Bối cảnh Việt Nam được chọn lên phim Hollywood thế nào

0
24
Đạo diễn 'Kong: Skull Island' kể quá trình quay bom tấn ở Việt Nam

Tiêu chuẩn đầu tiên mà các đoàn phim Mỹ yêu cầu là bối cảnh phải gần khách sạn 5 sao hoặc các khu resort sang trọng.

Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long của Việt Nam đang trở thành ba điểm đến hot nhất trong năm 2017 sau khi bom tấn Hollywood – Kong: Skull Island – được quay tại đây vào tháng 2 năm ngoái. Sau một năm thực hiện, bộ phim sẽ được ra mắt vào đầu tháng 3. Trong thời gian này, đoàn phim liên tiếp hé lộ những trích đoạn hùng vĩ được quay tại ba bối cảnh ở Việt Nam.

Địa điểm quay phải có khách sạn 5 sao hoặc resort

Bà Leann Emmert, người quản lý bối cảnh chuyên nghiệp ở Hollywood, cùng đoàn tiền trạm của hãng Legendary Pictures đã có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/2015 để khảo sát bối cảnh cho Kong: Skull Island. Theo bà Emmert, tiêu chuẩn đầu tiên mà các nhà làm phim Mỹ đòi hỏi là bối cảnh phải gần khách sạn 5 sao hoặc resort, thuận tiện đi lại với các thành phố lớn và sân bay. Trung bình một đoàn phim Hollywood có hơn 200 người nên chuyện đi lại, ăn ở luôn được quan tâm hàng đầu, sau đó mới tới chuyện bối cảnh có đẹp hoặc phù hợp để lên phim hay không.

Việt Nam có vô số cảnh quan đẹp ở ba miền. Tuy nhiên, những nơi như Hà Giang, Đồng Văn, Lào Cai, Lai Châu hay các tỉnh vùng núi dù có cảnh quan hùng vĩ, hoang dã vẫn khó có thể lên phim Hollywood vì đi lại không thuận tiện, lại không có các dịch vụ 5 sao đáp ứng được nhu cầu của hàng trăm người, trong đó có cả các ngôi sao hạng A. Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới nằm ở Quảng Bình, gây ấn tượng mạnh với các nhà làm phim Hollywood nhưng cũng khó có thể quay phim ở đây vì vấn đề di chuyển.

Đạo diễn 'Kong: Skull Island' kể quá trình quay bom tấn ở Việt Nam
 
 

Đạo diễn ‘Kong: Skull Island’ kể quá trình quay bom tấn ở Việt Nam

Sau nhiều tháng khảo sát, Ninh Bình, Quảng Bình và Hạ Long được chọn là ba bối cảnh để quay Kong: Skull Island vì đáp ứng được những tiêu chuẩn đầu tiên như thuận tiện đi lại về Hà Nội, gần sân bay lớn là Nội Bài. Các khu nghỉ dưỡng 5 sao đều cách bối cảnh trong bán kính hơn một km. Bà Leann Emmert cũng cho biết đoàn phim đặc biệt ấn tượng với cấu trúc đá ở Ninh Bình và đánh giá là “độc đáo chỉ có thể thấy ở Việt Nam”.

Xây dựng bối cảnh

Sau khi lựa chọn được những địa điểm sẽ lên hình, quản lý bối cảnh và hãng phim phải làm việc với chính quyền để xin phép quay phim. Ngay khi nhận được sự đồng ý, các chuyên gia thiết kế phải lên kế hoạch xây dựng toàn bộ bối cảnh chứ không đơn giản là “vác máy đến có gì quay nấy” như lầm tưởng của nhiều người.

Khi tới quay phim tại Việt Nam, đoàn Kong: Skull Island đã xây đường mới, khai hoang một số khu vực và dựng nguyên một ngôi làng ở khu vực gần đầm Vân Long (Ninh Bình) – bối cảnh quan trọng nhất và sẽ xuất hiện xuyên suốt cả bộ phim.

Trong kịch bản có những cảnh các diễn viên phải rơi xuống nước. Các chuyên gia về môi trường đã được cử sang Việt Nam để lấy mẫu nước ở đầm Vân Long về Mỹ xét nghiệm xem có an toàn để các diễn viên nhảy xuống hay không.

Trong toàn bộ thời gian quay, người dân địa phương cũng được trả tiền hàng ngày để giữ gia súc trong nhà. Các diễn viên quần chúng Việt Nam được lựa chọn, các phóng viên tới tham quan trường quay phải ký rất nhiều hợp đồng bảo mật, để đảm bảo không có bất kỳ hình ảnh nào liên quan tới bối cảnh bị lộ ra ngoài trước khi phim công chiếu.

boi-canh-viet-nam-duoc-chon-len-phim-hollywood-the-nao

Đoàn làm phim ghi hình ở Ninh Bình.

Ngay sau quá trình ghi hình ở từng nơi, đoàn phim dọn sạch sẽ bối cảnh và không để lại cọng rác nào. Ngôi làng được dựng lên ở Ninh Bình cũng bị phá hủy chứ không giữ lại để làm điểm du lịch như mong đợi của nhiều người dân địa phương.

Việt Nam – điểm đến mới của Hollywood

Trước đây, các nhà làm phim gặp rất nhiều khó khăn khi muốn quay phim tại Việt Nam. Bom tấn 007 – Tomorrow Never Dies – vào năm 1997 thậm chí còn phải sang Thái Lan quay giả cảnh vịnh Hạ Long và TP HCM. Tuy nhiên giờ đây, Việt Nam đang trở thành “vùng đất hứa” cho các nhà làm phim quốc tế bởi cảnh quan độc đáo, hùng vĩ, hoang sơ và dịch vụ tốt dần lên.

Bà Leann Emmert cũng cho biết giá thuê thiết bị ở Việt Nam rẻ hơn các nước khác rất nhiều. Kinh phí khi quay ở châu Âu như các thành phố Budapest (Hungary) hay Prague (Cộng hòa Czech) ngày càng đắt đỏ và chịu thuế nhiều. Tại châu Á, việc ghi hình ở Thái Lan và Campuchia cũng tốn nhiều tiền hơn so với quay ở Việt Nam do chính sách ngày một thay đổi.

Sau Kong: Skull Island, càng có nhiều đoàn phim quốc tế tới Việt Nam để khảo sát bối cảnh và ghi hình. Năm ngoái, trợ lý tìm kiếm bối cảnh của loạt phim hành động Fast & Furious cũng tới Việt Nam để khảo sát cho các tập tiếp theo. Gần đây nhất là bộ phim Pháp, Những nơi tận cùng thế giới, dự định quay trong năm nay tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

boi-canh-viet-nam-duoc-chon-len-phim-hollywood-the-nao-1

Poster phim sẽ công chiếu vào ngày 10/3.

Tháng 3 năm nay, hình ảnh thiên nhiên Việt Nam sẽ xuất hiện tràn ngập tại rạp chiếu phim trên khắp thế giới cũng như các phương tiện quảng bá khi bom tấn Kong: Skull Island ra mắt. Quảng Bình, Hạ Long và đặc biệt là Ninh Bình, bối cảnh chính, hứa hẹn thu hút thêm một lượng không nhỏ khách du lịch thời gian tới. Đây sẽ là một tín hiệu tốt cho du lịch Việt Nam và mở ra cơ hội cũng như một thời đại mới cho việc quảng bá các danh lam thắng cảnh thông qua nghệ thuật thứ bảy.

Nguyên Minh

Nguồn: Vnexpress.net