Có gì lạ ở ‘đệ nhất hùng quan’ giữa lòng cao nguyên đá

0
9
Có gì lạ ở đệ nhất hùng quan giữa lòng cao nguyên đá - Ảnh 1.

Có gì lạ ở đệ nhất hùng quan giữa lòng cao nguyên đá - Ảnh 1.

Cung đường với những khúc cua “dựng tóc gáy” xuống sông Nho Quế – Ảnh: NG.HƯỜNG

Khi đi tour theo đoàn và đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống sông Nho Quế, nhiều du khách ước ao được một lần xuống tận mép nước Nho Quế để xem, để thỏa sự háo hức. Theo người dân địa phương, trừ những hôm nào mưa, nước sông Nho Quế luôn có màu trong xanh ngọc bích và mát rượi.

Cung đường khám phá mới

Từ thị trấn Đồng Văn, nhiều nhóm du khách đi trên xe máy, ôtô bắt đầu hào hứng xuất phát chinh phục đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc). Không khám phá dọc cung đường đèo Mã Pí Lèng sang thị trấn Mèo Vạc, chúng tôi quyết định dừng chân ở lưng chừng núi để đi một hướng khác. Đó là cung đường đổ dốc xuống dòng sông Nho Quế từ trên núi, nhằm khám phá vẻ đẹp của nước non và đặc biệt là sự hùng vĩ của hẻm vực Tu Sản.

Đến điểm dừng chân ở bản Tà Làng (xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc), khung cảnh hiện ra là vẻ đẹp hoang sơ của những dãy núi đá vôi sừng sững. Mây mù và sương núi giăng khắp nơi, ôm ấp lấy những mỏm núi cao chót vót. Bên dưới, dòng Nho Quế xanh biếc uốn mình luồn lách giữa những quả núi đá vôi. Đặc biệt, từ điểm dừng chân trên quốc lộ 4C nhìn xuống, chúng tôi thấy có một cung đường ngoằn ngoèo với hàng chục khúc cua hiện ra đầy thách thức.

Do đã được giới thiệu từ trước nên chúng tôi nhờ anh Lùa A Chức (dân tộc Giáy) tại bến thuyền sông Nho Quế làm hoa tiêu. Dù đã đi nhiều cung đường đèo dốc ở miền Tây Bắc sang Đông Bắc, nhưng 7km đường từ độ cao 1.500m xuống mép sông Nho Quế quả thực là một thách thức với chúng tôi. Nhiều khúc cua ở đây có độ dốc rất lớn, lại cua gấp, nên các tay lái xe máy phải về số 1, số 2 và xử lý chân phanh, tay phanh liên tục.

Cung đường ấn tượng chẳng kém gì 99 khúc cua lên Thiên Môn Sơn (Trung Quốc), nhưng độ nguy hiểm còn hơn nhiều. Nhiều lúc tay lái hơi run, một thành viên trong nhóm xin dừng để thở, lấy bình tĩnh, đồng thời đứng hà hít không khí trong lành, ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp của miền núi sông hòa quyện. Dừng chân trên cung đường, du khách còn được xem khung cảnh lao động bình dị của đồng bào Giáy, Mông đang canh tác trên những thửa ruộng bậc thang.

Sau hơn một giờ đổ dốc qua những khúc cua, chúng tôi đến được căn nhà trình tường của anh Chức. Khác với người Mông thường lập bản ở những điểm cao từ lưng chừng núi, dân tộc Giáy lại sinh sống chủ yếu ở dưới thấp. Bản làng với những nếp nhà trình tường vàng ươm, lợp ngói đơn sơ của người Giáy ẩn mình trong những lùm cây dọc hai bờ sông Nho Quế.

Nghỉ chân một lát, chúng tôi đi bộ qua những vườn chuối um tùm ra bến thuyền. Khung cảnh hiện ra ngoạn mục trong sự thích thú của mọi người. Những cơn gió ào ào thổi từ mặt nước lên mát rượi, khiến mọi người chẳng còn nhận ra cái nóng mùa hè nơi này.

Ở đây có rất nhiều loại thuyền chở khách du lịch của dân bản địa cho khách lựa chọn. Nếu đi theo đoàn đông thì sẽ có những chiếc thuyền sắt cỡ lớn, có mái che, áo phao và đồ cứu hộ đầy đủ. Nếu đi theo nhóm nhỏ hay các đôi tình nhân có thể thuê thuyền nhỏ, không có mái che. Ai thích cảm giác tự trải nghiệm có thể thuê người chèo bè tre hoặc tự mình chèo để khám phá sông nước…

Có gì lạ ở đệ nhất hùng quan giữa lòng cao nguyên đá - Ảnh 2.

Nhóm du khách chèo thuyền trên sông Nho Quế – Ảnh: NG.HƯỜNG

Sự hùng vĩ của tạo hóa

Con thuyền nổ máy bắt đầu rời bờ, mọi người rất tin tưởng bởi anh lái thuyền là Lùa A Lâm (anh trai của Chức) đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đi lại trên khúc sông này. Từ đây để khám phá khúc sông Nho Quế đẹp nhất, đặc biệt là hẻm vực Tu Sản thì thuyền sẽ xuôi về phía cầu Tràng Hương.

Đoạn sông Nho Quế ở gần bến thuyền khá rộng với những đợt sóng nước cuồn cuộn đập vào mạn thuyền. Ở đây khung cảnh đất trời hiện ra bao la với hai bên là những thửa ruộng bậc thang của bà con dân tộc. Nhiều chỗ ruộng bậc thang chạy từ mép sông lên đến tận đỉnh núi đá vôi. Anh Lâm lái thuyền bảo ở đây đất hiếm lắm nên bà con tận dụng, cứ chỗ nào có đất cày xới được là sẽ có ruộng vườn, trồng trọt.

Sau khoảng 20 phút được vi vu, bát ngát trên sông, thuyền chở chúng tôi bắt đầu từ từ tiến về phía đoạn sông chảy qua hẻm vực Tu Sản. Được biết sông Nho Quế bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy theo hướng tây bắc – đông nam đi qua nhiều hẻm vực núi non. Nhưng đoạn sông chảy qua hẻm vực Tu Sản được mọi người đánh giá là kỳ vĩ nhất, ấn tượng nhất.

Nhìn từ xa, chúng ta có thể thấy rõ hai dãy núi đá vôi sừng sững nhô lên, vách đá gần như dựng đứng với độ dốc lên đến 70-80 độ tạo thành chữ V khổng lồ. Chúng đứng sát nhau nên tạo thành một đoạn hẻm vực rất hẹp cho nước sông chảy qua. Con thuyền chở chúng tôi rẽ nước đi giữa hẻm vực Tu Sản. Vách núi đá dựng đứng hai bên với những thảm thực vật xanh ngắt hiện ra trong sự phấn khích tột cùng.

Thật ấn tượng khi mọi người được ngắm những bụi cây mọc ra um tùm từ vách núi đá khô cằn. Anh lái thuyền kể rằng hiện nay vẫn còn đàn khỉ (dân ở đây gọi là khỉ đá, khỉ mốc) 30 – 40 con sinh sống ở khu vực này. Khỉ sống trong các hốc ở vách đá hoặc lùm cây và thường đi kiếm ăn vào ban ngày. Nếu may mắn đi thuyền vào đúng thời điểm đàn khỉ ra kiếm ăn thì du khách sẽ được nhìn thấy chúng.

Thuyền lênh đênh giữa hẻm Tu Sản, cảm giác mát lạnh bao trùm mọi người cùng với những tiếng chim lảnh lót bên tai đã tạo ấn tượng đặc biệt, khó tả. Anh Lùa A Lâm cho biết trước đây nước sông Nho Quế thường cạn, nên đi thuyền vào hẻm vực Tu Sản rất khó khăn. Nhưng từ khi có Nhà máy thủy điện sông Nho Quế (năm 2012 – PV) thì nước đã dâng cao, nên thuyền bè qua lại hẻm Tu Sản dễ dàng hơn.

Nếu có thời gian, du khách sẽ được lái thuyền chở lên tham quan cầu Tràng Hương cũ (cầu làm bằng sắt có từ thời Pháp thuộc) hay được xem, giao lưu với các chiến sĩ đồn biên phòng Săm Pun khi họ đang bắt cá, làm bè mảng đi lại trên sông… Chỉ cần 1-2 giờ du thuyền trên sông Nho Quế, du khách đã được thỏa ước mong.

Sẽ phát triển du lịch trên sông Nho Quế

Theo số liệu đo đạc của các cơ quan chức năng, đoạn sông chảy qua hẻm vực Tu Sản dài khoảng 1,5km, độ sâu 700 – 900m so với cao điểm 1.500m trên khu đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Đây được xem là hẻm vực có địa hình sâu nhất Đông Nam Á.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng hẻm vực Tu Sản được hình thành do quá trình kiến tạo đứt gãy địa chất vào kỷ Kainozoi (tức kỷ Đại Tân Sinh giai đoạn từ 32 – 15 triệu năm trước) theo cơ chế trượt bằng trái. Đến khoảng 5 triệu năm, đứt gãy địa chất lại hoạt động theo cơ chế trượt bằng phải, từ đó tạo nên hẻm vực hiện nay. Hẻm vực Tu Sản và đèo Mã Pí Lèng từ lâu đã được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan” của cao nguyên đá Hà Giang.

Trao đổi với Phòng VH-TT huyện Mèo Vạc, chúng tôi được biết cơ quan chức năng đang có đề án phát triển du lịch trên sông Nho Quế theo từng giai đoạn. Hiện đang có 2 bến thuyền chính đón khách du lịch tham quan đoạn sông Nho Quế qua hẻm vực Tu Sản. Các cơ quan chức năng của huyện cũng tăng cường phối hợp để bảo đảm an toàn, nâng cao ý thức của chủ thuyền và khách du lịch khi đi trên sông…

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn