Theo PGS-TS Phạm Trung Lương (ảnh) – nguyên Phó viện trưởng Viện Du lịch (Bộ VH-TT-DL), nhiều nơi đang có tình trạng không có ai cầm trịch trong liên kết du lịch.
Các tài nguyên du lịch đang bị đứt quãng. Ngay cả khi nó ở cạnh nhau chúng ta cũng không kết hợp được thành tour tuyến dài. Hạ Long – Cát Bà, Hội An – Mỹ Sơn hay Thành nhà Hồ đứt rời ra. Trong khi hoàn toàn có thể tạo liên kết đó. Vấn đề ở đâu, thưa ông?
Liên kết phát triển du lịch là một nguyên lý không thể thiếu trong hoạt động phát triển du lịch. Nhiều hội thảo, hội nghị về liên kết rồi, tour Tây Bắc, tour di sản miền Trung nói hết rồi. Ý tưởng thì rất hay, nhưng hiện thực thì không thực hiện được. Địa phương với địa phương thì ngang nhau, mà cũng không ai coi ai hơn mình, và cũng chỉ nghĩ đến lợi ích địa phương mình thôi. Điều đó dẫn đến việc trong liên kết du lịch không ai cầm trịch cả.
Thứ hai nữa là trong liên kết, muốn liên kết sản phẩm cần có một hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ giữa các điểm trong tour. Đó có thể là đường bộ, đường sắt, đường thủy… Hiện nay, chất lượng của hệ thống giao thông liên kết đó không đồng bộ. Điều đó cũng gây cản trở doanh nghiệp có thể xây dựng tour có tính kết nối các điểm đến. Nếu có thì nó lại trở nên quá đắt đỏ nên doanh nghiệp cũng không hào hứng trong việc thiết kế các tour như vậy.
PGS – TS Phạm Trung Lương |
Doanh nghiệp cũng chưa hồ hởi vì điểm đến đó, liên kết đó chưa có gì tương xứng. Ví dụ như Thành nhà Hồ, đến đó có gì mà nói. Hay Mỹ Sơn cũng có cái mà nói nhưng nó lại là phế tích. Nếu chỉ đến ngó và nói thì khó hấp dẫn. Đường đến lại xấu, không gian lại nóng. Nhưng nếu được đầu tư, có thể sẽ khác. Chẳng hạn, nếu đầu tư công nghệ thực tế ảo cho Thành nhà Hồ, di sản đó trở nên sống động. Hay nếu dựng lại hình ảnh đế chế Champa ngày xưa cho Mỹ Sơn thì sẽ rất tuyệt. Công nghệ đó mình lại chưa làm.
Là đơn vị quản lý nhà nước, vai trò tạo cú hích hay can thiệp chính sách của Tổng cục Du lịch như thế nào trong việc tạo tour liên kết vùng, liên kết di sản, thưa ông?
Tổng cục Du lịch cũng hô hào thế thôi. Hiệp hội Du lịch cũng không thể làm gì nếu doanh nghiệp không muốn. Nhưng nếu doanh nghiệp không thấy có lợi thì không làm.
Chúng ta có nhiều di sản thiên nhiên, hỗn hợp, phi vật thể. Dường như tiềm năng đó chưa được khai thác hiệu quả cao trong du lịch?
Di sản phi vật thể cảm giác như chỉ hoành tráng khi nhận danh hiệu thôi. Quan họ, ca trù, đờn ca tài tử… Chỉ có đờn ca tài tử sống thật vì nó ăn vào máu thịt của người miền Tây. Còn lại thì tuy độc đáo nhưng không ổn. UNESCO công nhận nhưng chúng ta không phục hồi nó rực rỡ được lại. Hát xoan khá tốt nhưng cũng chỉ trong địa phương thôi. Quan họ ở làng gốc quan họ, chúng tôi lên mô hình để làm du lịch cộng đồng mà có ai đầu tư đâu. Đã là di sản thế giới thì quốc gia phải có trách nhiệm. Nhưng đã có mấy đầu tư để nó phát triển thành sản phẩm du lịch đâu. Trong khi các nghệ nhân cao tuổi rồi, muốn truyền lại cũng khó. Các cụ mất là mang đi hết. Nếu Tổng cục Du lịch tâm huyết thì phải tìm cách phục hồi nó thành sản phẩm du lịch.
Ở Hội An, có sản phẩm sân khấu thực cảnh mới là Ấn tượng Hội An. Người ta đặt ra mục tiêu có sản phẩm du lịch mới. Nhưng nó lại ảnh hưởng môi trường của khu dự trữ sinh quyển cũng như chính phố cổ Hội An. Thế thì trách nhiệm lại rất rộng, của quản lý nhiều ngành.
Từ góc độ bảo tồn, phải có sự liên kết bảo vệ giữa địa phương và Bộ VH-TT-DL. Cục Di sản có trách nhiệm, Tổng cục Du lịch cũng có trách nhiệm điều phối. Như vậy là Bộ VH-TT-DL cũng có trách nhiệm.
Kinh nghiệm của các nước như thế nào về liên kết vùng, thưa ông?
Khi đưa ra vấn đề được cấp thẩm quyền phê duyệt, họ sẽ có nguồn lực kèm theo. Họ cũng ý thức được trách nhiệm phải liên kết, tránh cát cứ địa phương. Dù anh có nguồn lực mà cứ muốn cát cứ thì khó phát triển. Cái đó ở VN khó. Họ phải làm thế nào để liên kết tạo thành chuỗi, để khai thác cái thậm chí không phải tài nguyên của mình.
Ngay trong khu vực thôi, có thể thấy liên kết rõ ở Singapore. Bản thân họ không có nhiều tài nguyên. Nhưng họ đã có ý thức phải tạo chuỗi liên kết, không chỉ các điểm trong nước với nhau mà còn liên kết với các nước trong khu vực, tạo thành chuỗi có lợi cho các bên. Trong chuỗi đó Singapore là chủ xị về ý tưởng, và đầu tư khó khăn mà các nước kia chưa đáp ứng được. Nhờ đó hình thành những dòng khách đến Singapore, rồi họ lại đưa đến các điểm liên kết của các nước bên cạnh. Đương nhiên, nhiều nước cùng có lợi nhưng Singapore là nước có lợi nhất vì là người điều phối.
Nguồn: Thanhnien.vn