Cuộc sống yên bình ở vùng sông nước Cửu Long – Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
Tại Phnom Penh, dòng sông chia hai nhánh lớn đổ vào đất Việt: sông Mekong (sông Tiền) và sông Ba Thắc (sông Hậu).
Dòng Tiền Giang chia thành hai nhánh là sông Tiền và sông Cổ Chiên, đổ ra Biển Đông qua sáu cửa: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu.
Dòng Hậu Giang đổ ra Biển Đông qua ba cửa: cửa Định An, cửa Ba Thắc và cửa Trần Đề. Chín nhánh sông ấp ôm và nuôi nấng đồng bằng Nam Bộ bằng sữa ngọt phù sa, tạo nên hình ảnh chín vị rồng thiêng trấn giữ đất lành.
Nhưng, nhiều người vẫn bảo: Chín Rồng còn đâu nữa, đã có cửa sông bị bồi lấp mất rồi!
Lên đường…
Từ nguồn thông tin đáng tin cậy trên báo Tuổi Trẻ năm 2015: “Nơi cửa sông đã mất” (Tấn Đức – Yến Trinh), tôi ghi nhớ lời diễn giải của chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam: “Hậu duệ” của sông Ba Thắc giờ là sông Cồn Tròn, nhưng ngày trước con sông này sâu và rộng hơn gấp nhiều lần.
Do biến đổi dòng chảy, dòng sông không đủ năng lượng để vùng vẫy đẩy phù sa ra biển, nên cửa sông bị bồi lắng nhanh và hình thành nhiều cồn bãi như hiện nay”.
Vậy là nhánh sông chưa bị bồi lấp hẳn. Phải nhanh chóng lên đường. Từ sớm tinh mơ, tôi lên đường đi về với “kho báu” Chín Rồng.
Khởi hành từ Gò Công Đông (Tiền Giang), tỉnh lộ 862 hướng về phía đông chói ngời nắng sớm. Trên tiêu chí chọn bến đò sát cửa biển nhất, chúng tôi tìm đến bến đò Đèn Đỏ cạnh cơ quan an toàn hàng hải Cửa Tiểu để vượt qua cửa Tiểu.
Tuy nhiên, gặp mùa gió chướng, bến đò ngưng hoạt động. Chúng tôi đành quay về bến Chùa cách đó vài cây số. Chuyến đò ngang nhỏ bé băng qua cửa sông thứ nhất.
Đặt chân lên cù lao Lợi Quan (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang), chúng tôi bon bon xe máy trên con đường nhựa liên xã tìm đến bến đò Phú Tân. Hai bên đường thơm lừng ruộng sả. Hương thanh bình dâng lên trong làng trên xóm dưới.
Bến Phú Tân cũng ngưng hoạt động do sóng to gió lớn. Chúng tôi quay về bến phà Bình Tân để vượt qua cửa Đại, tiến sang địa phận Bến Tre. Cũng may từ phà Bình Tân nhìn về phía đông, cửa sông vẫn mở ra một không gian bát ngát.
Đất liền hai bên như hai cánh tay ôm lấy dòng sông, cái ôm cuối cùng tiễn biệt một nhánh rồng thân thương về biển rộng.
Đất Bến Tre đón chúng tôi bằng quán nước xiêu vẹo nhưng thắm đượm tình quê. Tôi dừng chân xem lại bản đồ “kho báu” Chín Rồng, tìm cách vượt cửa Ba Lai – cửa sông có con đập ngăn mặn chận dòng từ năm 2002.
Do bến đò Thủ vượt cửa Ba Lai nằm khá sâu và khuất so với cửa sông, chúng tôi quyết định đi hết tỉnh lộ 883 đến biển Thới Thuận, tận mắt nhìn và tận chân nhúng vào vùng nước lợ cửa sông. Rồi chúng tôi lại theo hương lộ 16 đi miết đến bến đò Tiệm Tôm nằm cạnh đồn biên phòng Hàm Luông để vượt cửa Hàm Luông.
Chợ thủy sản nhộn nhịp, ươm nồng mùi biển cả. Bến Tiệm Tôm mà chỉ thấy toàn cá! Sau 30 phút lênh đênh, đò cập bến. Chúng tôi theo con đường liên xã 10km tuyệt đẹp để ra quốc lộ 57 đến xã An Quy tìm đò Bến Chổi sang cù lao Long Hòa.
Đường nhỏ, đoàn xe máy nối đuôi nhau miệt mài chạy giữa đôi bờ xanh mướt lúa, sả và hoa. Cửa Cổ Chiên – nhánh rồng thứ năm, cũng là ranh giới giữa Bến Tre và Trà Vinh. Chuyến đò nhỏ cập vào cù lao Long Hòa rợp bóng cây xanh.
Đất cù lao phù sa tươi tốt. Xe chúng tôi xuyên qua con đường liên xã hai bên bạt ngàn mía lau. Dù đã nhiều lần rong chơi Nam kỳ lục tỉnh, tôi chưa bao giờ được thấy một miền Nam trù phú, yên bình và nên thơ đến thế.
Phù sa ngọt lành như sữa mẹ nuôi con. Đến bến đò Long Hòa, tôi đưa tay vốc vào dòng nước Mekong, thấy rõ ràng quê hương chính là cha mẹ. Đây là bến đò sát biển nhất trong tất cả các chuyến đò tìm “kho báu” Chín Rồng. Thủy trình vì thế cũng dài hơn và tròng trành sóng gió hơn.
Đò cập bến Mỹ Long, Trà Vinh, chúng tôi vượt tiếp 20km về thị trấn Cầu Ngang khi hoàng hôn chuyển sắc. Hành trình đi tìm “kho báu” Chín Rồng đã khám phá được sáu. “Kho báu” mở ra không có bạc vàng châu ngọc, không phép mầu biến hóa viển vông. “Kho báu” này mở ra sự sống.
Biến thiên dâu bể
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá ba cửa sông còn lại, trong đó bí ẩn nhất vẫn là cửa sông Ba Thắc ngày xưa.
Thay vì đi quốc lộ 53, chúng tôi rẽ vào hương lộ 21 và hương lộ 12 để thưởng thức trọn vẹn gió nội hương đồng, ngắm nhìn vô số ngôi chùa Khmer tráng lệ và tinh xảo. Bến đò sang cửa Định An thật đặc biệt vì không có đường cho xe máy lên.
Phụ đò và lái đò thay nhau khiêng từng chiếc xe, sắp san sát nhau trong khoang đò. Định An là cửa sông lớn của dòng Mekong, nơi tiếp nhận tàu hàng từ Biển Đông vào.
Buổi sáng trời trong, nhìn rõ những con sóng gối lên nhau đuổi bắt về chân trời sáng lóa.
Sau 30 phút, đò cập bến cù lao Dung, địa phận Sóc Trăng. Chúng tôi dò hỏi nhiều người dân địa phương về dấu tích cửa sông Ba Thắc xưa – sông Cồn Tròn nay.
Người Nam Bộ hiếu khách. Hàng loạt lời chỉ đường đúng nghĩa… đi tìm kho báu bí ẩn làm chúng tôi vô cùng hoang mang. Sau cùng, tôi quyết định vẫn tin theo bài báo “Nơi cửa sông đã mất” và nhờ một anh xe ôm làm hoa tiêu cho đoàn đến bến đò Chín Liêm bên bờ sông Cồn Tròn.
Khi dòng Ba Thắc bồi lấp mất cửa sông, nhánh sông ngày càng nhỏ hẹp và đổ dòng chảy ra gần cửa Trần Đề – cửa sông thứ chín trong kho báu Chín Rồng.
Bến đò Chín Liêm gần chỗ sông Cồn Tròn nhập vào sông Trần Đề nhất, vượt qua ngã ba sông này có thể tượng trưng cho việc vượt cửa sông Ba Thắc mênh mông ngày trước.
Đất cù lao Dung bát ngát mía lau và tưng bừng trăm hoa khoe sắc. Trên con đường đan nhỏ vừa đủ hai xe máy chạy ngược chiều, nhiều đoạn uốn lượn như những cung đường vào bản ở vùng cao Tây Bắc.
Tôi có cảm giác đang chạy trên đường chỉ viền của một tấm áo gấm hoa. Đến bến Chín Liêm, thật bất ngờ khi dòng sông nhỏ xíu, đứng bên này bờ có thể gửi câu hò tiếng hẹn sang bờ kia. Chị chủ quán cho biết cách đây vài năm khúc sông này còn thoáng đãng.
Càng lúc dòng sông càng bồi đắp làm dòng chảy nhỏ hẹp dần. Tàu đò vô ý có thể mắc cạn. Không chừng mai mốt chống sào lội qua cái một.
Tôi rùng mình nghĩ đến những biến thiên dâu bể ở đời, thấy chuyến đi tìm “kho báu” Chín Rồng này thật đáng giá.
Giữa trưa, chúng tôi lại rong ruổi trên những con đường nhỏ quanh co để ra bến 30-4 vượt cửa Trần Đề. Dòng đại trường giang của địa cầu với chiều dài hơn 4.880km rồi cũng đến lúc kết thúc. Suốt hành trình ngàn dặm của mình, vùng hạ nguồn Mekong là nơi đón nhận phù sa tươi tốt bao đời, hình thành nền văn minh châu thổ đồng bằng với nguồn tài nguyên vô giá.
Người miền Nam nặng nghĩa tình với chín nhánh sông là vì vậy. Như mẹ hiền một đời hiến dâng cho đàn con thơ dại, Chín Rồng ôm chặt đứa con, nuôi con không chỉ bằng tôm cá, nước ngọt, phù sa, mà còn mở ra cho con những ruộng đồng tươi tốt và hệ sinh thái đa dạng.
Đứng trên chuyến đò vượt cửa sông cuối cùng, chúng tôi bùi ngùi gửi lời giã biệt rồng thiêng. Lũ con này một đời lớn lên bằng cơm gạo, cá tôm và rau trái miền Cửu Long, mãi mãi chịu ơn nuôi nấng của đất tốt sông lành.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn