(VTC News) – Ông Kenneth Atkinson – Chủ tịch Điều hành Grant Thornton cho biết, trong năm ngoái, có 4,9 triệu du khách quốc tế và 19 triệu khách nội địa đến Hà Nội, con số tương ứng tới TP.HCM là 6,4 và 31 triệu du khách.
Chiều 5/12, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) đã tổ chức Diễn đàn Du lịch Cấp cao Việt Nam 2018 tại Hà Nội.
Nhiều quốc gia thèm muốn tăng trưởng du lịch như Việt Nam
Trong khuôn khổ sự kiện, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch. Từ năm 1986, ngành du lịch là trọng tâm, mũi nhọn trong sự phát triển chung của cả nước.
Cụ thể, năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, năm 2017 đón trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa tăng 72 lần.
Đây là một con số đáng nể của ngành du lịch Việt Nam. Bởi lẽ, Thái Lan cần tới 30 năm để đạt 20 triệu khách, trong khi Việt Nam chỉ cần 7 năm để đạt được con số này.
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam nhận định, việc Việt Nam tăng trưởng từ 12,6 triệu lượt năm 2017 lên 16 triệu lượt năm 2018 là tín hiệu khả quan.
“Nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khả năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại”, ông dự báo.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng khẳng định, Chính phủ giao thực hiện một số đề án phát triển du lịch, trong đó xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 là nhiệm vụ đầu tiên phải làm. Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua đề án cơ cấu lại ngành du lịch. Đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực.
Trong những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Đối với mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025, ông Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tổng thu sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp.
Để đạt mục tiêu này, Chính Phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn đọng trong ngành du lịch hiện tại. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể với phương thức ra sao, công tác điều phối của du lịch cả nước thế nào sẽ là vấn đề then chốt cần giải đáp trong thời gian tới.
Thứ trưởng nhận định, Diễn đàn sẽ đặt nền móng xây dựng và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Ông Lê Quang Tùng kỳ vọng tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ nêu ra những ý kiến, đề xuất, giải pháp để ngành du lịch Việt Nam tìm ra hướng đi mới.
TP.HCM đang là điểm thu hút du khách hàng đầu tại Việt Nam
Ông Kenneth Atkinson – Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam cho biết, Hà Nội có 4.000 điểm thu hút khách du lịch nhưng trong năm 2017 chỉ đón 4,9 triệu lượt khách quốc tế, gần 19 triệu lượt khách nội địa đến Hà Nội. Vị chuyên gia này nhận định, tiện ích của thành phố được nâng cao nhưng số lượng vẫn còn ít.
Trong khi đó, TP.HCM là trung tâm thương mại của Việt Nam và có ít điểm thu hút khách du lịch hơn Hà Nội, song số lượng khách du lịch đến đây cao gấp rưỡi so với Thủ đô. Cụ thể, năm 2017, thành phố chào đón hơn 31 triệu du khách, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Khoảng 6,4 triệu du khách là người nước ngoài.
Với Đà Nẵng, thành phố này đang phát triển du lịch rất mạnh mẽ. Tính đến tháng 6/2018, Đà Nẵng có 720 cơ sở lưu trú với hơn 30.000 phòng. Trong số này, 59 là khách sạn hạng sang, khu nghỉ dưỡng với gần 9.500 phòng.
Tiếp tục nhận xét về những điểm nóng du lịch Việt Nam, ông nhận định, Nha Trang là thị trường đặc thù, trước đây là khu nghỉ dưỡng ven biển đẹp nhất Việt Nam và ngày càng vươn ra tầm quốc tế. Nhiều khu vực có hạ tầng tốt với 67 khách sạn 4-5 sao cùng với một số dự án đang phát triển. Năm 2017, khoảng 3,4 triệu khách nội địa và 2 triệu khách quốc tế tới Khánh Hòa, tăng 20% so với năm 2016, trong đó, khách hàng Nga, Trung Quốc chiếm phần lớn.
Nhắc đến Phú Quốc, Kennenth ví nó như một viên ngọc quý của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, cách phát triển hiện nay khiến Phú Quốc không được như trước. Dù vậy, Đảo Ngọc vẫn là nơi nghỉ dưỡng thú vị dành cho du khách.
Phú Quốc đón khoảng 2,6 triệu khách du lịch nội địa và 319.000 khách quốc tế năm 2017, tăng 11,8% so với năm 2016. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có thể cấp Visa cho mọi khách du lịch trên thế giới. Nhiều khách sạn cũng đang được xây dưng nhưng chưa có nhiều đường bay quốc tế. Dù còn nhiều hạn chế, ông Kennenth vẫn cho rằng, đây là thị trường quan trọng mà Việt Nam cần hướng tới.
Ông Kenneth nhấn mạnh Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề, đó là chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường (nguồn khách); xây dựng cụm, tổ hợp, hướng tới tương lai (chân thực hơn, số hóa hơn); tập trung vào chất lượng chứ không chỉ tập trung vào số lượng; tận dụng cơ hội từ những nền kinh tế mới, kênh phân phối mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa việc phá vỡ cảnh quan.
>>> Đọc thêm: Nở rộ tour sang Philipines xem đội tuyển Việt Nam đá bán kết
Thăm đảo Cát Ông, du khách bị ép mua vé vịnh Lan Hạ: Hải Phòng thông tin mới nhất
UBND TP Hải Phòng vừa thông báo kết quả kiểm tra, xác minh thông tin vụ việc thăm đảo Cát Ông, khách du lịch bị ép mua vé vịnh Lan Hạ (Cát Bà).
Nở rộ tour sang Philipines xem đội tuyển Việt Nam đá bán kết
Các công ty lữ hành nhanh chóng tung gói tour xem bóng đá phục vụ người hâm mộ khi trận bán kết lượt đi AFF Cup 2018 giữa ĐTQG Việt Nam và Philippines chỉ còn vài ngày nữa sẽ khởi tranh.
Nguồn: Vtc.vn