[kdn-video]
VTV.vn – Theo các nhà nghiên cứu, đây là tốc độ tuyệt chủng lớn nhất từng được ghi nhận kể từ khi khủng long bị xóa sổ trên Trái Đất.
Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, các loài động vật và thực vật trên Trái Đất đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng với tốc độ nhanh nhất kể từ khi khủng long bị xóa sổ cách đây 66 triệu năm. Theo như dự kiến của các nhà khoa học, hơn 500 loài sinh vật sẽ biến mất mãi mãi chỉ trong vòng 20 năm ngắn ngủi sắp đến.
Nghiên cứu này được công bố trên tập san Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, nêu ra rằng sự suy giảm với tốc độ tăng vọt như vậy phần lớn là do các hoạt động của con người, như tàn phá rừng hay săn bắt quá mức. 2% trong số 515 loài được khảo sát trong nghiên cứu hiện đang trên bờ tuyệt chủng.
Giáo Paul Ehrlich của Đại học Stanford, đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ: “Công cuộc bảo tồn các giống loài khan hiếm nên được các chính phủ và tổ chức nâng tầm lên mức thành vấn đề khẩn cấp của quốc gia và toàn cầu”.
Tê giác Sumatran là một trong số các loài động vật bị đe dọa sự sống nghiêm trọng (Ảnh: Rhett Buttler)
Để so sánh thì con số này xấp xỉ số lượng các loài động vật có xương sống biến mất trong toàn bộ thế kỷ 20. Vào năm 2015, giáo sư Ehrlich đã phát biểu rằng cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 trong lịch sử Trái Đất đã bắt đầu.
Các nhà nghiên cứu đã nêu cụ thể các loài động vật như tê giác Sumatran, chim tiêu đảo Clarion, rùa khổng lồ Espanola và ếch Harlequin là những giống sinh vật đang cực kỳ khan hiếm. Theo như ước tính của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, chỉ còn 80 cá thể tê giác Sumatran trên hành tinh đang sống tại Indonesia. Trong khi đó, rùa khổng lồ Espanola đã được xếp vào Sách đỏ IUCN vì chỉ còn tổng cộng từ 100 đến 200 cá thể.
Bên cạnh đó, 84% những loài có số lượng hạn chế (dưới 5000 cá thể) lại còn đang sinh sống gần các loài đặc biệt quý hiếm (chưa đến 1000 con một loài), khiến cho áp lực về một chuỗi phản ứng dây chuyền trong hệ sinh thái càng cao hơn. Các tác giả đã mô tả tình trạng này như là “một sự tuyệt chủng tạo đà cho một sự tuyệt chủng khác”.
Người biểu tình nâng cao ý thức về biến đổi khí hậu và sự suy giảm chất lượng hệ sinh thái
Nhà bảo tồn và sinh thái học Gerardo Ceballos, tác giả chính của nghiên cứu phát biểu: “Những gì chúng ta thực hiện trong việc đối mặt với khủng hoảng tuyệt chủng trong vòng 2 thập kỷ tới sẽ quyết định số phận của hàng triệu sinh vật. Chúng ta đang có cơ hội cuối cùng để đảm bảo rằng những ưu đãi mà tự nhiên ban tặng cho loài người không bị phá hoại một cách đáng tiếc”.
Một nghiên cứu khác công bố vào tháng 2 đã chỉ ra rằng, tình trạng biến đổi khí hậu có thể “quét sạch” một nửa số động thực vật trước năm 2070. Nếu như nhiệt độ trung bình của thế giới tăng thêm 0,5 độ C, khoảng một nửa các giống loài trên hành tinh sẽ bị tuyệt chủng cục bộ. Nếu con số đó tiến đến mức 2,9 độ C, 95% loài sẽ biến mất.
Nguồn: Vtv.vn