Nhiều hoạt động gắn với sự kiện APEC diễn ra tại Hội An, Quảng Nam trong Tuần lễ cấp cao APEC, giúp hình ảnh Quảng Nam gần hơn với bạn bè và du khách quốc tế.
Từ ngôi làng bích họa và đèn lồng…
Diễn đàn Tiếng nói tương lai với sự tham dự của 160 bạn trẻ đến từ 17/21 nền kinh tế APEC đã có một ngày trải nghiệm trọn vẹn tại làng Hòa Bình (Phú Ninh), làng bích họa Tam Thanh và 2 cơ sở lồng đèn Hội An. Tại Tam Thanh, các đại biểu thanh niên APEC không chỉ trải nghiệm khung cảnh làng quê mà còn được cảm nhận cuộc sống người dân làng biển qua những bức họa đầy sinh động. Jung Min Kim, đến từ Hàn Quốc, chia sẻ: “Tôi thật sự kinh ngạc và tự hào khi được đứng đây, nhìn ngắm những bức tranh của các nghệ sĩ đồng hương. Điều này minh chứng cho tình bạn tuyệt vời của 2 dân tộc. Khi về nước chắc chắn tôi sẽ kể câu chuyện này cho bạn bè và gia đình”.
Việc tham quan và trải nghiệm dán lồng đèn tại 2 cơ sở đèn lồng Hội An đã thực sự mang đến nhiều cảm xúc thú vị cho các vị khách. Tuy lúng túng và vụng về nhưng với hầu hết bạn trẻ, được tự tay tạo ra một tác phẩm của mình và sở hữu nó không gì thích thú hơn. “Quá tuyệt vời, lần đầu tiên tôi đã làm được đèn lồng – một sản phẩm nổi bật của Hội An. Đây sẽ là món quà đáng nhớ nhất trong những ngày ở Việt Nam” – Peyton William Roth (Mỹ) bày tỏ. Theo Lê Huy Tùng – thành viên đoàn Việt Nam: “Tham gia diễn đàn, được tiếp xúc với các bạn trẻ đến từ nhiều nền kinh tế trên thế giới, tôi hiểu được cảm xúc và tình cảm của họ về một Quảng Nam, Việt Nam thanh bình và tươi đẹp. Không ít bạn đã nói với tôi rằng đất nước các bạn rất đáng tự hào với những giá trị lịch sử văn hóa độc đáo, điều này thật hãnh diện” – Lê Huy Tùng nói.
… đến tour dạo phố cổ
Hội An với những địa danh như phố cổ, làng lụa, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà… cùng hàng chục danh hiệu được các tạp chí du lịch hàng đầu thế giới và du khách bình chọn thời gian qua, nay càng nổi bật, hấp dẫn hơn sau APEC. Chỉ riêng sự kiện khai trương Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe cùng đoàn đại biểu hai nước Việt Nam – Nhật Bản, hình ảnh di sản Hội An với các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, cầu An Hội, chùa Cầu… dường như tràn ngập trên các phương tiện truyền thông 2 nước về một không gian cổ kính nhưng cũng không kém phần lung linh thơ mộng.
Đặc biệt, với tour tham quan phố cổ và làng lụa Hội An của phu nhân, phu quân lãnh đạo các nền kinh tế APEC thì Hội An đã được cả thế giới biết đến. Hình ảnh các phu nhân dạo phố cổ, ngắm nhìn các sản phẩm làng nghề hay mân mê từng dải lụa mềm mại giữa một không gian yên bình thơ mộng tại làng lụa Hội An đã trở thành khoảnh khắc đẹp đầy ấn tượng có sức lan tỏa rất lớn. APEC đã thực sự là cơ hội hiếm có để du lịch Hội An, Quảng Nam vươn ra thế giới, nhất là với những thị trường xa và “lạ lẫm”.
Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VHTTDL khẳng định, APEC chính là cơ hội quý báu để du lịch Quảng Nam khuếch trương hình ảnh ra thế giới, nhất là với thị trường khách 21 nền kinh tế thành viên. “Sự kiện APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, Quảng Nam đã mang đến cho khách và những nguyên thủ cái nhìn mới về hình ảnh thân thiện và an toàn của địa phương đăng cai. Đặc biệt, chúng ta đã khoe được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, qua đó giúp quảng bá hình ảnh Quảng Nam ra bên ngoài tốt hơn, nhất là thông qua sự chuyển tải thông tin của các hãng thông tấn tháp tùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên. Từ điều kiện thuận lợi này, sau APEC ngành du lịch sẽ đặt ra một chiến lược quy hoạch, phát triển du lịch bài bản hơn, mục tiêu hướng đến năm 2025 và tầm nhìn 2035 dựa trên nền tảng và cơ hội từ APEC” – ông Cường nói.
Theo Tổng cục du lịch
Nguồn: Dulich.vtv.vn