Buổi sớm trong những con hẻm nhỏ, nắng vàng như rót mật lên bức tường cũ, khách ngồi thưởng thức phở, cơm tấm hoặc bánh mì.
Quán phục vụ bữa ăn tại các con hẻm thường có bếp nằm xa, nhân viên luân phiên bưng đồ ra cho khách. Bữa sáng trong hẻm mang phong cách bình dân nên được nhiều người Sài Gòn lựa chọn.
Bánh mì là một trong những món ăn sáng phố biến nhất. Toạ lạc trên đường Cao Thắng là tiệm bánh mì bán từ năm 1960. Bên cạnh những ổ bánh mì giòn rụm có nhân đầy đặn với ưu điểm nhanh và gọn, thì bánh mì phục vụ trong chảo là “đặc sản” của địa chỉ này.
Một phần thập cẩm bao gồm trứng gà, thịt nguội, xúc xích, chả cá, chả lụa được chiên cháy cạnh nóng hổi, dùng kèm ổ bánh mì và đồ chua để riêng. Thực khách có thể gọi theo sở thích.
Nơi đây mở cửa từ 6h đến 11h hàng ngày. Giá mỗi chảo thập cẩm từ 50.000 đến 60.000 đồng.
Lối nhỏ quanh co dẫn vào các khu chợ có nhiều quán ăn ngon. Một trong số đó là quán bánh cuốn của cụ bà Triệu My Thầu (ngoài cùng bên trái) giữa lòng chợ Bàn Cờ, quận 3.
Là người Lạng Sơn nhưng món bánh cuốn của cụ bà được làm theo kiểu miền Nam, với phần nhân xào thập cẩm ăn kèm nước chấm chua ngọt. Nhờ vậy mà quán nhỏ hơn 40 năm tuổi này trở thành điểm ăn sáng quen thuộc của cư dân xung quanh. Đĩa bánh cuốn nóng hổi, mềm mịn, nổi bật với phần chả giòn và dai. Mỗi đĩa có giá 32.000 đồng, ai ăn thêm nem thì trả thêm 5.000 đồng.
Không nổi tiếng nhưng hàng trăm quán ăn bình dân nằm trước các con hẻm vẫn là sự lựa chọn của nhiều người Sài Gòn. Đó có thể do hương vị quen thuộc hoặc sự tiện lợi, giá cả phù hợp.
Không gian thưởng thức không được chăm chút nhưng mang đến thực khách cảm giác thoải mái.
Phở là một trong những món ăn sáng quen thuộc. Len vào sâu trong con hẻm trên đường Pasteur, quận 1, bạn sẽ tìm thấy quán phở Minh, một trong những tiệm phở gắn bó với nhiều thế hệ người Sài Gòn suốt hơn nửa thế kỷ qua. Theo bà Sáu Dần (chủ quán), tiệm ngày xưa chỉ là một xe đẩy nhỏ trong hẻm. Đến năm 1950, gia đình bà mới có một gian nhà nhỏ để kê bàn và bắt đầu đón khách.
Quán phục vụ khách những tô phở có nước dùng thanh, ngọt từ xương mà không có thêm phụ gia. Thoảng trong hơi khói toả ra từ nồi nước dùng đang sôi ở góc nhà là mùi gừng nóng ấm. Thực khách đến đây có thể gọi các suất tái, nạm, gân theo sở thích. Mỗi suất có giá trung bình 50.000 đồng. Địa chỉ này chỉ phục vụ khách bữa ăn sáng.
Các món sợi phổ biến khác có thể kể đến hủ tiếu, bánh canh… giá khoảng 30.000 đồng mỗi tô.
Cơm tấm không phổ biến vào buổi sáng như các món trên nhưng không thể không kể đến. Nhiều người quan niệm rằng, ăn sáng với cơm tấm sẽ là một “khởi đầu chắc bụng” và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Nhiều quán ăn gây chú ý bởi bếp nướng thịt nằm ở mặt đường. Hừng đông, mùi thơm của thịt theo những làn khói toả ra từ bếp than hấp dẫn người qua đường. Thịt được ướp thêm mật ong nên không bị khô, phủ lên cơm cùng chả và trứng. Mỗi đĩa cơm có giá từ 25.000 đồng.
Kết thúc bữa sáng, người dư dả thời gian sẽ tìm đến một quán cà phê để thưởng thức. Bạn có thể thử cà phê vợt, một phương thức pha chế vốn còn rất ít người duy trì ở Sài Gòn. Thay vì dùng phin hay pha trực tiếp từ bột cà phê, các quán sử dụng chiếc vợt bằng vải để lọc. Cách pha này trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải thật tỉ mỉ và am hiểu công thức để cho ra ly cà phê đúng vị.
Địa chỉ gợi ý là quán cà phê Cheo Leo ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật hay quán của ông bà Ba ở hẻm 330 đường Phan Đình Phùng. Mỗi quán đều do những người lớn tuổi làm chủ, hiện có thêm con cháu phụ giúp.
Đi xa hơn từ trung tâm thành phố đến quận 5, bạn có thể trải nghiệm vị cà phê vợt của người Hoa. Theo con đường chính dẫn vào chợ Phùng Hưng, bạn sẽ tìm ra quán Ba Lù dù địa chỉ này nằm lọt thỏm giữa những sạp quần áo, hàng đồ ăn.
Nước cà phê được pha bằng vợt thường loãng chứ không sánh đặc. Ly cà phê đen ở các quán có mùi thơm dễ cảm nhận bằng mũi. Giá mỗi ly từ 15.000 đồng.
Di Vỹ
Nguồn: Vnexpress.net