Du lịch xanh giúp tăng lượng khách văn minh, có thu nhập cao

0
7
Những nơi lưu trú thân thiện với môi trường được khách đánh giá cao. Ảnh: Khương Nha. 

Khách châu Âu, Bắc Mỹ đến Việt Nam có xu hướng quay về với thiên nhiên, quan tâm tới sức khỏe của bản thân và lợi ích cộng đồng. 

Chiều 27/3, diễn đàn Du lịch xanh đã diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2019. Tại sự kiện tổ chức ở Hà Nội, nhiều thông tin, kinh nghiệm phát triển loại hình du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, đã được chia sẻ. 

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), du lịch xanh trong những năm gần đây đã trở thành một xu hướng và phát triển nhanh chóng ở nhiều nước. Khảo sát của TripAdvisor cho thấy 34% du khách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và các hoạt động du lịch bền vững; 50% du khách chi thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. 

Những nơi lưu trú thân thiện với môi trường được khách đánh giá cao. Ảnh: Khương Nha. 

Những nơi lưu trú thân thiện với môi trường được khách đánh giá cao. Ảnh: Khương Nha. 

Những năm vừa qua, khách đến Việt Nam cũng thích chọn các tour, khu nghỉ, dịch vụ, hàng hóa có nhãn sinh thái. Đó là xu hướng của các đoàn, cá nhân tới từ những nước có trình độ văn hóa, chi trả cao như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật… Họ có ý thức về an toàn và sức khỏe, muốn quay về với thiên nhiên. 

Việt Nam là điểm đến mới nổi ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng nhanh, du khách quốc tế tăng trung bình 18% một năm trong giai đoạn 2014-2018. Tuy nhiên, du lịch cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường ở các khu đông khách vào mùa cao điểm. Một số điểm du lịch của Việt Nam như Huế, Hội An, Mũi Né, Cà Mau… chịu cảnh sạt lở, mặn xâm nhập, mưa lũ. Nhiều khu resort bị ảnh hưởng nặng nề hoặc phải đóng cửa vì các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu. 

Vì vậy, trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 “phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương” là giải pháp để Việt Nam phát triển bền vững. 

Các tình nguyện viên nhặt rác ở bãi biển Vĩnh Lương, Nha Trang. Ảnh: Kim Yến. 

Các tình nguyện viên nhặt rác ở bãi biển Vĩnh Lương, Nha Trang. Ảnh: Kim Yến. 

Nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam có tính linh động cao nên có thể nhanh chóng áp dụng các sáng kiến mới, văn minh. Hiện tại, nhiều đơn vị đã thực hiện biện pháp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện, nước tại cơ sở lưu trú, hướng dẫn khách bảo vệ môi trường khi đi rừng leo núi như tour thám hiểm hang động tại vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình). Ở Hội An (Quảng Nam), Sơn Trà (Đà Nẵng) có tour vớt rác.

Khu nghỉ Six Senses Côn Đảo kết hợp với vườn quốc gia Côn Đảo phục hồi nhiều bãi đẻ và thực hiện bảo tồn rùa. Theo đó, một số ổ trứng trên 12 bãi biển được đưa về ấp tại resort này giúp cho trứng và rùa con được chăm sóc tốt, giảm thiểu tối đa nguy hiểm từ môi trường bên ngoài. Hoạt động thả rùa về biển ở đây thu hút được sự quan tâm của các du khách, đặc biệt là các em nhỏ. Theo thống kê, trong năm 2018 có 6 rùa mẹ tới làm tổ ở đây, 56 ổ trứng được ấp.

Nhân viên Six Senses Côn Đảo chăm sóc cho các ổ trứng rùa.

Nhân viên Six Senses Côn Đảo chăm sóc cho các ổ trứng rùa.

Ngay từ khi thành lập cách đây 14 năm, khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge đã đưa ra hình thức “lưu trú xanh”. Theo đó, nhu cầu của hiện tại được đáp ứng nhưng không tổn hại tới các thế hệ trong tương lai. Resort này từng được National Geographic bầu chọn vào danh sách top 10 khu nghỉ dành cho khách yêu môi trường. Ở đây, hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt để cung cấp một phần điện cho resort.

Trong khi đó, khu nghỉ Flamingo Đại Lải có tới 60% diện tích là cảnh quan thiên nhiên núi đồi, vườn cây, rừng thông, cánh đồng hoa, thảm cỏ xanh. Nước được dẫn sâu vào bên trong resort với hệ thống sông hồ kết nối. Mặt nước và cây xanh giúp điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm giúp nơi này có khí hậu mát mẻ. 

Công ty Exo Travel đưa ra chiến dịch nói không với đồ nhựa, áp phích. Khách du lịch được cung cấp bình đựng nước thay cho chai nhựa dùng một lần. Phương tiện di chuyển thường là các loại xe đời mới, ít gây ô nhiễm. Các tour hướng tới lựa chọn di chuyển như đi bộ, leo núi, đi xe đạp…

Nguồn: Vnexpress.net