Nếu bạn có dịp ghé qua đồng tam giác mạch ở Lào Cai, hãy cùng chúng tôi truyền đi thông điệp: “Không lấy gì đi ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.
Chúng tôi có mặt ở cánh đồng tam giác mạch Lử Thẩn vào một ngày đầu tháng 5 – đúng đợt nghỉ lễ lớn của dân tộc. Có khá đông du khách ghé thăm, chụp ảnh, chủ yếu là người Việt Nam, đa phần trong số họ vừa đi chơi ở chợ Cán Cấu về.
Vài năm trước, cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang đã gây ra một “cơn sốt” trong giới đi lại. Bắt được nhu cầu ấy, vào nửa cuối năm 2014, Lào Cai đã cho gieo trồng một khối lượng lớn tam giác mạch để làm du lịch, tại địa phận xã Lử Thẩn, huyện Simacai. Từ một vụ phổ biến tháng 10, 11, nay đã thêm một vụ tháng 4, 5.
Với lợi thế về giao thông, khách từ các điểm du lịch lân cận như Sa Pa, Bắc Hà, cửa khẩu Lào Cai đều dễ dàng tiếp cận cánh đồng tam giác mạch Lử Thẩn, điều này đã mang lại thành công về mặt kinh tế và quảng bá du lịch cho Lào Cai nói chung và cho khu vực Bắc Hà – Simacai nói riêng.
Dịch vụ cho thuê quần áo truyền thống người Mông chụp ảnh khá hút khách. Ảnh: Băng Giang. |
Ôtô vào tận chân đồi hoa, dù đường từ quốc lộ 153 rẽ vào đây khá xấu, hai xe tránh nhau rất vất vả. Để quay đầu xe được lái xe cũng phải lựa chỗ và tay lái cũng phải rắn, lơ mơ là xuống vực hay đụng vách núi như chơi.
Xe máy thì cơ động hơn nhiều, đơn giản chỉ cần xếp gọn vào lề đường là được.
Một người đàn ông nhỏ thó ngồi thu lệ phí ngay cạnh lối mòn đi vào sâu trong cánh đồng, nơi có những ngọn sa mộc đang vươn mình kiêu hãnh trên đỉnh đồi. 20.000 đồng một người lớn, trẻ em miễn phí.
Có cô bé học lớp 9 lớn lộc ngộc như người lớn cũng miễn phí vì cô là trẻ em. Cái lý của người Mông nói thế.
Xung quanh khu vực thu phí có vài bãi đất trống nho nhỏ, đồng bào tranh thủ làm dịch vụ. Dịch vụ thứ nhất là cho thuê quần áo truyền thống của người Mông và quẩy tấu để chụp hình. 20.000 đồng một bộ mỗi lượt.
Mấy cô gái xúng xính chạy trên đồi hoa tam giác mạch, nơi có sẵn những lối mòn bé để họ có thể dạo chơi mà không giẫm lên hoa, trong khi các thợ chụp hình tha hồ sáng tác. Có máy ảnh to, chuyên nghiệp, thợ chụp hình có tay nghề, những cũng có những người chỉ chụp hình kỷ niệm bằng điện thoại.
Đồi tam giác mạch ở xã Lử Thẩn. Ảnh: Băng Giang. |
Dịch vụ thứ hai là bán nước đóng chai và bán bánh tam giác mạch. Bánh tam giác mạch làm từ bột kiều mạch, trộn bột với một ít hành và chiên trong dầu. 10.000 đồng/cái.
Một người phụ nữ đi theo các con lên Lử Thẩn tham quan cánh đồng hoa cười xòa bảo tôi, giọng rổn rảng: “Đây là cây xèo, dùng để làm bánh xèo, ngày xưa tao ăn suốt. Thế mà giờ chúng nó cứ xôn xao hết cả lên, tam giác với chả mạch”.
Tôi tò mò hỏi thế nhà cô ở đâu thì bà bảo, “tôi cũng ở Lào Cai thôi, nhà ngay Bảo Thắng”.
Tráng A Sử là tên của người gác vườn tam giác mạch ở Lử Thẩn hôm đó. Ông bảo, tôi là con cháu của bác Tráng A Pao đây, cô có biết không? Tráng A Pao là một chính khách người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên Bắc Hà Lào Cai.
Tôi hỏi, trung bình một ngày có bao nhiêu khách tham quan cánh đồng hoa? Người gác vườn nghĩ một lát rồi trả lời, có ngày đông cũng phải 100 – 200 người, cũng có ngày không có ai. Ngày nào ông cũng ra đây ngồi để còn thu tiền, mang theo cơm ăn trưa luôn.
Tôi nhẩm tính số tiền phí thu được từ khách du lịch rồi trêu người làm vườn 52 tuổi có 4 đứa con này, rằng bác sắp trở thành “đại gia” đất Lử Thẩn rồi bác ơi. Tráng A Sử cười hiền lành, và có một chút ngượng nghịu ra điều không đồng ý.
Tôi đóng tiền lệ phí tham quan cho ông và xin phép vào dưới gốc cây thông để “hạ trại” cho nhóm.
Gọi là hạ trại cho oai chứ chúng tôi chỉ mang theo mấy cái ghế, một ít đồ ăn và đồ nấu nướng đơn giản. Dưới chân những gốc sa mộc, là khoảng đất bằng phẳng khá rộng, thường được du khách trải bìa, ni lông để làm chỗ nghỉ ngơi.
Tôi bật bếp cồn nấu một ít mì trong khi bạn đồng hành tranh thủ chụp ảnh với cánh đồng tam giác mạch. Có mấy cô bé, cậu bé người Mông cứ chơi luẩn quẩn quanh chỗ chúng tôi ngồi. Có 4 chị em trong một gia đình, Giàng Thị Sông với hai em gái là Giàng Thị Dở và Giàng Thị Xơ, cậu em trai duy nhất tên là Giàng Seo Lứ.
Tôi đưa cho Sông một hộp sữa và cô bé ngay lập tức nhường cho cô em gái bé của mình là Thị Dở. Em xách theo một chiếc bao tải, trong có đựng mấy bộ quần áo truyền thống của người Mông và vào những ngày không phải đi học thế này, em tới đây cho thuê quần áo để giúp bố mẹ làm kinh tế.
Lúc thu dọn đồ để rời đi, tôi nói với Sông, em nhìn nhé, chị sẽ gom tất cả rác ở quanh nơi chị ngồi vào túi và mang đi khỏi đây, bỏ rác vào đúng chỗ thích hợp. Nếu em thấy các anh chị nào đến đây mà xả rác bừa bãi, không chịu thu gom rác lại trước khi rời đi, em hãy nhắc họ nhé.
Hai cô bé bán bánh tam giác mạch trên đường. Ảnh: Băng Giang. |
Nếu cánh đồng tam giác mạch này đẹp, sẽ có nhiều người đến chơi, và em sẽ có thêm nhiều khách hàng.
Nếu dưới gốc cây này toàn rác là rác, như chỗ này, chỗ kia… Vừa nói tôi vừa chỉ tay về phía mấy bụi cây thấp lúp xúp, nơi bắt đầu la liệt vỏ chai nước, vỏ hộp sữa, túi bóng, vỏ kẹo, bim bim… thì chỗ này sẽ trở nên xấu xí và không ai còn muốn tới tham quan cánh đồng hoa tam giác mạch nữa, đúng không?
Tôi không chắc cô bé có hiểu được trọng vẹn những chia sẻ và sự lo lắng của tôi. Rằng với sự kém ý thức của những người đến tham quan, một ngày không xa, vẻ đẹp tự nhiên mộc mạc của vùng đất này sẽ mất đi, thay vào đó, sẽ là rác thải và ô nhiễm môi trường.
Thực lòng, tôi mong người gác vườn Tráng A Sử sẽ cắm một tấm biển nhắc nhở, yêu cầu người dân chung tay bảo vệ cánh đồng hoa hay thậm chí, sẽ yêu cầu du khách phải nộp phạt nếu họ vi phạm quy định này.
Đó là việc cần làm ngay, lúc này, để cánh đồng hoa Lử Thẩn sẽ luôn là lựa chọn của du khách và là hoạt động kinh tế giúp bà con quanh vùng bớt đi đói nghèo.
Hoa bàng vuông bung nở trên đảo Lý Sơn
Bộ ảnh được chụp ngày 18/5, từ 16h (khi hoa vừa hé nụ) tới 20h khi hoa nở hết, tỏa hương thơm ngát.
Nguồn: News.zing.vn