Du lịch Việt Nam: hãy bớt ‘tự sướng’ về những con số

0
9
Du lịch Việt Nam: hãy bớt tự sướng về những con số - Ảnh 1.

Du lịch Việt Nam: hãy bớt tự sướng về những con số - Ảnh 1.

Du khách tham quan Hội An, một điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Nam – Ảnh: T.T.D.

Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Văn Mỹ, ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, về vấn đề này.

Thành phố Bangkok (Thái Lan) vừa được công bố là điểm đến dẫn đầu về số lượng du khách quốc tế. Singapore và Kualar Lumpur (Malaysia) cũng trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.

Năm 2017, Việt Nam đón 12,9 triệu khách quốc tế và hơn 73 triệu khách nội địa. Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á.

Thế nhưng…

Những con số nhảy nhót

Theo số liệu của Sở Du lịch, năm 2017 TP.HCM đón 6,4 triệu khách quốc tế, 24,9 triệu khách nội địa. Doanh thu gần 116.000 tỉ đồng. Mức chi tiêu trên mỗi khách 3.706.000 đồng, cao nhất nước.

Doanh thu du lịch xếp thứ 2 là Hà Nội với 70.958 tỉ đồng nhưng chi tiêu đầu khách chỉ là 2.978.000 đồng. Tỉnh Khánh Hòa dù doanh thu chỉ 17.300 tỉ đồng nhưng chi tiêu đầu khách là 3.145.000 đồng (cao hơn Hà Nội).

Thấp nhất là tỉnh Thái Nguyên, chỉ 139.000 đồng/khách dù lượng khách theo thống kê hơn 2,2 triệu người. Đồng Tháp có trên 3,3 triệu lượt khách/năm nhưng chi tiêu chỉ 197.000 đồng/khách.

13 tỉnh miền Tây chưa tỉnh nào có chi tiêu đầu khách tới 900.000 đồng.

Ngạc nhiên nhất là các thành phố như Cần Thơ đón 7,5 triệu khách nhưng chi tiêu chỉ 386.000 đồng/khách. Hải Phòng đón hơn 7 triệu khách, chi tiêu là 390.000 đồng/khách. Ninh Bình đón 7 triệu khách, chi tiêu mỗi khách là 358.000 đồng…

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch Việt Nam năm 2017 là 515.000 tỉ đồng. Đối chiếu số liệu này với các tỉnh thành lại bất cập. TP.HCM chiếm 6,4 triệu/12,9 triệu khách quốc tế và 24,9 triệu/73 triệu khách nội địa, nhưng doanh thu chỉ chiếm khoảng 1/4 của cả nước.

Tôi đã cố thử cộng doanh thu của 63 tỉnh, thành (theo số liệu báo cáo của các sở) thì cũng không lấy đâu ra cho đủ 515.000 tỉ đồng. Khoảng 1/3 tỉnh thành có tổng doanh thu du lịch năm 2017 dưới 1.000 tỉ đồng.

Thử tính doanh thu từ du lịch các tỉnh thành, trừ đi doanh thu từ khách nước ngoài, nguồn thu từ khách trong nước quá ít ỏi. “Dân trong ngành” nhiều người không tin những con số thống kê về sự tăng trưởng của du lịch Việt, hoặc rất muốn tìm những số liệu hợp lý, đủ tin cậy cũng quá khó!

Triệu khách, mỗi người chi vài trăm ngàn

Có một thực tế trong ngành du lịch: các tỉnh có lượng khách du lịch lớn nhưng doanh thu chi tiêu đầu người thấp đều là những địa phương có nhiều lễ hội.

Việt Nam hiện có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Các lễ hội này thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt khách nhưng nhiều hoạt động miễn phí, khách đến rồi đi nên doanh thu thấp.

Nhiều lễ hội thường gắn với các ngày lễ, các sự kiện địa phương mục đích chính là phục vụ người dân địa phương. Nhiều lễ hội tốn tiền tỉ, chi nhiều nhưng thu về không bao nhiêu. Chưa kể sau mỗi mùa lễ hội nơi nơi ngập rác.

Ở nhiều tỉnh khi tổ chức lễ hội lớn, khách sạn tại chỗ thường không đủ phục vụ khách mời và quan chức, không đủ dịch vụ phục vụ du khách nên không hấp dẫn du khách ở lại. 

Lại có nhiều điểm chùa, núi rất đông khách thập phương nhưng khách đi kiểu hành hương, ngay cả thức ăn cũng mang theo.

Đông khách nhưng nguồn thu không đáng kể. Cái được là con số thống kê, báo cáo về số khách đã đến địa phương! Lại còn có những tỉnh thống kê cả số người tham gia các lễ hội chào mừng các ngày kỷ niệm địa phương mình vào thành số du khách.

Khách du lịch được tính dựa vào dịch vụ lưu trú. Còn cách thống kê ở ta vẫn tính theo số lượt người đến các điểm du lịch, số người tham gia các sự kiện. Thành ra con số thống kê có thể lớn hơn thực tế rất nhiều, trong số này có không ít người địa phương.

Các số liệu thống kê về số lượng du khách, doanh thu ngành du lịch cần chi tiết và khoa học hơn. Trên cơ sở đó mới có thể tính mức tăng trưởng hằng năm. Từ đó có chiến lược và cách làm phù hợp cho việc phát triển du lịch bền vững.

Cần có cơ quan giám sát độc lập, như hiện nay các con số tăng giảm khó tin. Cần đánh giá hiệu quả phát triển dịch vụ du lịch dựa theo số ngày khách lưu trú, doanh thu và mức chi tiêu trên đầu mỗi khách du lịch.

Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mức nào? Mong hãy bớt “tự sướng” với những con số về tổng lượt khách, đó là những con số trong các văn bản báo cáo.

Mức tăng trưởng kỷ lục của du lịch Việt Nam là 34,8% vào năm 2010, sau đó tụt giảm. Năm 2015, mức tăng trưởng chỉ còn 0,9%, năm 2016 nhảy vọt lên ở mức 26% và 29,1% năm 2017.

Tăng trưởng năm nay dự kiến ở mức hai con số.

Bangkok (Thái Lan) dẫn đầu lượng du khách quốc tế

Công ty Mastercard (Mỹ) vừa công bố kết quả khảo sát thực hiện tại 162 thành phố trên thế giới.

Bangkok (Thái Lan), London (Anh) và Paris (Pháp) là 3 điểm đến dẫn đầu lượng khách du lịch quốc tế, số lượt du khách lần lượt là 20,05 triệu, 19,83 triệu và 17,44 triệu.

Góp mặt trong top 10 có 3 thành phố của Asean, ngoài Bangkok dẫn đầu còn có Singapore hạng 5 với 13,91 triệu lượt khách, Kualar Lumpur (Malaysia) hạng 7 với 12,58 triệu lượt khách.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn