Từ tháng 3.2013, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đầu tư cho 5 hộ dân làm homestay bên ngoài khu di sản Mỹ Sơn (Quảng Nam). Nhưng từ đó đến nay, khách đến lưu trú chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thiếu, yếu dịch vụ đi kèm
Những hộ dân ở thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) được ILO hỗ trợ 3.000 USD/hộ làm 5 phòng homestay (dịch vụ lưu trú tại nhà dân) và gần 10 phòng ở khác của người dân trong thôn, với tham vọng tạo ra một Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, làm nơi lưu trú dài ngày cho du khách.
Qua đó, khách có thời gian nhiều hơn để thăm viếng, tìm hiểu đời sống, văn hóa của người dân địa phương cũng như tinh hoa kiến trúc Champa thể hiện trên những đền tháp cổ kính ở Mỹ Sơn. Những căn phòng được đầu tư bài bản, có không gian sinh hoạt riêng tư với đầy đủ tiện nghi… Tuy nhiên, lượng khách đến lưu trú rất ít, có năm cả làng homestay chỉ đón chừng 50 khách.
Giải thích nguyên nhân khiến làng homestay đìu hiu trong lúc khách du lịch đến Mỹ Sơn mỗi năm mỗi tăng, một cán bộ của Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhìn nhận dịch vụ cho du khách lưu trú chưa đáp ứng yêu cầu. Bởi, đi đôi với dịch vụ lưu trú phải kèm theo các chương trình văn hóa, văn nghệ giải trí phục vụ du khách vào ban đêm.
Trong khi đó, hiện nay các dịch vụ này gần như không có gì, nên du khách cũng không mặn mà. “Hơn nữa, khách đến Mỹ Sơn theo đoàn, số lượng đông, nên vài phòng homestay trong cộng đồng không đủ đáp ứng”, vị cán bộ này nói thêm.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cũng đánh giá một trong những nguyên nhân khiến làng homestay ở Mỹ Sơn chưa thành công là do hệ thống tổ chức của làng homestay chưa thật sự tốt, con người làm homestay ở đây cũng “chưa chuyên nghiệp”. Theo ông Hộ, dịch vụ homestay ở Mỹ Sơn nói riêng tất yếu phải dựa vào làng và các hoạt động văn hóa, tâm linh nếu có của làng là chính. Thế nhưng, khu vực dân cư này là làng mới được lập, chưa có bề dày văn hóa, chưa có đặc trưng riêng của cộng đồng làng, chưa có sản phẩm đặc trưng và phong cảnh phù hợp để khai thác, phát triển và thu hút khách du lịch chọn lưu trú tại làng homestay, chưa kể điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm…
|
Làm gì để “cứu” làng du lịch?
Ông Phan Hộ khẳng định Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhận thấy có trách nhiệm trong vấn đề đầu tư, xây dựng chương trình để giữ chân du khách, khi Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn với những homestay được đầu tư khá lớn lại ế ẩm quanh năm. “Homestay là phương thức làm du lịch để giúp nâng cao đời sống cho cộng đồng. Chúng tôi đã tìm nhiều cách hỗ trợ cho người dân làm homestay có thể sống được thông qua các cam kết đã ký với bà con nơi đây”, ông Hộ tâm sự.
Tuy nhiên, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đề xuất cần phải sớm xây dựng chương trình, kết nối điểm đến để thu hút du khách tham quan các thắng cảnh xung quanh khu đền tháp, rồi trải nghiệm về đêm tại khu vực Mỹ Sơn. “Tổ chức nhiều hoạt động về đêm như hô hát bài chòi, dân ca, các phiên chợ đêm, ẩm thực đặc trưng… hay hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn thuần túy để du khách tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa, đời sống người Việt. Chính vì chưa có những sản phẩm này mà du khách chưa thể lưu trú tại Mỹ Sơn. Tôi nghĩ rằng, khi triển khai đồng bộ thì làng homestay sẽ “sống” lại, hoạt động hiệu quả hơn là điều chắc chắn”, ông Hộ nhấn mạnh.
4 chương trình cam kết |
Nguồn: Thanhnien.vn