Theo kế hoạch, 2 tháng trước ngày khởi hành, chúng tôi hoàn tất bộ hồ sơ để xin visa các nước Brazil, Chile, Peru.
Chúng tôi dự định xin visa Bolivia tại cửa khẩu. Ecuador đơn phương miễn visa cho người mang hộ chiếu Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới với chính sách khuyến khích du lịch. Thời gian cấp visa của các nước trên là từ 1 đến 2 tuần làm việc. Vài sứ quán yêu cầu phải phỏng vấn trực tiếp tại Hà Nội.
Một số loại giấy tờ cần chuẩn bị khi nộp hồ sơ xin visa các nước này gần như giống nhau:
– Đơn xin visa theo mẫu của từng nước. Bạn có thể đến sứ quán/lãnh sự quán để lấy, hoặc tải từ trên mạng về.
– Hộ chiếu gốc đã ký tên tại trang 3
– Hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng
– Hộ chiếu còn ít nhất 3 trang trống để dán visa, thị thực
– Nộp tất cả các hộ chiếu cũ nếu có
– 2 ảnh 4×6 phông nền trắng, chụp chính diện
– Giấy tờ chứng minh tình trạng cá nhân, nhân thân và xã hội (giấy kết hôn, ly hôn, thẻ hưu trí, lý lịch tư pháp…)
– Giấy tờ chứng minh tình trạng công việc (đơn xin nghỉ phép, hợp đồng lao động có chứng nhận mức lương…)
– Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính và tài sản (sổ tiết kiệm với số dư tối thiểu tương đương 3.000 USD và phải có giấy xác nhận giao dịch của tài khoản trong vòng 6 tháng gần nhất…)
– Lịch trình chi tiết cho chuyến đi, trong đó ghi rõ nơi đến, phương tiện vận chuyển, khách sạn lưu trú.
– Hồ sơ vé máy bay khứ hồi, vé xe bus, tàu hỏa và đặt phòng khách sạn/ giấy tờ chứng minh tình trạng lưu trú tại nước ngoài theo lịch trình ở trên.
– Bảo hiểm du lịch với mức chi trả bồi thường tương đương 30.000 euro và phù hợp thời gian chuyến đi.
– Thư mời. Nếu không có thư mời, bạn có thể gởi một lá thư trình bày mong muốn đi du lịch đến đất nước của họ như tôi, trong đó bày tỏ bạn là những người thích đi du lịch, có công ăn việc làm ổn định, từng đi du lịch nhiều nước trên thế giới và sau khi đi du lịch sẽ trở về Việt Nam…
Visa Chile và những con dấu đặc trưng được đóng trực tiếp vào hộ chiếu khi du khách khám phá đảo Phục Sinh. |
Một số lưu ý khác
– Toàn bộ giấy tờ đều phải dịch sang tiếng Anh, có công chứng dịch thuật.
– Thông tin Đại sứ quán Brazil: 14, Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Điện thoại: (04) 38432544, 38471291, 38471292, 38473669.
– Thông tin Đại sứ quán Chile: C8-D8, 14, Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Hà Nội. Điện thoại: (04) 39351147/8.
– Thông tin Đại sứ quán Peru: Tầng 14, Toà Nhà Cornerstone Building, 16 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, hà Nội. Điện thoại: (04) 39363082.
– Visa Brazil: Lệ phí 460.000 đồng, visa nhiều lần, lấy tại Hà Nội trong 1 tuần, thời hạn 180 ngày, mỗi lần tối đa 90 ngày.
– Visa Peru: 645.000 đồng, visa nhiều lần, lấy tại Hà Nội trong 14 ngày, thời hạn 1 năm, mỗi lần ở tối đa 6 tháng.
– Visa Chile: 1.050.000 đồng, visa một lần, lấy tại Hà Nội trong 1 tuần, thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp, ở tối đa 20 ngày. Riêng visa Chile, khi trả lại hộ chiếu đã được dán visa, lãnh sự còn trả lại cho các bạn 2 bản xác nhận thị thực bằng giấy A4, yêu cầu người xin thị thực lăn dấu tay, trả lại cho lãnh sự 1 bản và 1 bản còn lại trình cho nhân viên xuất nhập cảnh khi làm thủ thục nhập cảnh tại cửa khẩu Chile.
– Visa Bolivia: 53 USD cấp tại cửa khẩu, visa 1 lần, thời hạn 30 ngày. Các bạn phải chuẩn bị giấy tờ khi xin visa tại cửa khẩu như lịch trình tour, vé máy bay khứ hồi chứng minh về Việt Nam, booking khách sạn ở Bolivia, danh sách đoàn có đầy đủ thông tin ngày tháng năm sinh, giới tính, số hộ chiếu, ngày hết hạn hộ chiếu và đặc biệt là giấy chứng nhận tiêm phòng sốt vàng da (yellow fever), vì theo họ Việt Nam là nước nằm trong danh sách cần phải tiêm ngừa khi nhập cảnh vào Bolivia. Tại Hà Nội (Trung tâm kiểm dịch quốc tế Hà Nội, 35 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy) và Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, 40 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận) đều có tiêm ngừa sốt vàng da và cấp giấy chứng nhận theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
– Visa Ecuador: Miễn visa, mỗi lần nhập cảnh cho phép ở 90 ngày.
Tỷ giá
– Đồng Reals Brazil: 1 USD = 2,5 R (tại sân bay); 1 USD = 2,7 R (tại các điểm đổi ngoại tệ trong thành phố)
– Đồng Bolivias (Bolivia): 1 USD = 6,85 B
– Đồng Sole (Peru): 1 USD = 3,08 S
– Đồng Peso (Chile): 1 USD = 612 P (tại ngân hàng), riêng tại đảo Phục Sinh mà trả bằng USD chỉ được tính 1 USD = 500 P. Ở đảo có 2 ngân hàng có thể đổi ra đồng peso với tỷ giá như đất liền.
– Ecuador dùng đồng USD.
Thuốc chống độ cao
Du khách được khuyên nên chuẩn bị thuốc chống độ cao khi trải nghiệm trên những đỉnh núi tuyết. |
Trong chuyến đi, chúng tôi luôn di chuyển trên độ cao từ 3.000-4.000 mét, có đôi chỗ tham quan ở độ cao 5.000 m nên cũng chuẩn bị đơn thuốc chống độ cao theo chỉ định của bác sĩchuyên trong lĩnh vực này kê toa. Dưới đây là hướng dẫn phòng và điều trị hội chứng AMS mức độ nhẹ của bác sĩ (Hướng dẫn chỉ có tính chất tham khảo).
1. Acetazolamid (Diamox) 250 mg x 15 viên
Uống ngày 2 viên chia 2 lần sáng chiều, bắt đầu uống trước khi đi đến vùng cao ít nhất 48 giờ, thông thường uống trong 3 ngày. Nếu triệu chứng AMS xuất hiện nhiều như đau đầu, khó thở, tiếp tục uống đến 5 ngày. Mục đích thuốc này có tác dụng phụ gây toan chuyển hóa, kích thích thân não tăng thông khí và gây thở nhanh kể cả lúc ngủ, nên có thể bù trừ một phần tình trạng thiếu oxy.
2. Dexamethasone 4 mg x 15 viên
Uống ngày 3 viên chia 3 lần, chỉ uống khi bắt đầu có triệu chứng AMS nặng như đau đầu, mất ngủ hoàn toàn. Thuốc có tác dụng chống phù não nên giảm bớt cơn đau đầu. Tác dụng phụ nếu dùng kéo dài trên 5 ngày là suy tuyến thượng thận cấp, phù nhẹ mặt thoáng qua và hết khi ngừng thuốc. Nên hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi uống.
3. Ultracet x 10 viên
Uống ngày 2 viên chia 2 lần, thuốc này có tác dụng giảm đau tốt nhưng hơi đắt. Đơn thuần điều trị triệu chứng đau, an toàn.
4. Efferalgan Codein x 15 viên
Thuốc thay thế thuốc số 3, uống 2-3 viên/ngày. Cũng có tác dụng giảm đau tương đương, tuy nhiên tôi không thích tác dụng giảm đau của codein lắm vì hâm mộ tác dụng của tramadol trong viên ultracet hơn (giảm đau êm ái hơn)
5. Ibuprofen 400 mg x 20 viên
Uống ngày 4 viên chia 2 lần sau ăn. Đây là thuốc cơ bản có tác dụng giảm đau trong AMS rất tốt và được khuyến cáo trong y văn, tuy nhiên tỷ lệ dị ứng tương đối cao nên hiện tại thị trường bán loại này tương đối hạn hẹp và không nhiều. Ai có bệnh lý dạ dày nên thận trọng khi uống.
Ngoài ra, còn có một số loại thuốc khác giúp điều trị AMS mức độ nặng hơn, người ta gọi là hội chứng HACE và HAPE. Vấn đề này không nhắc đến vì nó nhìn chung vượt ngoài tầm kiểm soát của mọi người. Khi chuẩn bị thuốc, nên mua đủ thuốc 1, 2, 3 hoặc 4, 5. Ai có bệnh dạ dày nên mang theo ít thuốc dạ dày nữa. Mỗi người tùy theo nặng nhẹ mà bù trừ thuốc cho nhau trong quá trình đi lại sau. Lưu ý, tất cả các loại thuốc hoạt huyết dưỡng não, bổ não khác…không có tác dụng điều trị AMS, các bạn nên đừng mang theo.
Nguồn: News.zing.vn