Thành cổ Biên Hòa là một di tích có tuổi đời trên 200 năm hiện hữu ngay trung tâm thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).
Cổng vào khu di tích. |
Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2014, hiện nay di tích thành cổ Biên Hòa đang trong tình trạng cố gắng phục hồi và tôn tạo.
Lịch sử hình thành di tích
Chúng tôi đến số 129 Phan Chu Trinh (P. Quang Vinh, Tp Biên Hòa). Bên ngoài, trên cổng ra vào một tấm biển to còn mới toanh ghi rõ: Tổ quản lý di tích – Thư viện. Phải nhìn thật kỹ mới thấy ở góc tối, dòng chữ: ‘Di tích lịch sử Thành Biên Hòa’ bằng đồng đen đã ngả màu tối sậm.
Thành cổ Biên Hòa được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 (1816) tại thôn Bàn Lân, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa với tên gọi là ‘Thành Cựu’. Thành do dân Lạp Man xây đắp bằng đất. Năm 1834, vua Minh Mạng cho đắp lại ‘Thành Cựu’ bằng đất. Đến năm 1837, Minh Mạng cho xây lại thành bằng đá ong đỏ và đổi tên là Thành Biên Hòa.
Thành có chu vi 1.645,12 mét, tường thành dài 3,604 mét, dày tới 4,24 mét, hào rộng 16,96 mét, sâu 2,544 mét, với diện tích khuôn viên bốn tường bao tới gần 17 hécta.
Tòa nhà phía tây lúc chưa tôn tạo (ảnh Bảo tàng Đồng Nai cung cấp). |
Năm 1861, Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ. Thành Biên Hòa rơi vào tay Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vi Thành Biên Hòa chỉ còn 1/8 so với trước.
Vào những buổi sáng, lính Pháp thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương quen gọi là Thành Kèn.
Từ 1954 – 1975, Thành Biên Hòa không có gì thay đổi. Chính quyền Sài Gòn đã sử dụng lại toàn bộ các công trình của Pháp để lại. Thành được chia thành hai khu vực tây bắc và đông nam bằng một con đường. Khu vực tây bắc của Thành Biên Hòa là nơi làm việc của phòng nhì, bưu chính. Lầu trệt của ngôi biệt thự được sử dụng để giam giữ, khảo tra các chiến sĩ cách mạng. Hướng đông nam của thành là khu vực sở An ninh quân đội.
Tòa nhà phía tây hiện nay. |
Sau năm 1975, Thành Biên Hòa được lực lượng cách mạng tiếp quản giao lại cho phòng Hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai sử dụng đến năm 2009.
Trong suốt thời gian hoạt động, phòng Hậu cần, Công an tỉnh đã sử dụng biệt thự phía tây bắc và công trình kiến trúc phía đông làm nơi làm việc và kho để quân trang quân dụng. Họ cũng đập bỏ lô cốt phía chính diện, tường thành hướng đông, tây bắc và một phần hướng đông nam đồng thời xây mới nhà làm việc 2 tầng, nhà kho, nhà để xe ở phía trong thành.
Năm 2001, triển khai dự án mở rộng lòng lề đường Phan Chu Trinh, tường thành hướng tây nam của Thành Biên Hòa bị đập bỏ.
Tháng 3/2008, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định công nhận Thành Biên Hòa là di tích lịch sử cấp tỉnh. Cũng trong năm này, ngành Hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai rút khỏi Thành Biên Hòa để lại nơi đây một quang cảnh hoang tàn. Ban Quản lý Di tích Danh thắng, đơn vị quản lý di tích Thành Biên Hòa đã triển khai công tác dọn dẹp vệ sinh xung quanh và toàn khu vực, tạo cho di tích có cảnh quan xanh, sạch đẹp.
Nhếch nhác di tích
Bên trong một căn phòng, bụi bám dày trên các vật thể. |
Ngổn ngang tượng sáp ở hành lang. |
Chúng tôi đến thăm di tích. Từ ngoài nhìn vào, hai tòa nhà tây và đông sừng sững với những nét cổ kính xưa cũ. Giữa 2 tòa nhà, một khoảng đất trống rộng bát ngát. Trên nền đất được cải tạo và trồng cỏ. Tường bao quanh thành dường như được xây mới.
Chúng tôi vào tòa nhà phía tây. Nhà có 2 tầng, mỗi tầng có 4 phòng. Trên lầu, cửa đóng kín, tối đen. Anh bảo vệ phải hướng dẫn, chúng tôi mới tìm ra nguồn điện.
Bên trong một căn phòng, nhiều vật dụng cũ xưa rơi vãi khắp nơi. Những chiếc máy đánh chữ, máy nghe đĩa, chiếc kèn thổi… để lộn xộn. Ở một phòng khác, 2 hình sáp, 3 chiếc đèn dầu chỏng chơ đều phủ một lớp bụi dày.
Chúng tôi xuống tầng dưới, tất cả các phòng ở đây đều trưng bày người sáp. Phía ngoài hành lang, nhiều người sáp được chất ngổn ngang nhếch nhác.
Qua nhà đông, mọi thứ không khá hơn. Tòa nhà cũng 2 tầng nhưng chỉ 2 phòng/tầng. Bên trong cả 4 phòng đều chứa đầy bụi và rác.
Tòa nhà phía đông. |
Dãy nhà 2 tầng được xây dựng trong thời gian phòng Hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai đồn trú, đã có kế hoạch dỡ bỏ khôi phục lại cổng và tường thành nhưng chưa có kinh phí. |
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai cho biết, sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý di tích danh thắng lập dự án tôn tạo và trùng tu di tích. Tòa nhà phía đông và tây vốn xuống cấp đã được trùng tu lại.
Ngoài ra, tường thành, tháp canh cũng được tôn tạo. Các công trình được xây dựng mới trong thời gian công an tiếp quản như nhà để xe, nhà kho đã được tháo dỡ trả lại cảnh quan cho Thành cổ Biên Hòa. Chỉ còn lại dãy nhà làm việc 2 tầng ở phía trước theo dự án cần tháo dỡ để khôi phục lại cổng thành và bức tường thành nhưng mãi đến nay vẫn chưa đủ kinh phí thực hiện.
Gần đây, việc quản lý di tích được UBND tỉnh giao cho thành phố, quận huyện trực thuộc tỉnh quản lý. Các địa phương sẽ chủ động hơn trong công tác quản lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là thiếu nhân sự có chuyên môn nên địa phương sẽ gặp khó khăn trong trường hợp giải quyết các vướng mắc.
Thiết nghĩ, việc khôi phục lại thành cổ Biên Hòa như kết cấu ban đầu là điều không tưởng. Chỉ mong sao, những gì có thể phục dựng sẽ phục dựng và những gì còn lại sẽ được bảo quản gìn giữ tốt hơn.
Trần Chánh Nghĩa
Nguồn: Vietnamnet.vn