Dừng lại, thở sâu ở Mahabodhi

0
12
Tháp trung tâm của quần thể đền chùa Mahabodhi /// Phương An

Dưới cội bồ đề ở Mahabodhi, ngồi xuống, tĩnh lặng, khép mắt lại, thở thật sâu và lắng nghe… chắc chắn là món quà tuyệt vời nhất dành tặng cho chính mình.

Tháp trung tâm của quần thể đền chùa Mahabodhi /// Phương AnTháp trung tâm của quần thể đền chùa Mahabodhi – Phương An

Bodh Gaya (thuộc huyện Gaya, bang Bihar, miền đông Ấn Độ), có tên tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, được biết đến là một trong bốn Phật tích quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo thế giới. Theo sử liệu và kinh Phật, vào năm 589 trước Công nguyên, chính tại nơi đây, đức Phật đã giác ngộ sau 49 ngày tọa thiền dưới cội bồ đề.

Điểm đến mang tính biểu tượng

Ngày nay, Bodh Gaya là một trong 16 điểm đến mang tính biểu tượng của Ấn Độ, thu hút du khách và những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó, điểm dừng chân không thể thiếu cho hành trình khám phá Bodh Gaya chính là quần thể đền chùa Mahabodhi (tên tiếng Việt là Đại Giác Ngộ Tự), được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 2002.

Dừng lại, thở sâu ở Mahabodhi - ảnh 1

Hiện nay, để vào Mahabodhi, bạn phải qua 2 lần kiểm tra an ninh, nam và nữ đi 2 làn riêng. Điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử, phát sóng đều phải gửi ở khu riêng bên ngoài đền.
Giày dép có thể gửi hoặc để ngoài cổng. Giỏ xách được rà soát kỹ. Máy ảnh và máy quay phim được phép mang vào nhưng phải qua đăng ký và mua vé 100 rupee (khoảng 30.000 đồng). Xung quanh đền luôn có rất nhiều cảnh sát đặc nhiệm được trang bị vũ khí để bảo đảm an ninh.

Bao nhiêu thời gian là đủ ?

Mahabodhi là một quần thể rộng 4,86 ha, cần ít nhất 3 tiếng để thưởng ngoạn. Trong đó, tôi chia thời gian để dành cho 3 việc: Thứ nhất, hòa vào dòng người xếp hàng dài vào chính điện, nơi có đặt một tượng Phật Thích Ca mạ vàng cao tầm 2 m, nếu có duyên sẽ được chứng kiến cảnh nhà sư đắp y cho tượng Phật.
Thứ hai, đi vòng quanh ngôi đền tháp cao hơn 55 m, ngắm nhìn công trình kiến trúc bằng gạch với những trang trí điêu khắc vô cùng đặc sắc đã gây một ảnh hưởng nhất định đến kiến trúc Phật giáo sau này tại nhiều nơi trên thế giới.

Dừng lại, thở sâu ở Mahabodhi - ảnh 2

Nhiều phần đang hiện hữu tại đây được cho là đã có từ thế kỷ thứ 7 hoặc sớm hơn. Thứ ba, ngồi dưới cội bồ đề 143 tuổi, đọc một cuốn sách cầm theo, nói một câu chuyện không đầu không đũa với một người khách lạ, hay đơn giản là chẳng làm gì cả. Theo sử liệu, đây là cây bồ đề thứ 6 được trồng lại tại chính điểm mà ngày xưa đức Phật giác ngộ.
Như một cơ duyên, 3 ngày ở Bodh Gaya, tôi có dịp vào thăm Mahabodhi đủ cả khi bình minh, hoàng hôn và lúc sẩm tối. Đền Mahabodhi mở cửa từ 5 giờ sáng và đóng cửa lúc 9 giờ tối, không bán vé vào cổng. Buổi chiều là thời gian đông khách tham quan nhất.
Vì vậy, thời điểm lý tưởng chính là trước lúc bình minh, khi dòng người hành hương, thăm viếng còn rất lặng lẽ và thưa thớt, khi những lữ khách đủ mọi màu da chào ngày mới bằng cách ngồi lại và hành thiền tại bất kỳ góc nào.

Dừng lại, thở sâu ở Mahabodhi - ảnh 3

Ta có thể gặp họ dưới tán bồ đề, cạnh một góc tường gạch, bên bờ hồ sen, hay úp mặt vào một hốc đá. Khi ánh mặt trời ló dạng, những tia nắng đầu tiên xuyên qua màn sương mỏng, hãy chắc rằng mình đang ngồi dưới cội bồ đề, ngắm nhìn bóng lá nhảy nhót lấp lánh trên nền đất.
Bất giác, ta khép mắt lại, ngồi khoanh chân, hai tay thả lỏng trên đầu gối, hít một hơi thật sâu và thở ra thật nhẹ, lắng nghe thế giới chuyển động xung quanh, tiếng chân trần chạm trên mặt đất, tiếng tay lần hạt tràng, tiếng rì rầm tụng kinh gõ mõ, tiếng chim hót ríu rít, tiếng lá cây xạc xào trong làn gió nhẹ mơn man đầu ngày, mùi của sương sớm còn vấn vít, mùi của cây lá chớm đâm chồi…

Dừng lại, thở sâu ở Mahabodhi - ảnh 4

Trong lành và bình yên tuyệt đối. Khoảnh khắc ấy, mọi thứ chuyển động, riêng trong ta là sự tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng cần thiết mà ta dành tặng cho bản thân mình.

Khi đến thăm đền Mahabodhi, cần ăn mặc kín đáo, áo có tay và quần dài, không mặc quần jeans rách, không cười nói lớn tiếng. Bạn có thể sẽ được một vài thanh thiếu niên mặc áo tu hành bắt chuyện, tự giới thiệu là sinh viên ở nước khác sang đây tu tập. Họ sẽ tặng bạn lá bồ đề, dẫn bạn vào một góc đọc kinh, cầu nguyện, rồi sau đó đề nghị… ủng hộ một số tiền để mua sách (!?).
Khoảng thời gian tốt nhất để đến Bodh Gaya là từ tháng 10 đến tháng 3, khi mùa mưa đã qua đi và mùa nóng nhất chưa tới. Hành trình đến Bodh Gaya giờ đây không còn quá trắc trở, khi Hãng hàng không IndiGo của Ấn Độ đã mở tuyến bay thẳng Hà Nội – Kolkata và TP.HCM – Kolkata tần suất 1 chuyến mỗi ngày với các mức giá tiết kiệm.

Tin liên quan

  • Thót tim ăn mỳ bốc cháy ở Kyoto, cố đô Nhật Bản
  • Giáng sinh, 5 điểm không thể bỏ qua ở Sài Gòn
  • Nơi lưu trú cho khách du lịch sành điệu giữa lòng TP.HCM mùa cuối năm

Nguồn: Thanhnien.vn