Cát Bà (Hải Phòng) cũng xảy ra ùn tắc trong ngày 28/4 do đón lượng lớn du khách. Phùng Hương Giang, Vĩnh Phúc, thông tin, sau 5 tiếng ngồi trên đường cao tốc vì tắc đường, gia đình cô tiếp tục phải chờ tại bến phà vì tình trạng ùn tắc. Đồng tình với Giang, nhiều du khách khác cũng chia sẻ những lời than vãn khi nói về hành trình đến với hòn đảo này. Ảnh: Khánh Krist, Nguyễn Thuỷ.
“Hành trình đến với Cát Bà (Hải Phòng) quá gian nan. Việc phải chờ đợi trong thời gian dài khiến mọi người rất mệt mỏi. Khi đến nơi, du khách rất đông. Đâu đâu cũng thấy người”, Giang nói. Tuy nhiên, cảm xúc của cô được kéo lại đôi chút nhờ “bãi biển sạch bong và không thấy rác”. Ảnh: Hanguyen1602, Phùng Hương Giang.
Tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), bạn Phạm Linh Chi, Phú Thọ, thông tin bãi biển đông nghịt, đặc biệt khu mép nước. “Chuyện selfie cùng làn nước xanh và bãi cát trắng nhưng không dính người còn khó hơn việc bạn tránh đọc phải spoil Endgame“, cô gái 21 tuổi nói đùa. Ảnh: _maily.l_, Phuongdodo_.
Tuy nhiên, tình trạng đặc biệt đông chỉ xảy ra trong 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ. Theo anh Nguyễn Đức Kiên, Hà Nội, hiện tại, Sầm Sơn đã vắng hơn do du khách về bớt. “Bãi biển tương đối sạch. Tình trạng chặt chém cũng không xảy ra. Sầm Sơn bây giờ lịch sự lắm”, anh Kiên nói. Ảnh: Loan_xity, Nguyễn Đức Kiên.
Dương Ngọc Chi, TP.HCM, cho biết du khách nườm nượp đổ về thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy nhiên, Huỳnh Nam, người dân địa phương, cho hay hòn ngọc của biển Đông dịp này chỉ đông hơn bình thường một chút và không vỡ trận như một số điểm du lịch khác. Ảnh: Huỳnh Nam.
“Để giữ gìn vệ sinh thành phố, công nhân vệ sinh đã làm việc rất tích cực và dọn dẹp liên tục”, ông Nam nói. Tương tự, tại một số bãi biển khác như Cát Bà (Hải Phòng), Tuần Châu (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhiều du khách và người dân thông tin bãi biển kín khách du lịch nhưng vẫn sạch sẽ. Ảnh: Huỳnh Nam.