Điểm yếu khiến du lịch Việt Nam kém cạnh tranh

0
9

Việt Nam nên tập trung vào ưu tiên trong lĩnh vực du lịch, chất lượng hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực và thị trường lao động.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch – lữ hành của WEF 2019, du lịch Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2017, lên vị trí 63/140, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Sự tăng hạng chủ yếu nhờ cải thiện của các nhóm chỉ số về mức độ mở cửa đối với quốc tế, hạ tầng vận tải hàng không…

Tuy nhiên, một số nhóm chỉ số của Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp, thiếu tính cạnh tranh như mức độ ưu tiên trong lĩnh vực du lịch, hạ tầng dịch vụ du lịch, sự bền vững về môi trường…

Các chỉ số tại báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam. Xem lớn hơn tại đây.

Các chỉ số tại báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam. Xem lớn hơn tại đây.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Lê Quang Tùng trong một cuộc họp ngày 12/11 ở Hà Nội đã yêu cầu Tổng cục Du lịch chỉ rõ nguyên nhân khiến những chỉ số của Việt Nam còn bị xếp hạng thấp và đưa ra giải pháp để cải thiện.

Theo bà Trần Bảo Trân, Giám đốc khu vực châu Á Diễn đàn du lịch toàn cầu, xu hướng hiện nay, khách ưu tiên chọn chuyến đi tuân thủ các vấn đề môi trường thông qua chương trình tour. Trong đó, họ quan tâm đến các cơ sở lưu trú thực hiện tiêu chí Go Green, các khu du lịch vui chơi giải trí có hành động bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên hiện nay chỉ số môi trường bền vững của du lịch Việt Nam bị đánh giá thấp nhất (121/140), dù đã được nâng hạng so với năm 2017.

“Điều cần thiết nhất là tuân thủ về các giá trị môi trường bền vững để làm nền tảng. Nhằm cải thiện tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường trong quá trình khai thác và vận hành, Chính phủ cần có chương trình hành động và truyền thông cụ thể từ chính sách của quốc gia về môi trường trong du lịch”, bà Trân nói.

Ngoài ra, để cải thiện chỉ số cạnh tranh ở những nhóm có mức thấp, đại diện của Diễn đàn du lịch toàn cầu cho rằng phải phối hợp nguồn tài chính từ các ngành có liên quan đến du lịch như môi trường, giáo dục, giao thông, công nghệ… Mỗi chương trình hành động sau đó đều phải được đánh giá tính hiệu quả tương ứng với tiêu chí của các tổ chức du lịch toàn cầu để chọn lọc lại, sao cho phù hợp. Với chỉ số về hạ tầng dịch vụ du lịch, từng địa phương cần phân tích rõ thị trường để thu hút đầu tư cơ sở lưu trú theo xu hướng du lịch hiện nay.

Theo ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Việt Nam cũng phải cải thiện năng lực cạnh tranh giữa các điểm đến ở Việt Nam. Theo đó, cần thành lập Tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần; xây dựng quy hoạch du lịch điểm đến; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá và xúc tiến và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực.

Từ đó, điểm đến là nơi người dân cộng đồng sinh sống và khách du lịch tham quan. Khi điểm đến làm tăng sự hài lòng của khách du lịch, thu hút khách chi tiêu cao hơn và ở lâu hơn, khách quay trở lại nhiều hơn, khi đó du lịch Việt Nam sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Việt Nam tổ chức diễn đàn cấp cao du lịch lần 2
 
 

Việt Nam tổ chức diễn đàn cấp cao du lịch lần 2

Nguyễn Nam

Nguồn: Vnexpress.net