Với 2 triệu USD mỗi năm, ngân sách cho xúc tiến, quảng bá của Việt Nam rất khiêm tốn so với Thái Lan, khi họ đầu tư 69 triệu USD.
Hội chợ Du lịch quốc tế – ITE diễn ra hồi tháng 9 vừa qua tại TP HCM do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, UBND TP HCM chủ trì, Tổng cục Du lịch cùng Sở Du lịch thành phố phối hợp tổ chức. Với mục đích ban đầu là thu hút nguồn khách đến, qua 14 kỳ, ITE dần thành nơi tìm kiếm nguồn khách trong nước ra nước ngoài của các nước trên thế giới. Trong khi, phần lớn kinh phí tổ chức ITE được lấy từ ngân sách nhà nước.
Tại gian hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, khách được trải nghiệm mặc các trang phục truyền thống của nước đó. |
Chiếm vị trí trung tâm hội chợ 2018 là gian hàng của du lịch Nhật Bản. Các địa phương của nước này cũng có 6 gian hàng tại đây. Các gian hàng của Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều được thiết kế hiện đại, hình ảnh bắt mắt đi thẳng vào quảng bá sản phẩm. Như gian hàng của Campuchia đã tạo ra sự khác biệt với mô hình tượng thần 4 mặt và đền đài mô phỏng kích thước thật, biểu diễn múa hát liên tục.
Trong khi đó, gian hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam không khác mọi năm với những bức ảnh chụp khổ lớn danh thắng treo bên trong. Có thể thấy, hoạt động quảng bá của du lịch Việt Nam đã thua ngay tại sân nhà, chưa kể khi ra thế giới.
Chi phí quảng bá, xúc tiến chưa tương xứng tiềm năng
Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng nguồn kinh phí được nhà nước cấp cho quảng bá, xúc tiến du lịch quá thấp, không đủ sức cạnh tranh, tiếp cận nguồn khách quốc tế.
Hiện ngân sách để tiếp thị du lịch của Việt Nam khoảng 2 triệu USD mỗi năm, chỉ bằng 2,9% so với Thái Lan, 2,5% so với Singapore và 1,9% so với Malaysia, theo Forbes.
Như vậy đón gần 13 triệu lượt khách vào năm ngoái, du lịch Việt Nam chỉ chi khoảng 0,15 USD mỗi đầu khách cho xúc tiến, quảng bá. Trong khi chi phí cho hoạt động này ở Thái Lan là khoảng 69 triệu USD. Với 35 triệu lượt khách năm 2017, trung bình Thái Lan bỏ ra cho mỗi đầu khách gần 2 USD.
“Việc nguồn quỹ nhiều hay ít chưa thực sự quan trọng bằng cách quảng bá và xúc tiến có chuyên nghiệp hay không. Chúng ta đã sử dụng có hiệu quả con số 2 triệu USD mỗi năm hay chưa?”, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nêu quan điểm.
Trước khi đến Việt Nam du lịch, Michalina Stovaka, người Ba Lan, cảm thấy bất an khi tìm kiếm các thông tin về điểm đến cô sắp tới cùng gia đình. “Tôi đã phải tham khảo thêm nhiều thông tin về du lịch Việt Nam từ các trang blog cá nhân, mạng xã hội của người nước ngoài”, cô nói.
Đó là những nội dung cần được kiểm chứng do không từ nguồn chính thống, nhưng Michalina Stovaka đành chấp nhận để có thể hiểu hơn về điểm đến.
Cô không phải là người hiếm hoi rơi vào tình huống như vậy khi du lịch tới Việt Nam. Các trang thông tin chính thức về du lịch Việt hiện rất nghèo nàn về nội dung, chủ yếu về quản lý nhà nước và chính sách; ngôn ngữ đa phần tiếng Việt và Anh.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel nhận định, so với trước kia, công tác xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam đã có sự đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa đủ. “Chúng ta cần tăng cường thêm ngân sách cho những hoạt động quảng bá thiết thực, và phù hợp với xu hướng thời đại như thông qua ứng dụng, mạng xã hội, trang web… hay mời các travel blogger”, bà Hoàng nói.
Đây là những hạng mục quảng bá có chi phí tiết kiệm được nhiều nước tận dụng, nhưng dường như du lịch Việt Nam lại bỏ quên.
Du khách nước ngoài mặc áo dài, chụp ảnh tại công trình nổi tiếng ở Sài Gòn. |
Chờ quỹ xúc tiến du lịch?
Quỹ xúc tiến du lịch đã được đề cập trong Luật Du lịch năm 2005, nhưng hơn 10 năm chưa được triển khai do thiếu cơ chế, hành lang pháp lý. Trong Luật Du lịch sửa đổi, được thông qua năm 2017, quỹ này được quy định cụ thể và gọi là Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Theo đó, Quỹ sẽ được hình thành từ ngân sách nhà nước cấp và bổ sung hàng năm, trích từ nguồn thu phí tham quan, phí visa…; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.
Tuy nhiên, ngoài xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài, quỹ này còn hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch và các hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng. Điều này khiến nhiều người trong ngành du lịch lo lắng quỹ bị phân tán nguồn lực.
Ông Vũ Thế Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng nên làm rõ Quỹ xúc tiến du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vì “hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau”. Đồng quan điểm, ông Lương giải thích: “Khi xác định rõ được mục tiêu trọng điểm là xúc tiến hoặc quảng bá du lịch, chúng ta sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn hơn, chẳng hạn từ các doanh nghiệp”, ông nói.
Theo nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, nội dung mà ngành du lịch Việt Nam xây dựng để đi “đánh chuông xứ người” hiện chưa phù hợp. Nếu du khách ở một thị trường thích thiên nhiên, mà những người đi xúc tiến đem nét văn hoá ra để giới thiệu thì sẽ thất bại, và ngược lại.
Kênh thông tin đến thị trường cũng chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. “Đâu phải thị trường nào cũng đến hội chợ để nhận tờ rơi. Có những nơi, du khách thích xem ti vi hoặc kênh xã hội”, ông Lương nói. Do đó, việc nghiên cứu kênh thông tin đến thị trường để xúc tiến có hiệu quả cũng rất quan trọng.
Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia (TAB) nhận định quỹ dành cho xúc tiến du lịch nên tập trung vào Digital Maketing, gồm website, facebook, google, instagram và youtube. “Việc cần làm ngay là thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch dành cho xúc tiến năm 2018, sau đó thành lập hội đồng quảng bá xúc tiến du lịch để quản lý và vận hành quỹ, dựa trên nền tảng hợp tác công – tư”, đại diện TAB đề xuất.
Nguồn: Vnexpress.net