Chùa Bích Động nằm ở thắng cảnh nổi tiếng được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” (đẹp thứ nhì trời Nam). Ngôi chùa cổ ở cố đô Hoa Lư này cũng từng được biết đến là ngôi chùa bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc.
Chùa Bích Động được xây dựng từ năm 1428, thời đầu nhà Hậu Lê. Chùa nằm trên dãy núi đã vôi Trường Yên, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, chùa là di tích lịch sử văn hóa nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Chùa nằm ngăn cách với trục đường xã Ninh Hải bởi một hồ nước rộng lớn. Để đi qua chùa phải qua một chiếc cầu bằng đá cổ. Ban đầu, chùa Bích Động có tên là “Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng” (ngôi chùa bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc).
Toàn bộ quần thể chùa Bích Động đều được nằm tựa lưng vào dãy núi. Theo sử cũ ghi lại, ban đầu Bích Động chỉ là ngôi chùa nhỏ, năm 1705 có hai vị hòa thượng Trí Kiên và Trí Thể (quê huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đến đây thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa nên quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa để tu hành.
Tên chùa Bích Động được chúa Trịnh Sâm đặt vào năm 1774. Khi du lịch chưa phát triển chùa Bích Động nằm ẩn mình, là chốn thanh tịnh để nhiều người đến bái, nương nhờ của Phật. Hiện nay, nơi đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn với nhiều du khách bởi không gian tuyệt đẹp nơi đây.
Quần thể chùa Bích Động có 3 chùa lớn gồm: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Hạ nằm ở dưới chân núi, có 5 gian được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (chữ Hán). Vật liệu xây dựng ngôi chùa này chủ yếu là gỗ lim và đá vôi. Tất cả được kết hợp một cách hài hòa và công phu.
Các cột đá ở chùa Hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m. Mái chùa cong hình lưỡi đao lợp ngói âm dương. Xung quanh ngôi chùa này có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, trường tồn với thời gian.
Bên trong chùa Hạ thờ: Trên cùng là tòa tam thế (Ba bức tượng đại diện cho ba đời chư Phật); Kế đến là bộ tượng Tây Phương Tam Thánh (ngồi chính giữa là đức Phật Di Đà, bên phải là Quan Âm Bồ Tát, bên trái là Đại Thế Chí Bồ Tát)…
Từ chùa Hạ bước lên 120 bậc theo đường hình chữ S tới lưng chừng dãy núi Ngũ Nhạc là chùa Trung. Chùa Trung nằm ở lưng chừng núi với địa thế rất hiểm trở.
Chùa có 3 gian thờ Phật. Phía trên của mái chùa có mười chữ Hán màu vàng là: Già Lam Thần Đại Hùng Bảo Điện Nam Thiên Tổ – nghĩa là tất cả các vị sư tổ ở trời Nam này đều xuất phát từ chùa Bích Động ra đi.
Ngay phía trước chùa, trên vách núi cao là hai chữ Bích Động được khắc vào đá. Sau thời gian dài, rêu mốc đã bám đầy tấm bia đá cổ này, tuy nhiên vẫn không thể bào mòn được những giá trị mà người xưa để lại trên đây.
Đây là một ngôi chùa rất độc đáo, ít nơi có được bởi một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên. Bên trong chùa các tượng Phật được bài trí rất uy nghiêm.
Từ chùa Trung lên cao khoảng 6 m là đến Động Tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, dài, hơi chếch về phía đông. Nếu động chứa chùa Trung là tầng một của ngôi nhà cao 6 mét thì Động Tối là tầng 2 cao đến 8 mét. Đường lên Động Tối gần thẳng đứng, đi dưới cầu giải oan, vì cửa động có hình như cầu vồng.
Bên trong động tối cũng có lập miếu để thờ Phật.
Từ Động tối, đi lên gần 40 bậc đá theo sườn núi sẽ đến chùa Thượng hay còn gọi là chùa Đông. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động, từ chùa Thượng nhìn ra xa có 5 ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Động, trông giống như 5 cánh hoa Sen, gọi là Ngũ Nhạc Sơn.
Bên trong chùa Thượng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Chùa Thượng có hai miếu hai bên: bên phải thờ Thổ Địa, bên trái thờ Đức Sơn Thần. Cạnh chùa có một bể nước gọi là “bể nước Cam Lộ” của Quan Âm Bồ Tát. Phía trước là cánh đồng Ngũ Môn.
Không chỉ nối tiếng về vẻ đẹp, Bích Động cũng được biết đến là ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất ở cố đô Hoa Lư từ xưa đến nay. Hàng năm có hàng nghìn du khách thập phương đổ về đây đi lễ và tham quan ngôi chùa ở danh thắng “đẹp thứ nhì trời Nam” này.
Bích động là một ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không nơi nào có thế đất, thế núi như vậy. Đứng trên chùa Thượng có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ cảnh đẹp quanh ngôi chùa như thế núi, hồ sen tạo cho du khách sự tĩnh lặng đến lạ thường.
Theo dantri.com.vn
Nguồn: Dulich.vtv.vn