Tưởng chừng thất nghiệp vì Covid-19, giờ đây các daigou – những người buôn hàng xách tay ở Trung Quốc – còn kiếm được nhiều hơn trước nhờ bán sản phẩm nội địa cao cấp.
Trong những năm trở lại đây, nghề buôn hàng xách tay nổi lên ở Trung Quốc trước nhu cầu săn tìm hàng hóa nước ngoài tăng mạnh ở tầng lớp trung lưu và giàu có.
Những người làm nghề này được gọi là daigou. Họ thường đi du lịch nước ngoài để mua sắm theo yêu cầu, từ túi xách sang trọng đến sữa bột cao cấp cho trẻ em.
Các daigou sang nước ngoài và tìm mua sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng trong nước. Ảnh: Tencent. |
Sau đó, các daigou vận chuyển về nước cho khách hàng. Họ sử dụng nhiều thủ đoạn, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, để trốn thuế, nên sản phẩm bán ra có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu chính hãng.
Daigou từ lâu được xếp vào thị trường xám (các hoạt động trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức), hiện được ước tính có giá trị hàng tỷ USD. Theo công ty tư vấn Bain & Company, năm 2014, 4 trên 10 lần mua hàng xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc là do daigou thực hiện.
Năm 2020, nghề buôn hàng xách tay bất ngờ gặp khủng hoảng khi các quốc gia đóng cửa vì dịch Covid-19. Các doanh nghiệp và trung tâm mua sắm đóng cửa, mọi chuyến bay bị hủy và dịch vụ giao hàng quốc tế đình trệ, tạm ngừng hoạt động.
Các daigou lo sợ rằng họ sẽ mất đi những vị khách “sộp” hậu đại dịch. Thế nhưng, họ nhanh chóng nhận ra có thể chuyển sang buôn bán sản phẩm nội địa chất lượng cao.
Giải cứu nghề daigou
Tháng 8, một nhóm daigou gồm vài chục cô gái trẻ ở độ tuổi 20-30 đã bay đến một nhà máy sản xuất ngọc bích nhỏ ở gần biên giới Trung Quốc – Myanmar. Tại đây, họ giúp các nhà cung cấp địa phương bán được hơn 8 triệu NDT (1,2 triệu USD) đồ trang sức bằng ngọc bích.
Những người buôn hàng xách tay Trung Quốc chuyển sang thị trường nội địa trong mùa dịch. Ảnh: CGTN. |
Zhang Ting, trưởng nhóm daigou Halo B. T. Women, là một trong những người tiên phong tìm cách giải cứu nghề buôn hàng xách tay. Cô nảy ra ý tưởng chuyển sang thị trường đồ nội địa trong thời gian cách ly tại nhà sau khi trở về từ châu Âu.
“Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng sự nghiệp đến đây là kết thúc vì không thể sang nước ngoài mua sắm. Nhiều chị em đã chuyển sang bán bảo hiểm, một số khác đi làm nhân viên văn phòng ổn định”, cô cho biết.
“Mỗi người trong nhóm chúng tôi đều có sẵn nền tảng khách hàng lớn – khoảng 5.000 người theo dõi trên tài khoản WeChat. Đa số xuất thân từ các gia đình trung lưu và giàu có trên khắp Trung Quốc.
Do đó, ngày càng nhiều thương hiệu và nhà sản xuất Trung Quốc đổ xô mời chào chúng tôi quảng bá cho sản phẩm của họ, từ kim cương, đồ trang sức đến căn hộ cao cấp”, Zhang nói thêm.
Trong một chuyến đi hồi tháng 6 tới quận Phiên Ngung (tỉnh Quảng Châu) – trung tâm đồ trang sức và đá quý ở miền nam Trung Quốc, Zhang Ting và 150 daigou khác đã bán được 30.000 carat kim cương nhân tạo Moissanite.
Trước đây, có thể dễ dàng bắt gặp các daigou tại các trung tâm thương mại xa xỉ hoặc cửa hàng miễn thuế ở nước ngoài. Ảnh: ConnectX. |
“Nhóm daigou chủ chốt của chúng tôi có khoảng 80 người, mỗi người kiếm được 30.000-50.000 NDT mỗi tháng. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người trong số họ từng ra nước ngoài 2 lần/tháng và chỉ kiếm được khoảng 10.000-15.000 NDT”, cô nói.
Có ảnh hưởng lớn đến khách hàng
Zhang Yuling sống ở thành phố Thượng Hải, một trong những khu vực thu nhập cao ở Trung Quốc. Cô là người bán hàng nổi tiếng trong giới daigou, sở hữu hơn 5.000 người theo dõi trên tài khoản WeChat.
Trong 7 năm qua, cô đã đến gần 20 quốc gia. Zhang Yuling đến với nghề này như một cách để chi trả cho những chuyến xuất ngoại của mình, nhưng dần dần nó trở thành một công việc toàn thời gian.
Trước khi đại dịch xuất hiện, Zhang Yuling đi du lịch ít nhất 2 lần/tháng. Cô mua trà đen và đá quý ở Sri Lanka, sữa bột ở Australia, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại chuỗi siêu thị Costco ở Mỹ và túi xách hàng hiệu tại châu Âu.
“Hầu hết người theo dõi tôi thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có. Họ rất nhiệt tình với việc mua sắm hàng hóa nước ngoài để phục vụ đời sống xa xỉ, chất lượng cao của họ. Trước mỗi chuyến đi, tôi sẽ thông báo về những địa điểm tôi ghé qua và họ sẽ đặt yêu cầu”, cô chia sẻ.
Các daigou vẫn bận rộn và iếm được tiền, ngay cả khi không được xuất cảnh. Ảnh: CGTN. |
Zhang Yuling nói thêm: “Tôi từng nghĩ rằng khách hàng của tôi sẽ chỉ quan tâm đến các sản phẩm nổi tiếng ở nước ngoài. Nhưng hiện nay, bất kể món hàng nào tôi giới thiệu, từ nông sản đến đồ trang sức, họ vẫn sẽ mua, miễn là tôi đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Năm nay, tôi vẫn bận rộn như năm ngoài. Tháng 5, tôi bán nông sản ở tỉnh Hồ Nam. Tháng 6, tôi bán kim cương nhân tạo Moissanite ở Quảng Châu. Tháng 7, tôi bán bánh Matsutake ở Shangri-la. Tháng 10, tôi bán ngọc bích ở tỉnh Vân Nam và ngọc trai ở Chiết Giang”.
Tuy nhiên, những người buôn hàng xách tay phải đối mặt với vấn đề duy trì uy tín và độ hấp dẫn với các khách hàng “sộp” của mình. Đây là một trở ngại khá lớn đối với các daigou, nhất là khi họ không còn những bức ảnh du lịch nước ngoài sang chảnh như trước. Thế nhưng, nhiều người vẫn bày tỏ tinh thần lạc quan về công việc của mình.
“Thực tế, dịch Covid-19 đã truyền cảm hứng và giúp chúng tôi nhận ra giá trị của bản thân. Chúng tôi không chỉ đơn giản là người đi mua rồi bán lại những sản phẩm từ nước ngoài và chấp nhận rủi ro trốn thuế nhập khẩu”, Deng Xinjin, một daigou khác, chia sẻ.
Cô nói thêm: “Giờ đây, chúng tôi có khả năng xây dựng một mạng lưới riêng, kết nối với các nhà cung cấp hàng đầu Trung Quốc. Chúng tôi được tiếp cận hàng hóa với mức giá chiết khấu độc quyền, đồng thời là cầu nối cho thị trường chi dùng phong phú”.
Nguồn: News.zing.vn