Các sự cố gây ấn tượng xấu với quốc tế khiến khách Việt Nam gặp rào cản khi muốn xuất ngoại.
Tại diễn đàn “Du lịch outbound Việt Nam – Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 29/3 tại Hà Nội, lãnh đạo ngành du lịch cùng các doanh nghiệp đã đánh giá những bước phát triển, chỉ ra thực trạng và tìm kiếm giải pháp cho loại hình này.
Theo một số hãng lữ hành, du lịch outbound (đưa khách ra nước ngoài) ít nhận được sự quan tâm hơn so với các hoạt động du lịch trong nước và đón khách quốc tế đến Việt Nam. “Dường như du lịch outbound vẫn bị coi là không cần thiết, không khuyến khích, là chảy máu ngoại tệ”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc công ty Transviet, nhận xét.
Vụ việc 148 người mất tích khiến Đài Loan ngừng cấp visa Quan Hồng cho khách Việt Nam một thời gian. Ảnh: Apple Daily. |
Những hệ luỵ của sự thiếu quan tâm được chỉ ra như việc núp bóng du lịch để đưa lao động Việt đi làm việc trái phép ở nước ngoài, nhất là ở các nước và vùng lãnh thổ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ… và điển hình nhất là vụ đoàn khách Việt mất tích ở Đài Loan cuối năm 2018.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, coi đây là hành động xấu hổ, phá hỏng hình ảnh tốt đẹp mà Việt Nam đang cố gắng xây dựng với quốc tế.
Đại diện Saigontourist nhắc đến vấn đề quá tải tại các sân bay ở Việt Nam trong mùa du lịch cao điểm khiến các chuyến bay bị chậm và doanh nghiệp phải bồi hoàn tiền cho khách mua tour do lịch trình thay đổi vào giờ chót.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chỉ ra những hình ảnh xấu xí của người Việt ở nước ngoài như mất trật tự nơi công cộng, chen lấn, vứt rác bừa bãi và ăn cắp vặt.
Vấn đề an toàn cho du khách Việt ở nước ngoài vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các đại biểu dẫn chứng những vụ du khách Việt bị cướp bóc, gặp tai nạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá tour để hút khách nhưng cung cấp dịch vụ, điểm đến kém chất lượng.
Các công ty cho biết, những thực trạng trên dẫn đến hậu quả trực tiếp là một số quốc gia cảm thấy quan ngại, hạn chế cấp visa cho người Việt với những thủ tục phức tạp.
Du lịch outbound là loại hình đang bùng nổ tại Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là tới các nước châu Á. Hiện nay, số lượng du khách Việt đi Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường khách quốc tế đến Hàn Quốc, trung bình khoảng 30 – 40% mỗi năm, trong giai đoạn 2016 – 2018. “Việt Nam trở thành thị trường trọng điểm của du lịch Hàn Quốc. Hiện có gần 2.100 chuyến bay thẳng mỗi tháng giữa hai nước”, bà Nguyễn Thu Quyên, đại diện Tổng cục du lịch Hàn Quốc nói.
Phía Hàn Quốc đánh giá nước này đang thành công khi tạo được sức ảnh hưởng đến người Việt Nam trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa và cả lối sống, biểu hiện qua việc giới trẻ ngày nay nghe nhạc Hàn, ăn mặc phong cách Hàn. “Hai năm trở lại đây, nhiều người Việt đã sang Hàn để tìm đến các dịch vụ làm đẹp”, bà Quyên cho biết thêm. Bên cạnh đó, thành công của HLV Park Hang-seo và các cầu thủ bóng đá Việt Nam cũng là một lý do thúc đẩy du lịch giữa hai nước thời gian gần đây.
Nhật Bản, Hàn Quốc là những điểm đến hàng đầu của khách Việt Nam, nhất là vào mùa xuân và mùa thu. Ảnh: DevianArt. |
Tổng cục du lịch Nhật Bản thông báo, trong các nước ASEAN, Việt Nam là thị trường có tỷ lệ tăng trưởng cao với gần 390.000 lượt người đến Nhật Bản trong năm 2018, tăng 26% so với năm trước. Nhật Bản chia sẻ mục tiêu đạt 1,5 triệu lượt khách trao đổi hai chiều trong tương lai với các hoạt động truyền thông, quảng bá điểm đến.
Giải pháp trước mắt được nhiều đại biểu đồng thuận nhất là thực hiện công tác kiểm tra, rà soát việc cấp phép hoạt động cho các công ty du lịch outbound. Lãnh đạo ngành du lịch và các doanh nghiệp coi du lịch outbound là xu hướng, cần được mở rộng phát triển nhưng phải có sự chọn lọc để tránh việc cấp phép tràn lan gây hậu quả xấu.
Diễn đàn cũng đưa ra những đề xuất như nâng cao nhận thức của người Việt Nam khi ra quốc tế, bảo đảm an toàn, an ninh cho du khách và xây dựng các chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn hành vi lợi dụng du lịch để vi phạm pháp luật nước sở tại.
Kiều Dương
Nguồn: Vnexpress.net