Lượng khách lưu trú sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến nhiều khách sạn phải cho nhân viên nghỉ việc, hoặc thậm chí rao bán bất động sản.
Ông Nguyễn Hoàng, đại diện tập đoàn Siverland đang quản lý nhiều khách sạn tại các quận trung tâm TP HCM cho hay, bắt đầu từ cuối tháng 3/2020, hơn 50% số khách sạn mà đơn vị đang quản lý sẽ phải tạm ngừng hoạt động để sửa sang, bảo dưỡng hệ thống điện, nước và đào tạo nhân sự.
“Thời điểm này, lượng khách đến TP HCM không có nhiều. Vì thế chúng tôi quyết định sẽ dừng phục vụ khách tại 5/9 khách sạn mà tập đoàn đang quản lý. Những khách đã đăng ký, chúng tôi sẽ tập trung lại tại những khách sạn còn hoạt động”, ông Hoàng nói.
Khu phố Hàn Quốc tại quận 7, TP HCM bị ảnh hưởng mạnh bởi vắng du khách. Trong ảnh là một khách sạn ngưng hoạt động chiều 19/3. Theo Sở Du lịch TP HCM, tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống và các cơ sở mua sắm trên địa bàn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%; kinh doanh hội nghị giảm 60,8%; kinh doanh nhà hàng, tiệc… giảm 60%. Ảnh: Nguyễn Nam. |
Ông Lê Văn Sơn, đại diện Chi hội khách sạn thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho biết, nhiều khách sạn trên địa bàn thời điểm này không có khách lưu trú nên tiến hành trùng tu.
Sở Du lịch Khánh Hòa và Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ thực hiện chương trình đạo tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự ngành du lịch thông qua chương trình trực tuyến, dự kiến đưa vào thực hiện trong tháng 4. “Một phần mềm về đào tạo sẽ được phối hợp xây dựng. Nhân sự trong các lĩnh vực du lịch sẽ tham gia lớp học. Chúng ta đảm bảo thực hiện không tụ tập đông người mà nhân sự du lịch vẫn được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ”, ông Sơn nói.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, gần như không có khách đặt phòng mới tại các khách sạn đến đầu tháng 6. Công suất khách sạn của thành phố hiện nay chỉ còn khoảng 10 – 20%. Nhiều doanh nghiệp hiện phải đứng giữa hai lựa chọn: dừng hoạt động hay cầm cự qua mùa dịch.
Tại phố cổ Hà Nội, gần 20.000 lượt khách quốc tế, hơn 19.000 lượt khách nội địa đã hủy tour đến thủ đô vì lo ngại dịch bệnh. Từ đó kéo theo gần 56.000 đêm phòng tại các cơ sở lưu trú bị hủy, số lượng khách đặt phòng hủy tương ứng gần 78.000 lượt. Một số doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ và tạm ngừng hoạt động.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc chuỗi khách sạn 3 sao Hanoi Emerald Waters Hotel, cho biết hiện tại doanh thu mỗi ngày chỉ đạt một đến ba triệu đồng, trong khi phải cân đối nhiều chi phí khác. Covid-19 khiến toàn bộ 9 khách sạn cùng hệ thống bị ngưng trệ, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng nên bà phải đóng cửa 4 cơ sở và cắt giảm khoảng 50% nhân sự.
Ở nơi luôn tấp nập du khách như Sa Pa (Lào Cai), tình cảnh cũng không khá hơn khi một khách sạn 3 sao ngay tại trung tâm phải treo biển rao bán. Đại diện khách sạn này cho biết, cơ sở lưu trú có 58 phòng kinh doanh, 5 phòng phụ trợ. Đi vào hoạt động từ tháng 6/2017, công suất phòng bình quân mỗi năm khoảng 70%. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 buộc ông phải đóng cửa và quyết định rao bán với giá 110 tỷ đồng.
Hệ thống các khách sạn lớn cũng lâm vào cảnh bi đát vì vắng khách. Đại diện Sun Group cho biết, tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn giảm mạnh, chỉ còn 10 – 20%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người lao động.
Trong khi đó, Vinpearl đã quyết định đóng cửa tạm thời bảy khách sạn ở Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc để duy tu, bảo trì nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đơn vị này sở hữu 43 cơ sở lưu trú trên toàn quốc, cùng khoảng 17.000 phòng khách sạn và biệt thự du lịch.
Nguyễn Nam
Nguồn: Vnexpress.net