Khu di tích có nhiều di chỉ văn hóa của vương quốc Phù Nam cổ xưa tồn tại cách đây trên 1.500 năm.
Tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chấp thuận việc lập hồ sơ đề cử Khu di tích Gò Tháp gửi UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của tỉnh.
Gò Tháp (huyện Tháp Mười) được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012 với loại hình khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật.
Lễ hội tại khu di tích Gò Tháp. Ảnh: Dongthaptourism. |
Có diện tích bảo tồn khoảng 300 ha, khu di tích Gò Tháp gồm các cụm chính: Gò Tháp Mười, Gò Minh Sư, Gò Bà Chúa Xứ, Miếu Hoàng Cô, đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, hố thám sát… Theo các nghiên cứu, nơi đây chứa đựng nhiều di chỉ văn hóa của vương quốc Phù Nam cổ xưa tồn tại cách đây trên 1.500 năm, mà ngày nay các nhà khảo cổ gọi là văn hóa Óc Eo.
Một số hiện vật đã được tìm thấy như bộ tượng thần Hindu giáo (trong đó có hai tượng thần Vishnu tìm thấy ở di tích Gò Tháp Mười đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia), tượng Phật gỗ, bộ sưu tập hơn 400 hiện vật bằng vàng gồm các lá vàng, khuyên tai, nhẫn, dây chuyền… Trong đó có bộ sưu tập 49 hiện vật vàng đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Bộ sưu tập vàng Óc Eo – Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam”.
Hàng năm, di tích Gò Tháp tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của Bà Chúa Xứ – ngày 15/3 Âm lịch và hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương, Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều – ngày 15/11 Âm lịch. Nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh và trình diễn dân gian được tổ chức dịp này.
Tỉnh Đồng Tháp cho rằng nếu bổ sung Khu di tích Gò Tháp vào hồ sơ đề cử cùng với Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) sẽ tăng thêm tính toàn vẹn và tính xác thực của Di sản văn hóa Óc Eo ở Nam bộ.
Nguồn: Vnexpress.net