Các bãi biển châu Âu “vỡ trận” do nhiệt độ tăng cao

0
6

[kdn-video]

VTV.vn – Người dân châu Âu ồ ạt kéo đến các bãi biển để vui chơi sau khi các lệnh giới hạn được nới lỏng, làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát COVID-19 mạnh mẽ lần thứ hai.

Vào tuần trước, Liên minh châu Âu đã lên tiếng sẽ hỗ trợ người dân châu lục tận hưởng thời gian nghỉ dưỡng trong mùa hè, bao gồm khuyến nghị mở cửa biên giới quốc gia, tái hoạt động các tuyến đường bộ, tàu và biển, nhằm tái khởi động ngành du lịch. Tuy nhiên, chính quyền nhiều địa phương đang gặp phải khó khăn vì lượng du khách tăng vọt tại các bãi biển, vốn là nơi thu hút khách du lịch nhất trong mùa hè.

Tại Brittany (Pháp), 5 bãi biển đã phải đóng cửa trở lại vì xuất hiện nhiều hành vi chống đối, từ chối tuân thủ giãn cách xã hội. Tỉnh Zeeland (Hà Lan) ngừng hoạt động nhiều đường bộ vào cuối tuần vì lo ngại chiều hướng gia tăng các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) thì răn đe người dân chấp hành khung giờ giới hạn. Tại Vương quốc Anh, lãnh đạo của nhiều thị trấn và thành phố ven biển đã công khai vận động người dân tránh tụ tập vào các ngày nghỉ sắp đến.

Các bãi biển châu Âu “vỡ trận” do nhiệt độ tăng cao - Ảnh 1.

Người dân Barcelona (Tây Ban Nha) vui chơi tại bãi biển vào ngày 20/5, ngày đầu tiên thành phố này cho phép người dân được ra biển sau 2 tháng phong tỏa nghiêm ngặt

Chuyên gia du lịch, người đứng đầu bộ phận khách sạn, du lịch và giải trí của Viện Công nghệ  Athlone, Tony Johnston cho biết, mùa hè đến đồng nghĩa với việc người dân sẽ đổ về các tụ điểm nghỉ dưỡng ở cả trong lẫn ngoài nước. Do đó, chính quyền cần chuẩn bị nhiều chiến lược cụ thể để đối phó với lượng du khách tăng mạnh và tình trạng quá tải khi mùa nghỉ lễ bắt đầu.

Theo ông, thay vì cấm du lịch hoàn toàn, các cơ quan quản lý nên nỗ lực khuyến khích các hành vi đúng chuẩn mực, bởi việc “cấm cửa” không dập tắt nguy cơ lây nhiễm, mà đẩy rủi ro sang khu vực khác. Đẩy mạnh du lịch an toàn là điều cực kỳ cần thiết để đảm bảo thu nhập của khoảng 330 triệu người châu Âu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Hy Lạp, vốn là những nơi mà ngành du lịch có vai trò rất lớn trong nền kinh tế.

Các bãi biển châu Âu “vỡ trận” do nhiệt độ tăng cao - Ảnh 2.

Cảnh sát giữ trật tự tại bãi biển ở Barcelona vào ngày 20/5, trong khung giờ chính phủ cho phép người dân tập thể dục ngoài trời

Thống kê bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học College London (Anh) cho thấy, chưa đến 50% số người được phỏng vấn dưới 30 tuổi hoàn toàn tuân thủ các quy định phong tỏa của chính phủ. Giáo sư tâm lý học sức khỏe tại đại học này, Susan Michie, chỉ ra rằng hành vi chống đối việc cách ly dài hạn thường đến từ tâm lý chán nản, bực bội, trầm cảm và lo âu, đồng thời xu hướng hành xử phổ biến đó là thời tiết càng đẹp và ấm thì người dân càng ra đường nhiều.

Tuy nhiên, bà lưu ý rằng: “Việc lây nhiễm virus diễn ra đặc biệt nhiều hơn ở môi trường trong nhà chứ không phải ngoài trời. Vậy nên việc ra đường vẫn tương đối an toàn. Vấn đề chủ yếu đó là tình trạng nhiều người ở gần nhau trong không gian nhà nhỏ hẹp, gần gũi”. Giáo sư cũng đề cập rằng những người chấp hành giãn cách xã hội cũng cần có sự quan tâm đến hội và đặt niềm tin vào các cơ quan quản lý.

Các bãi biển châu Âu “vỡ trận” do nhiệt độ tăng cao - Ảnh 3.

Bãi biển tại Brighton (Anh) vào ngày 21/5 chật kín vì người dân đổ xô đi nghỉ dưỡng sau khi các lệnh giới hạn được nới lỏng

Giáo sư chuyên ngành sức khỏe tại Đại học East Anglia (Anh), Paul Hunter, chia sẻ rằng khả năng lây nhiễm khi hoạt động ngoài trời vẫn ở mức thấp. Mặc dù vậy, ông vẫn khuyến khích các biện pháp giãn cách xã hội và gìn giữ vệ sinh cá nhân. Theo ông, nguy cơ tái bùng phát phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và hành vi của du khách tập trung tại các “điểm nóng” du lịch.

Nguồn: Vtv.vn