Có thời điểm nhà tù Sơn La giam cầm 1.007 chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước.
Nhà tù Sơn La do Thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2, chủ yếu để giam cầm tù thường phạm. Đến năm 1930 diện tích nhà tù được mở rộng thêm gấp 3 lần diện tích cũ và bắt đầu giam cầm tù Cộng sản.
Nhà tù hiện không còn nguyên vẹn, chỉ còn sót lại chiếc cổng chính và những bước tường gạch, đá cao. Trong ảnh là tấm biển của nhà tù loang lổ, rêu phủ kín theo thời gian.
Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.170 m2 với cả hệ thống các phòng giam nổi và phòng giam ngầm dưới mặt đất.
Năm 1952, khi thực dân Pháp rút khỏi Sơn La, đã ném bom nhằm xóa đi dấu vết tội ác. Lần 2 vào năm 1965, đế quốc Mỹ đã đánh phá thị xã Sơn La (cũ) phá hủy một phần của nhà tù.
Cây đào Tô Hiệu là hình ảnh về ý chí kiên cường của những tù nhân Cộng sản. Cây đào vẫn hiển hiện như một nhân chứng lịch sử. Do tuổi thọ đào không được cao nên cây đào hiện nay được chiết từ cây đào gốc.
Nơi đây giam giữ các đồng chí Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị… Nhà tù được ví là Trường học cách mạng, là nơi ươm những hạt giống đầu tiên để phong trào cách mạng ở Tây Bắc đơn hoa kết trái. Trong ảnh là phòng giam đồng chí Tô Hiệu.
Trong mỗi phòng giam còn nguyên những chiếc gông, cùm bằng sắt kiên cố.
Tường nhà tù được thiết kế dày 40-45 cm, cao 3,9 m, mái lợp tôn ốp sát, mùa hè nóng như thiêu như đốt, mùa đông sàn đá, xi măng sẽ khiến tù nhân lạnh thấu xương thịt. 49 phòng giam, cao điểm nhất giam giữ 500 người năm 1933.
Năm 1980, Bảo tàng Sơn La tiến hành phục chế lần thứ nhất: San lấp hố bom, xây dựng lại một số đoạn tường rào bao quanh.
Lần thứ 2, vào năm 1994, phục chế lại 2 tháp canh, nhà bếp, trại giam lớn, gia cố lại hầm ngầm, xây dựng các bức tường của các phòng giam theo dấu vết của các nền móng cũ. Một căn phòng trong khu xà lim ngầm đã được khôi phục lại. Hàng rào thép gai cắm đầy mảnh sành và lưới thép gai.
Giường nằm cho tù nhân được láng xi măng trên bề mặt, mép ngoài gắn hệ thống cùm chân bằng sắt chắc chắn.
Buồng giam lớn trong nhà tù làm không gian trưng bày hiện vật, để khách tham quan hiểu thêm về “Cái nôi của cách mạng Việt Nam”. Nơi đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ các chiến sỹ trung kiên cho Đảng.
Di tích nhà tù Sơn La được xếp hạng quốc gia từ năm 1962 và đã trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Ngày nay di tích cách mạng Nhà tù Sơn La trở thành một điểm thu hút nhiều khách tham quan trong và nước ngoài.
Năm 2016, khách du lịch đến Sơn La đạt 1,85 triệu lượt người; tạo doanh thu cho tỉnh gần 900 tỷ đồng. Quý I năm 2017, tỉnh Sơn La đón 545.000 lượt khách du lịch.
Ngọc Thành
Nguồn: Vnexpress.net