Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào!

0
10
Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 1.

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 1.

Lặn xuống biển, bạn được ngắm san hô cùng những đàn cá tung tăng – Ảnh: T.T.D.

Nơi đó, mỗi ngày có hàng ngàn du khách thích thú lặn xuống để ngắm san hô – những đóa hoa của biển.

Hầu hết những bãi biển ở Việt Nam đều có san hô. Ở phía Bắc, san hô tập trung nhiều ở Cát Bà, Cô Tô, còn ở phía Nam thì có ở Côn Đảo và Phú Quốc cũng như các hòn đảo ở Kiên Giang. Riêng vùng biển miền Trung thì nhiều vô kể. Nói không ngoa, chỉ cần lặn xuống là thấy san hô!

Thời tiết nắng ấm quanh năm với nguồn ánh sáng mặt trời chiếu xuống vùng nước trong và nông giúp san hô ở Việt Nam phát triển, tạo thành thảm thực vật phong phú.

Mà ngắm san hô có dễ không? Hiện nay tại Việt Nam có hai loại hình lặn biển phổ biến: nghiệp dư thì có lặn ống thở (snorkeling), và chuyên nghiệp hơn có lặn bình dưỡng khí (diving).

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 2.

Với những vùng biển nông chỉ cần đeo kính bơi và ụp mặt xuống biển là san hô – Ảnh: Q.NAM

Với những bờ biển nông như ở đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) hay ở bãi Ông Đụng (huyện Côn Đảo), du khách chỉ cần đeo kính bơi và ụp mặt xuống biển thôi là có thể thỏa thích ngắm san hô rồi. Du khách cũng không cần phải biết bơi, vì môi trường biển ở đây còn rất sạch nên san hô tồn tại ngay sát bờ.

Còn nếu đi bằng tàu ra xa hơn chút nữa, cách bờ vài trăm mét, vẫn chỉ cần đeo kính bơi và ngậm thêm một ống thở, mặc thêm chiếc áo phao là du khách nào cũng có thể đắm mình trong hàng ngàn đóa hoa nở bung dưới đáy biển. 

Nếu bạn biết bơi, hãy lặn xuống một chút để nhìn cho kỹ hơn, nhưng nhớ đừng chạm tay vào san hô nhé!

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 3.

Đi tàu ra xa bờ một chút, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhiều san hô hơn – Ảnh: Q.NAM

Chúng tôi từng ra đảo Cồn Cỏ bằng tàu cá của ngư dân. Hòn đảo nhỏ này chưa phát triển du lịch nhiều nên biển, rừng hầu như còn nguyên vẹn. 

Trong khi đang tắm biển, một người trong nhóm la toáng lên “có san hô nè mọi người ơi”. Ai nấy đeo kính bơi vào và úp mặt xuống nước. 

Ôi, những bông san hô màu đỏ tươi ngay dưới chân mình. Từng tảng san hô nằm chỉ cách bờ 5-7m và dưới mặt nước tầm 1-1,5m thôi. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ có thể ngắm san hô dễ dàng như vậy được.

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 4.

Ở vùng biển sạch, chỉ cần đứng ngay bờ là bạn có thể thấy san hô – Ảnh: Q.NAM

Còn ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), san hô phát triển nhiều hơn và đa dạng màu sắc hơn. Đoàn chúng tôi thuê tàu du lịch đi thăm một số hòn đảo nhỏ xung quanh. 

Đến khoảng 14h, khi nắng đẹp nhất, trời xanh nhất và biển trong nhất, tàu neo lại. Mỗi người nhận một kính lớn và một ống thở, mặc áo phao rồi nhảy ùm xuống nước.

Ở phía dưới kia, cách mặt nước khoảng chừng 10m thôi là một khu vườn sặc sỡ, đầy san hô, chiếu lên mặt nước những mảng màu tươi rói. 

Cả nhóm vẫy vùng trong làn nước mát và chìm đắm trong cảnh sắc của thiên nhiên mà không ai muốn lên tàu.

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 5.

Không chỉ thấy san hô, bạn còn được thấy những đàn cá nhiều sắc màu – Ảnh: T.T.D.

cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) lại khác. Ở đây có nhiều đảo nhỏ, vịnh nước rất êm. Tàu đưa chúng tôi chạy quanh các đảo, nhìn xuống đáy biển trong để chọn vùng nào nhiều san hô thì nhảy xuống. Thật sự càng ra xa bờ, nước càng trong, san hô càng nhiều.

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 6.

Những thiết bị chuyên nghiệp sẽ giúp bạn lặn xuống sâu hơn

Nếu muốn khám phá dưới đáy đại dương đẹp như thế nào, du khách cần lặn xuống 10 – 20m mới thấy những điều kỳ vĩ.

Để làm được điều đó, người lặn phải dùng dịch vụ lặn bình dưỡng khí với bằng lặn biển chuyên nghiệp, hoặc kèm một thợ lặn có bằng cấp. 

Ở Việt Nam có những công ty chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ này, tập trung ở Nha TrangPhan Thiết. Tại đây, du khách sẽ được hướng dẫn lặn xuống biển Hòn Mun (Nha Trang) hay Mũi Né (Phan Thiết), nơi có những rạng san hô đẹp nhất cả nước.

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 7.

Những nữ du khách đeo bình dưỡng khí chuẩn bị lặn ngắm san hô

Để có thể lặn xuống biển sâu bằng bình dưỡng khí, du khách cần phải trang bị những kiến thức sử dụng các thiết bị, cũng như những ký hiệu ra dấu bằng tay khi ở dưới nước.

Sau buổi huấn luyện trên bờ, mỗi người sẽ được mặc bộ đồ lặn chuyên dụng, đeo bình dưỡng khí sau lưng có ổng thở ngậm trực tiếp vào miệng, quanh bụng đeo một cục tạ chì nặng khoảng 9-10kg để chống lại áp lực của nước, rồi thợ lặn sẽ đưa bạn xuống biển. Do đó, bạn biết bơi hay không biết bơi không thành vấn đề, cứ can đảm lên nhé.

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 8.

Hãy làm đúng những lời dặn của người hướng dẫn khi lặn biển

Với những du khách mới lặn lần đầu, thợ lặn chỉ hướng dẫn xuống độ sâu khoảng 6-10m. Nếu bạn đã có kinh nghiệm thì nên lặn xuống sâu hơn để chiêm ngưỡng những bức tranh kỳ vĩ dưới đáy biển.

Chúng tôi đi lặn ở Hòn Mun (Nha Trang), dù hơi khó chịu vì chứng ù tai do áp lực của nước ở độ sâu tối đa dành cho người mới, nhưng chúng tôi vẫn mải mê chìm đắm trong khung cảnh tuyệt đẹp của bãi san hô, thủy tảo, những đàn cá thoắt ẩn thoắt hiện giữa làn nước biển trong vắt như pha lê.

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 9.

Còn gì thích thú hơn biển xanh trong những ngày nắng ấm

Nếu áp lực nước khiến bạn khó chịu, hãy ra ký hiệu để người hướng dẫn đưa bạn ngoi lên. Bạn có thể tiếp tục cuộc hành trình lặn biển sau khi lấy lại cân bằng, hoặc có thể ngừng tùy theo tình trạng sức khỏe.

Du khách có thể lặn biển vào những ngày nắng nóng hay ngày mát mẻ, chỉ cần biển trong và không có sóng lớn. Ở miền Bắc, bạn hãy chọn những ngày mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9, miền Trung thì dải thời gian rộng hơn, từ tháng 3 đến tháng 10, còn miền Nam thì… lúc nào cũng được, nắng quanh năm mà.

Nào, giờ thì chúng ta cùng đeo kính bơi, ngậm ống thở, hít thật sâu rồi lặn xuống biển thôi. Hàng ngàn sinh vật đẹp đẽ đang chờ đón chúng ta dưới đáy đại dương đó!

Thể lệ cuộc thi “Quê hương tôi” (19-5-2020 – 15-8-2020)

Nhằm giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp đất nước, phong tục, tập quán, con người Việt Nam cũng như thúc đẩy phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết “Quê hương tôi”.

Chủ đề cuộc thi:

– Giới thiệu, chia sẻ cảm nhận của bạn đọc về những nét độc đáo của quê hương mình đến với mọi người Việt Nam, nhằm thúc đẩy ngành du lịch nội địa hồi phục nhanh chóng sau dịch COVID-19 (chú trọng đến yếu tố tình cảm, nhân văn, cảnh đẹp của con người, vùng đất thông qua sự kiện, lễ hội, văn hóa, ẩm thực, địa danh, trang phục truyền thống…).

Đối tượng tham gia:

– Tất cả người Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.

Thời gian nhận tác phẩm:

– Từ ngày 19-5-2020 đến hết ngày 15-8-2020.

Quy cách bài dự thi:

– Bài viết tối đa 800 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.

– Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.

– Tác giả ghi địa chỉ, điện thoại, email (nếu có) để ban tổ chức (BTC) liên lạc.

– Bài dự thi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết được tổ chức trước đây, hiện không tham gia trong bất kỳ cuộc thi viết đang được tổ chức. Bài dự thi chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Cách thức tham gia:

– Bài viết dự thi gửi đến BTC theo 2 cách:

+ Gửi qua địa chỉ email antuongvietnam@tuoitre.com.vn

+ Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ – 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Quê hương tôi”.

– Bạn đọc vào trang web https://dulich.tuoitre.vn/que-huong.htm để xem bài dự thi đã qua sơ loại.

Cơ cấu giải thưởng:

Giải chung cuộc:

• 1 giải nhất: Trị giá 20 triệu đồng, gồm 10 triệu đồng (hiện kim) + voucher du lịch trị giá 10 triệu đồng.

• 2 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15 triệu đồng, gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + voucher du lịch trị giá 10 triệu đồng.

• 3 giải ba: Mỗi giải trị giá 10 triệu đồng, gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + voucher du lịch trị giá 5 triệu đồng.

• 10 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 2 triệu đồng (hiện kim) + voucher du lịch trị giá 3 triệu đồng.

– Người đoạt giải thưởng được hỗ trợ 2 đêm phòng khách sạn để tham dự lễ trao giải, khách sạn do BTC chọn và đặt phòng.

– Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 30-8-2020.

Quy định chung:

– Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền bài viết.

– Cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Tuổi Trẻ và các đơn vị đồng hành chương trình này được tham gia viết bài nhằm cổ súy cho hồi phục du lịch Việt Nam nhưng không được xét chấm giải.

– Trong thời gian diễn ra cuộc thi, bài dự thi được chọn đăng trên báo in báo Tuổi Trẻ, TTO sẽ được báo Tuổi Trẻ trả nhuận bút.

– BTC được quyền sử dụng bài dự thi đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, đối ngoại, in ấn các tài liệu quảng bá tiếp thị cho mục đích phát triển du lịch Việt trong và sau cuộc thi. Đối với bài dự thi không đoạt giải nhưng được sử dụng cho mục đích vừa nêu sẽ được trả nhuận bút 300.000 đồng/bài.

– Người đoạt giải chịu trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

– Giải thưởng bằng hiện vật sẽ không được quy đổi thành tiền.

– Nếu có bằng chứng hiển nhiên người tham gia gian lận và sao chép tác phẩm thì kết quả của người thắng cuộc sẽ bị hủy bỏ.

– Nếu có một vấn đề phát sinh trong hoặc sau cuộc thi, mà vấn đề này nằm ngoài quy định đang có, BTC có toàn quyền thảo luận để đưa ra quyết định xử lý vấn đề.

BAN TỔ CHỨC

Hè đến rồi, lặn biển ngắm san hô nào! - Ảnh 11.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn