Hà Nội nên đàm phán về quảng bá du lịch trên CNN ra sao?

0
6
Một chương trình quảng bá hình ảnh Hà Nội trên CNN /// Ảnh chụp màn hình

Nên dừng hẳn hay thay đổi nội dung quảng bá du lịch trên CNN là câu hỏi khi Hà Nội muốn đàm phán về việc hợp tác quảng bá du lịch với hãng tin Mỹ CNN để cắt giảm chi phí.

Một chương trình quảng bá hình ảnh Hà Nội trên CNN /// Ảnh chụp màn hìnhMột chương trình quảng bá hình ảnh Hà Nội trên CNN – Ảnh chụp màn hình

Đàm phán lại hợp đồng

Nên dừng hẳn hay thay đổi nội dung quảng bá du lịch Hà Nội trên CNN trong thời gian tới là điều nhiều chuyên gia quan tâm khi mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội sẽ dừng chi cho hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch.
Ông Chung cũng chỉ đạo Sở Du lịch Hà Nội làm việc lại với hãng tin Mỹ CNN về gói quảng bá du lịch Hà Nội vì thời điểm này “không có ai đi du lịch mà quảng bá”.
Trong khi đó, theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 3, Sở này đã hoàn thành một việc trong kế hoạch hợp tác với kênh CNN quốc tế. Đó là hoàn thành bản dựng số 1 của phim quảng cáo 30 giây số 2 với chủ đề “Vị trí xuất phát đầu” phục vụ tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình CNN quốc tế năm 2020. Mạng tin tức truyền hình cáp CNN đã sản xuất phim theo kịch bản được UBND Hà Nội phê duyệt.
Trước khi ông Chung có yêu cầu đàm phán lại, Sở Du lịch Hà Nội đã trình UBND Hà Nội đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình hợp tác tuyên truyền, quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình CNN quốc tế năm 2020.

Vì sao không quảng bá Hà Nội an toàn, thân thiện

Ông Lê Quốc Vinh, đại diện Elite PR School, cho biết tình trạng của nhiều hợp đồng quảng cáo, quảng bá hiện nay là khách hàng muốn xem xét lại. Nếu có thể, họ đều đàm phán để cân đối lại ngân sách quảng cáo. “Chính vì thế, việc ông Chung chỉ đạo làm việc lại với CNN về quảng bá là hợp lý”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, nếu chiến dịch quảng bá trên CNN là để kích cầu du lịch thì trong thời gian này không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu là quảng bá để duy trì thương hiệu, việc chạy quảng bá vẫn “được”. “Có điều, trong thời gian này có thể đàm phán về mức độ ưu đãi, chẳng hạn gia tăng thời lượng hay thế nào đó. Nói chung các khách hàng đều đang đàm phán với những đơn vị xuất bản nội dung để được thêm quyền lợi, đạt hiệu quả cao hơn”, ông Vinh phân tích.
Cũng theo ông Vinh, vấn đề lớn nhất cần đặt ra chính là nội dung quảng bá của Hà Nội trên CNN. Cần tránh việc quảng bá chung chung. “Cách làm của Việt Nam thường rất chung chung. Họ cứ mô tả cảnh đẹp, người đẹp nhưng cái đó hiệu quả thấp. Những chương trình nội dung không hiệu quả mà vẫn phát tràn lan thì lãng phí”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, cần chú ý nội dung của quảng bá. “Thái Lan tại sao làm quảng bá tốt vì đánh vào cảm xúc con người. Khách xem thấy họ cần phải đến. Họ cũng đánh vào sự thân thiện. Người ta đến Thái Lan vì người dân rất thân thiện với khách du lịch chứ không phải vì bãi biển đẹp. Campuchia cũng vậy. Còn chúng ta chỉ nói đến cảnh sắc, là cái bên ngoài”, ông Vinh phân tích.
TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch, Trường đại học KHXH – NV, Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng không nên cắt quảng bá du lịch trên CNN mà nên thay đổi nội dung. Chúng ta có thể xây dựng những quảng bá liên quan đến Việt Nam thân thiện trong tình hình này.
“Tôi thấy có những chương trình tiếng Anh phỏng vấn bệnh nhân người Anh cách ly, phát hiện dương tính sau đó khỏi bệnh. Chúng ta làm những quảng bá ngắn, trong đó có hình ảnh an toàn, có cả hình ảnh các nước trên thế giới khen ngợi Việt Nam trong dịch. Như thế, mọi người sẽ có thiện cảm với Việt Nam và đi du lịch Việt Nam”.

Tin liên quan

  • 90% doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM đã ngưng hoạt động
  • Hang Sơn Đoòng vào top 10 du lịch thực tế ảo mùa Covid-19
  • Phố Tây, phố Hàn ở Hà Nội đìu hiu vì dịch Covid-19

Nguồn: Thanhnien.vn